[Trực tiếp] M&A là con đường tốt để doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp

21/11/2015 09:43 AM |

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu. Doanh nghiệp sẽ là “đột phá của đột phá”, tạo động lực mới trong tái cơ cấu và hội nhập.

Sáng ngày 21/11, Diễn đàn "Đầu tư Nông nghiệp thời TPP" do Kênh Thông tin Tài chính - Kinh tế hàng đầu Việt Nam CafeF phối hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc.

Đầu tư Nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng ngành

Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, cho biết Nghị quyết 26 đã khẳng định nông nghiệp là ngành có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, nông nghiệp cũng đã có chuyển mình đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, thì đầu tư nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng của ngành, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Khẳng định Diễn đàn kinh doanh là cầu nối, là Diễn đàn cởi mở dành cho các chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được chia sẻ vào ngành nông nghiệp.

Đây là cơ hội cho các nhóm ngành trao đổi thẳng thắn, đóng góp vướng mắc khó khăn trong hội nhập. Theo đó, các ý kiến trong Diễn đàn sẽ được gửi đến cơ quan quản lý để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Khách mời tham dự sự kiện
Khách mời tham dự sự kiện
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Chỉ 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Phát biểu khai  mạc , ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Đầu tư nông nghiệp thời TPP, có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh Hiệp định TPP vừa kết thúc đàm phán. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp và nông thôn tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Diễn đàn sẽ góp phần đóng góp ý kiến cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp để Đại hội Đảng toàn quốc lần 12 sẽ có dịp đánh giá sâu sắc hơn.

Thứ trưởng cũng nêu ra ba thành tựu lớn mà ngành nông nghiệp đã đạt được:

Thứ nhất, từ một nước nghèo, thiếu lương thực Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu và ngành nông nghiệp đã hội nhập khi đóng góp 31 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu.

Thứ hai, ngành nông nghiệp đã đi đầu trong đổi mới cơ cấu kinh tế

Thứ ba là ngành nông nghiệp đã  đóng góp trong an ninh lương thực, ổn định xã hội, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. .

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức trong hội nhập, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng gần đây giảm sút, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp chưa cao, tình trạng sản phẩm nông nghiệp mất an toàn.

Đặc biệt, tổng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 5,4 – 5,6%, trong đó tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% trong toàn nền kinh tế; vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp rất thấp, chỉ đạt 3,1% về dự án và 1,46% tổng vốn đăng ký vào nông nghiệp.


Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Đầu tư nông nghiệp thời TPP

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Đầu tư nông nghiệp thời TPP

Do đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn, sẽ tạo ra cơ hội thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Theo đó, trong thời Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu, doanh nghiệp sẽ là “đột phá của đột phá”, tạo động lực mới trong tái cơ cấu và hội nhập. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tám bày tỏ mong muốn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không chỉ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà phải làm sao dẫn dắt nền nông nghiệp nhỏ của ta đi lên hội nhập và giúp đỡ được nông dân.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp để từ đó có cơ chế chính sách mang tính hội nhập ngày càng tốt hơn, tương thích với quy định quốc tế.

Giá bán của nông sản nước ta thấp do cạnh tranh, thiếu chế biến, thiếu thương hiệu

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trích dẫn nghiên cứu của OECD năm 2015, tỷ trọng hỗ trợ nông dân của Nhà nước trong tổng thu của người sản xuất giai đoạn 2011 – 2013 tại một số nước rất cao.

Nếu như tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, tỷ trọng này ở mức 55 - 60%, thì ở nước chúng ta, 10 triệu hộ nông dân đang ra sức chiến đấu với thị trường.

Theo xếp hạng của FAOSTAT, xét về số lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu, một số mặt hàng chúng ta ở top dẫn đầu thế giới, xếp hạng 1 - 5. Nhưng xét về giá bán, Việt Nam từ thứ 5 trở xuống. Lý do giá bán của nông sản nước ta thấp là do cạnh tranh về giá, hoặc thiếu chế biến, thiếu thương hiệu.

Sự suy giảm về nông nghiệp đi kèm với suy giảm lượng đầu tư/ha đất nông nghiệp. Đất chúng ta đã tận dụng gần hết, lao động cũng đã tận dụng gần hết.

