TP.HCM: Sẽ còn ách tắc giao thông nhiều năm nữa

13/11/2014 10:00 AM |

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thành phố này sẽ còn đối mặt với bài toán ách tắc giao thông kéo dài trong nhiều năm đến, do chưa tháo gỡ được bài toán bất cập về năng lực đáp ứng giữa hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải công cộng với nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, TP.HCM hiện có 3.981 km đường đô thị, tổng diện tích khoảng 62,7 triệu m2 mặt đường (không tính các kiệt hẻm nhỏ), đạt tỷ lệ 1,9 km/km2, chiếm 6,87% tổng diện tích của địa phương.

Tính đến hết tháng 10/2014, thành phố này có hơn 6,8 triệu phương tiện giao thông được đăng ký, trong đó có 578.138 ôtô và gần 6,3 triệu xe gắn máy. Con số này chưa gộp chung với thực tế mỗi ngày có hàng chục ngàn phương tiện giao thông từ các nơi đổ về TP.HCM để hoạt động.

Thống kê cũng cho thấy, nhu cầu đi lại đường bộ nội của người dân TP.HCM trong năm 2010 khoảng 24,3 triệu lượt/ngày, dự báo đến năm 2015 hơn 29,4 triệu lượt/ngày, và đến năm 2020 sẽ có khoảng 36 triệu lượt/ngày.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, dù địa phương đã cố gắng tổ chức lại mạng lưới giao thông, đầu tư xây dựng hạ tầng theo hưởng mở rộng các đường vành đai, tháo gỡ các điểm ách tắc nội thị, song với tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thực tế năng lực giải quyết và nhu cầu dân sinh như vậy, TP.HCM vẫn chưa thể tháo gỡ vấn nạn ùn tắc giao thông trong vài năm sắp tới.

Bức xúc công cộng

Đặc biệt, trong tầm nhìn chiến lược phát triển, muốn giải quyết căn cơ tình trạng phương tiện cá nhân quá nhiều, dẫn đến khó điều chỉnh hoạt động giao thông đô thị, thành phố này phải đầu tư tốt hơn mạng lưới vận tải hành khách công cộng, nhất là các loại phương tiện vận chuyển khối lượng lớn.

Nhiều hội thảo, hội nghị về giao thông TP.HCM luôn mở ra nhưng đều chưa tìm thấy hiệu quả.

Nhiều hội thảo, hội nghị về giao thông TP.HCM luôn mở ra nhưng đều chưa tìm thấy hiệu quả.

Nhưng ghi nhận từ ngành giao thông cho thấy, TP.HCM đang 2.738 chiếc xe buýt, hoạt động trên 137 tuyến, phục vụ 350 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng 6,5% nhu cầu người dân; 10,197 chiếc taxi đăng ký, phục vụ 225 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng được 3,5% nhu cầu. Tổng năng lực phục vụ này đạt gần 10% nhu cầu đi lại của người dân địa phương.

Theo chiến lược phát triển vận tải hành khách đô thị TP.HCM, địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và loại hình phương tiện công cộng quy mô trong những năm tới, với tổng vốn đầu tư đến năm đến 2015 hơn 71.200 tỷ đồng, đến năm 2020 cần hơn 326 ngàn tỷ đồng.

Việc đầu tư này được định rõ 2 hướng. Thứ nhất là xây dựng các tuyến đường vành đai, hướng tâm, cao tốc liên vùng, đường bộ trên cao… Thứ hai là triển khai chuyển đổi nhiều loại hình phương tiện giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, xe điện mặt đất, monorail… Cả hai được liên kết với nhau bằng chính sách hỗ trợ, cơ chế linh hoạt cho ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, thì mới có thể phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng được 15% và đến năm 2025 đáp ứng được 30% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM.

Lực bất tòng tâm ?

Rõ ràng với mục tiêu phấn đấu qua những chỉ số phát triển như vậy, TP.HCM sẽ phải tiến hành 1 công cuộc vận động lớn và bền bỉ, huy động nhiều nguồn, nhiều hướng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, kể cả vốn vay. Điều này hoàn toàn không đơn giản trong bối cảnh kinh tế đang có quá nhiều khó khăn.

Các dự án đầu tư vận tải công cộng tại TP.HCM vẫn chậm tiến độ đề ra.

Các dự án đầu tư vận tải công cộng tại TP.HCM vẫn chậm tiến độ đề ra.

Hơn nữa, ngay hiện tại, chính quyền TP.HCM cũng đang đối mặt những hạn chế trong quá trình triển khai các kế hoạch thay đổi chất lượng hạ tầng đô thị. Theo sở GTVT, những “câu chuyện” tưởng chừng đã quán triệt như đầu tư các tuyến xe buýt nhanh BRT, metro, tramway… đến nay vẫn không bảo đảm tiến độ đề ra, đã trực tiếp “kéo lùi” nhiều cơ hội của địa phương.

Ngay mạng lưới bến bãi cho xe buýt, taxi trên địa bàn cũng có quá nhiều hạn chế, thiếu đi tính liên kết chặt chẽ. Chính sách hỗ trợ phát triển hành khách công cộng của TP.HCM cũng có đề ra, nhưng thực hiện lại không thuận lợi, như nhu cầu mở lối đi riêng cho xe buýt, lập bãi giữ xe cho khách đi xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân…

Với 1 thực trạng như vậy, việc TP.HCM mong đợi kêu gọi thành công các nhà đầu tư bên ngoài quan tâm vào thực trạng hạ tầng giao thông đô thị này, nhất là theo hướng vận động nhà đầu tư hoàn thiện các dự án thay đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng, là cả 1 lộ trình nan giải. Điều này tạm cắt nghĩa tại sao những dự án đầu tư hạ tầng đô thị mới ở TP.HCM vẫn luôn loay hoay với câu chuyện “vốn đầu tư và đồng lợi nhuận”.

“Nếu tình trạng này kéo dài và khó tìm được các nhà đầu tư đủ tầm nhìn, đủ năng lực, thì bài toán bức xúc giao thông đô thị tại TP.HCM vẫn sẽ còn dai dẳng mãi”. Lãnh đạo sở GTVT TP.HCM bày tỏ như vậy.

>> Người Việt nên học gì từ người Anh khi giải quyết vấn nạn tắc đường?

Theo NGUYÊN ĐỨC

Cùng chuyên mục
XEM