Trung Quốc sở hữu bao nhiêu phần thế giới?

21/04/2015 15:01 PM |

Trung Quốc có thể đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào trên thế giới, từ năng lượng, kim loại cho tới tài chính khi mà Bắc Kinh đang nắm trong tay khoảng 4 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Mặc dù, trong thời gian gần đây, GDP của Trung Quốc đang tăng chậm lại, nhưng nói chung nền kinh tế nước này vẫn giữ đà phát triển đáng mơ ước với con số tăng trưởng thường niên đạt trên 7%. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng gấp 8 lần trong vòng 10 năm qua, đạt mức hơn 140 tỷ USD vào năm 2013.

Tuy nhiên, tới năm 2014, xu hướng trên có phần chững lại khi mà mức đầu tư trong nửa đầu năm 2014 thấp hơn so với một năm trước đó, chủ yếu là do việc cắt giảm chi tiêu cho các dự án năng lượng.

Song theo BBC, tình trạng cắt giảm chi tiêu cho lĩnh vực năng lượng sẽ chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn bởi dân số Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng và đặc biệt là sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu. Tất cả những yếu tố này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục cần một khối lượng lớn năng lượng.

Trong 10 năm qua, Mỹ là quốc gia nhận nhiều tiền nhất từ Trung Quốc, chủ yếu do sự bùng nổ đầu tư kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, khoản đầu tư của Trung Quốc vào Anh đã đuổi kịp mức đầu tư vào Mỹ. Anh hiện đang giữ vững vị trí là quốc gia châu Âu được Trung Quốc ưu ái đầu tư khi nhận được 24 tỷ USD. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức 11 tỷ USD mà Trung Quốc đầu tư vào Pháp.

Dù đã ký kết các bản hợp đồng dự án đầu tư trên khắp thế giới, nhưng châu Phi mới là nơi Bắc Kinh quan tâm nhất. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã bắt tay làm ăn với 34 nước ở châu Phi. Trong đó, Nigeria dẫn đầu danh sách nhận đầu tư từ Trung Quốc với 21 tỷ USD. Ethiopia và Algeria thu hút hơn 15 tỷ USD từ Trung Quốc, còn Angola và Nam Phi mỗi nước nhận được gần 10 tỷ USD. Vậy tại sao Trung Quốc lại đổ nhiều tiền như vậy vào châu Phi? Câu trả lời hết sức đơn giản là bởi châu Phi rất giàu trữ lượng tài nguyên.

Ngoài ra, yếu tố căng thẳng chính trị còn là lý do khiến Trung Quốc rụt rè đầu tư vào một số quốc gia như Mông Cổ (1,4 tỷ USD), Nhật Bản (1,6 tỷ USD).

Trung Quốc hiện rất khát các nguồn tài nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Theo dự báo, tới năm 2050, nhu cầu năng lượng của quốc gia này sẽ tăng lên gấp 3 lần. Đây cũng là lý do kể từ năm 2005. các khoản đầu tư vào ngành năng lượng được Trung Quốc ưu ái hơn những ngành kinh tế khác. Theo đó, chính phủ Trung Quốc đã cam kết đầu tư khoản tiền gần 400 tỷ USD để đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng cho 1,4 tỷ dân nước này.

Giàn khoan dầu của CNOOC ở vịnh Bột Hải.

Tuy nhiên, hồi năm ngoái, mức đầu tư vào ngành năng lượng của Trung Quốc cũng đã phần nào giảm nhẹ để chuyển sang một số lĩnh vực khác như giao thông, bất động sản và công nghệ. Nhưng lâu nay, những khoản đầu tư vào ngành năng lượng thường có quy mô lớn và đa phần do các công ty quốc doanh thực hiện. Do đó, mức giảm tạm thời có nghĩa là giảm bớt đầu tư của nhà nước và tăng khoản đầu từ tư nhân. Trong một vài trường hợp, sự dịch chuyển này sẽ giúp cho đồng tiền Trung Quốc dễ dàng được chấp nhận tại các nước đón nhận đầu tư.

Ngoài năng lượng, kim loại cũng là lĩnh vực mà Trung Quốc chú trọng đầu tư. Bởi đây là những nguyên liệu cần thiết phục vụ ngành xây dựng và công nghiệp, nhằm giúp Trung Quốc tăng tốc phát triển nền kinh tế.

Song, năng lượng vẫn là lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc đầu tư nhiều nhất, đôi khi còn gây sốc cho các công ty tư nhân. Điển hình, hồi năm 2013, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã chi 15 tỷ USD vào Tập đoàn Năng lượng Nexen của Canada. Ngoài ra, các công ty năng lượng quốc doanh khác của Trung Quốc cũng đã chi nhiều tỷ USD trong những năm gần đây.

Ngoài lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, tài chính cũng thu hút nhiều khoản tiền lớn từ Trung Quốc. Trong đó, Morgan Stanley và Standard Bank là những địa chỉ được Trung Quốc đổ tiền vào nhiều nhất. Thậm chí, một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như IBM, Barclays, Ford và General Motors cũng thu hút tiền đầu tư từ Trung Quốc.

>> Những mặt hàng giả 'trứ danh' của Trung Quốc

Theo Minh Thu

Cùng chuyên mục
XEM