Theo ông Tuấn, chúng ta cần vai trò của doanh nghiệp để khắc phục điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Nông dân Việt Nam tiếp thu rất mạnh nhưng không có định hướng thị trường. Doanh nghiệp sẽ hiểu thị trường, có khả năng đưa vốn, công nghệ cần thiết để phối hợp với nông dân chọn đúng sản phẩm và chọn thời điểm đúng để đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Từ đó, hình thành nên chuỗi giá trị một cách đồng bộ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để có thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Sự suy giảm về nông nghiệp đi kèm với suy giảm lượng đầu tư/ha đất nông nghiệp. Đất chúng ta đã tận dụng gần hết, lao động cũng đã tận dụng gần hết.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn bày tỏ nhận định rằng nông dân Việt Nam vẫn chưa được hỗ trợ nhiều như các nước khác
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn bày tỏ nhận định rằng nông dân Việt Nam vẫn chưa được hỗ trợ nhiều như các nước khác

Theo ông Tuấn, chúng ta cần vai trò của doanh nghiệp để khắc phục điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Nông dân Việt Nam tiếp thu rất mạnh nhưng không có định hướng thị trường. Doanh nghiệp sẽ hiểu thị trường, có khả năng đưa vốn, công nghệ cần thiết để phối hợp với nông dân chọn đúng sản phẩm và chọn thời điểm đúng để đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Từ đó, hình thành nên chuỗi giá trị một cách đồng bộ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để có thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Lo ngại hàng hóa nội địa bị cạnh tranh với hàng hóa những nước trong TPP

Cho rằng cần tập trung đầu tư vào nông nghiệp, ông Bùi Trinh, chuyên gia thống kê lo ngại khi tham gia TPP, hàng hóa nội địa sẽ bị cạnh tranh với hàng hóa những nước trong TPP, trong đó cạnh tranh chủ yếu là về giá cả.

Thực tế, tỷ trọng của ngành nông nghiệp ngày càng giảm, từ 25% xuống  còn 17,7% trong năm 2014; tăng trưởng nông lâm nghiệp cũng ngày càng giảm; tỷ trọng đầu tư trong nông nghiệp lại càng giảm, từ 15% năm 2005 xuống còn 9%, là mức đầu tư quá thấp, trong khi mức đầu tư của nền kinh tế là trên 30%.

Trong khi đó, lượng tiền của FDI chuyển ra thuần là 26 lần, là mức rất lớn nên chuyên gia Bùi Trinh cho rằng DN nội tăng cường đầu tư vào nông nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho nội địa. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản hiện có hệ số lan tỏa lớn nhất cho nền kinh tế và thu nhập cho người dân.

Theo đó, chuyên gia Bùi Trinh khuyến nghị, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp nội địa hơn là các doanh nghiệp FDI. Trong đó, cần quan tâm đến thị trường nội địa, kết nối các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, để người sản xuất trong tất cả các khâu đều có lợi; cần có sự cải thiện về quy trình công nghệ và cấu trúc đầu vào để mở rộng thị trường.

Chuyên gia Kinh tế Bùi Trinh lo ngại hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh về giá với hàng hóa các nước cùng trong khu vực TPP
Chuyên gia Kinh tế Bùi Trinh lo ngại hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh về giá với hàng hóa các nước cùng trong khu vực TPP

8 rào cản khiến FDI vào nông nghiệp thấp

Liên quan đến tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, TS Vũ Thị Minh – chuyên gia của Bộ Tài chính – chia sẻ: Những năm gần đây, tỷ trọng FDI đầu tư vào nông nghiệp ngày càng giảm.

Trong 3 năm 2012, 2013, 2014, FDI đầu tư vào nông nghiệp/tổng FDI chỉ lần lượt ở mức 0,6%; 0,4% và 0,6%.

Đứng trên góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, theo TS Minh, dưới đây là 8 rào cản lý giải vì sao FDI vào nông nghiệp thấp. Cụ thể:

1- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp ở các nước phát triển có lợi thế về công nghệ và tổ chức sản xuất, nên không muốn vào vào Việt Nam vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

2- Khó khăn trong tiếp cận đất đai. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến khích rất nhiều, nhưng về khoản đất đai thì doanh nghiệp cho biết chưa được hỗ trợ và tiếp cận rất khó khăn.

3- Các nhà đầu tư FDI cho rằng Việt Nàm không thiếu một luật nào, nhưng thực thi pháp luật ở Việt Nam còn kém trong khi ở các nước phát triển, vấn đề luật pháp rất minh bạch. Nếu có vấn đề tranh chấp thì doanh nghiệp FDI sẽ bị thiệt.

4- Các chính sách thu hút FDI vào nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn.

5- Cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn thiếu, lạc hậu, đặc biệt các vấn đề liên quan đến logistics.

6- Tự do hóa thương mại – đây là thành tựu Việt Nam hay nhắc đến, nhưng với riêng trường hợp ở Việt Nam, đây lại là rào cản cho các doanh nghiệp FDI.

Tại sao từ năm 2000, đầu tư trong nước và ngoài nước đều giảm? Bởi các doanh nghiệp Việt Nam vốn là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trước thời điểm năm 2000 nhằm khai thác yếu tố bảo hộ đối với nông nghiệp của Việt Nam.

Sau thời điểm mở cửa, bảo hộ giảm, chúng ta giảm về mặt thuế nhưng tăng nhiều về rào cản kỹ thuật. Doanh nghiệp chỉ muốn đầu tư vào thị trường ít cạnh tranh, chứ không doanh nghiệp nào muốn vào một thị trường nhiều cạnh tranh.

Việc các doanh nghiệp Việt Nam vào TPP không phải là cơ hội kinh doanh mà là áp lực buộc chúng ta phải kinh doanh, áp lực buộc phải làm để tồn tại.

7-Thiên tại dịch bệnh khó kiểm soát.

8-Tham nhũng trong bộ máy hành chính quản lý, đặc biệt trong việc cấp phép và quản lý đầu tư.

Bà Vũ Thị Minh
Bà Vũ Thị Minh

“Kẻ đến người đi” trong các dự án nông nghiệp

Theo đánh giá của chuyên gia Trần Hải Yến, số lượng các doanh nghiệp hoạt động thuần túy trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán còn khá khiêm tốn (chỉ khoảng 20 doanh nghiệp), quy mô vốn hóa của cả ngành cũng khá nhỏ (khoảng 3% vốn hóa toàn thị trường).

Ngoài HAGL tương đối thành công với sự chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp thì một số doanh nghiệp lớn khác niêm yết trên TTCK cũng đã và đang liên tục rót vốn vào lĩnh vực này. Như trường hợp Tập đoàn Vingroup đã đầu tư 2.000 tỷ đồng thành lập công ty VinEco chuyên sản xuất rau sạch tại khắp các tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai.

Song số lượng các doanh nghiệp đầu tư mới vào nông nghiệp vẫn đang nhiều hơn đáng kể so với số doanh nghiệp ra đi. Việc rút khỏi nông nghiệp được đánh giá là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới giảm sâu, chưa chắc chắn về thời điểm tăng trở lại trong khi các dự án nông nghiệp thường “chôn vốn” lâu.

Theo bà Yến, việc tập trung đầu tư vào nông nghiệp cần ba giải pháp: Thứ nhất là cần phải đầu tư nông nghiệp trên quy mô rộng, triển khai cánh đồng mẫu lớn.

Thứ hai, với nhóm doanh nghiệp muốn đầu tư theo chuỗi thì phải thành lập công ty liên kết và xây dựng nguyên liệu ổn định.

Thứ ba, M&A là con đường để doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, không yêu cầu doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư bài bản ngay từ đầu, song đòi hỏi lớn về vốn.

Theo chuyên gia Trần Hải Yến, việc rút khỏi nông nghiệp được đánh giá là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới giảm sâu
Theo chuyên gia Trần Hải Yến, việc rút khỏi nông nghiệp được đánh giá là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới giảm sâu

Việt Nam đang tồn tại song song 2 kênh xuất khẩu gạo vô cùng đối nghịch

TS. Phạm Quang Diệu – chuyên gia ngành nông nghiệp – trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng xuất khẩu gạo đã giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2012. Sau khi đạt mức 8 triệu tấn vào năm 2012, xuất khẩu gạo Việt nam tụt dốc, chỉ xuất khẩu ở mức 6,3 – 6,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, một con số khác không được nêu ra trong các báo cáo thống kê: Sản lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo ghi nhận, có khoảng 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm được vận chuyển qua biên giới Trung Quốc. Những con số này chưa được phân tích đầy đủ khiến ngành kinh doanh này biến động rất lớn, gây rủi ro cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở miền Tây.

Theo TS. Phạm Quang Diệu, Việt Nam đang tồn tại song song 2 kênh xuất khẩu gạo vô cùng đối nghịch
Theo TS. Phạm Quang Diệu, Việt Nam đang tồn tại song song 2 kênh xuất khẩu gạo vô cùng đối nghịch

Việt Nam đang tồn tại song song 2 kênh xuất khẩu gạo vô cùng đối nghịch.

Một là, kênh xuất khẩu gạo chính ngạch qua các cảng – một kênh xuất khẩu hiện đại, đại diện cho công nghệ, cho phương thức thanh toán LC qua ngân hàng.

Và một kênh khác, mà hình ảnh điển hình là một đoàn người cầm từng bao gạo chuyển qua cửa khẩu biên giới, và quay trở lại với các bao phân bón trở về Việt Nam. Một kênh xuất khẩu rải từ vùng tập kết (các cảng An Giang, Cần Thơ) => cảng Hải Phòng => vùng biên giới phía bắc qua Lào Cai, Cao Bằng => qua các cửa khẩu chính và lối mở sang Trung Quốc.

“Một kênh xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian, với chi phí lớn, rủi ro nhiều, và công lao động thì vô kể, nhưng vẫn tồn tại, chứng tỏ nó phải có một khoản lợi nhuận rất lớn”, TS. Diệu đặt vấn đề.

“Trong bao nhiêu năm ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO, hình thức này vẫn được duy trì. Liệu với TPP sắp tới, hình thức này còn tồn tại?”.

Doanh nghiệp cần phải xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu

TS. Trần Tiến Khai, chuyên gia nông nghiệp cho ràng quá trình hội nhập đang thúc ép các doanh nghiệp đi theo chuỗi giá trị toàn cầu. Song thực tế hiện nay, sản phẩn nông sản của Việt Nam được các nhà thu mua nông sản thu mua với nhiều phương thức mua bán khác nhau, đồng thời đặt ra những tiêu chuẩn về sản phẩm.

Theo TS. Trần Tiến Khai, việc hình thành chuỗi giá trị mà doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt là yếu tố sống còn với người nông dân Việt Nam.
Theo TS. Trần Tiến Khai, việc hình thành chuỗi giá trị mà doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt là yếu tố sống còn với người nông dân Việt Nam.

“Qua đó họ có thể khống chế các nước nghèo như Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng thế giới hay không, hoặc thậm chí họ có thể khống chế ngay tại thị trường Việt Nam, nếu nhà sản xuất và người tiêu dùng không đáp ứng yêu cầu thì không thể bán hàng” – ông Khai nói.

Do đó, việc hình thành chuỗi giá trị mà doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt là yếu tố sống còn với người nông dân Việt Nam. Bởi hiện chuỗi giá trị chưa có nhiều và tương đối đơn giản, đó là chuỗi giá trị chưa có liên kết chặt chẽ, và chuỗi này đang hình thành do một số công ty dẫn dắt… Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải tạo ra sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho người nông dân, DN định giá sản phẩm và ổn định giá….

Đồng thời, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp, tạo ra chuỗi giá trị, xây dựng liên kết ngang cho nông dân và doanh nghiệp, quản lý kiểm soát chặt chẽ chuỗi sản xuất và sản phẩm, giúp doanh nghiệp có nguồn thông tin tốt hơn.

Bảo Bảo - Cẩm An

Cùng chuyên mục
XEM