Thụy Sỹ thả nổi đồng franc, ai là người thiệt hại nặng nhất?

20/01/2015 17:47 PM |

Tỷ giá đồng franc được thả nổi đã tác động tiêu cực đến không ít ngành công nghiệp và cá nhân tại nước này nói riêng và một số nước khác trên thế giới nói chung.

Ngày 15/1/2015, Thụy Sĩ bất ngờ quyết định không can thiệp ngăn tỷ giá của đồng tiền quốc gia Franc so với đồng Euro và USD.

Ngay lập tức, đồng Franc Thụy Sĩ đã tăng 30% giá trị so với đồng Euro và USD. Tại London, 1 euro nay chỉ đổi được 0,85 franc Thụy Sĩ, thay vì 1,20 franc trước khi có thông báo trên.

Tiếp đó thị trường chứng khoán Thụy Sĩ với đa số các niêm yết của các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này đã rơi tự do. Đến 12 giờ 30 giờ địa phương, thị trường chứng khoán Thụy Sĩ bị rớt 12,04%. Giảm mạnh nhất là cổ phiếu Swatch của các hãng đồng hồ cao cấp như Breguet, Longines, Tissot, hay cổ phiếu của Richemon ...

Các cổ phiếu của những công ty trên đều mất từ 15,65% đến 16,29% giá trị. Hay nói một cách khác do đồng franc tăng giá mà các sản phẩm xa xỉ của các hãng nói trên đều tăng từ 20 đến 30% ở nước ngoài.

Người dân Thụy Sĩ đang được hưởng lợi từ biện pháp thả nổi đồng tiền tăng tự do. Nhưng ngược lại, việc này lại tác động tiêu cực đến không ít ngành công nghiệp và cá nhân tại nước này nói riêng và một số nước khác trên thế giới nói chung.

1. Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ (và các nhà sưu tập)

Những nhà sản xuất đồng hồ như Rolex, TAG Heuer, Richemont và Swatch sẽ phải chịu mức chi phí sản xuất và thiết kế tăng vọt tại Thụy Sỹ, quê hương của những thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới này.

Tuy nhiên, ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ nhận định rằng họ sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn này bằng cách tăng giá thành của sản phẩm, chi phí sẽ được chuyển sang tay của người mua hàng.

Giám đốc điều hành The Swatch Group, Nick Hayek lại tỏ ra không mấy lạc quan. Ông cho biết, quyết định của ngân hàng trung ương khi bỏ neo tỷ giá đồng franc giống như một "cơn sóng thần" nhấn chìm hoạt động xuất khẩu và toàn dân tộc.

2. Nền kinh tế Thụy Sỹ

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại rằng việc thả nổi tỷ giá sẽ gây ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của Thụy Sỹ, đi kèm theo đó là tình trạng giảm phát.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ dự báo kinh tế Thụy Sỹ sẽ tăng 0,5% trong năm 2015, giảm khá nhiều so với dự báo trước đó là 1,8%. Những kỳ vọng cho năm 2016 cũng đã được hạ xuống còn 1,1% thay vì 1,7% như dự báo trước đây.

3. Công ty sản xuất Sô cô la (và tín đồ của Sô cô la)

Cổ phiếu của công ty sản xuất sô cô la lớn nhất Thụy Sỹ Lindt & Sprüngli đã giảm tới 8% trên sàn chứng khoán Thụy Sỹ.

Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại Forex.com đưa ra lời khuyên hài hước rằng, "hãy mau chóng dự trữ những viên sô cô la của Lindt".

"Việc đồng franc tăng giá kỷ lục có thể buộc các nhà bán lẻ chocolate Lindt phải tăng giá bán sản phẩm để bảo vệ lợi nhuận”, ông nói.

Để trấn an khách hàng, đại diện của Lindt chia sẻ với CNNMoney rằng, hãng có tới 8 cơ sở sản xuất sô cô la bên ngoài Thụy Sỹ, do đó chi phí sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm.

Các tín đồ yêu thích Sô cô la có lẽ sẽ cảm thấy yên tâm phần nào.

4. Roger Federer

Thu nhập của ngôi sao quần vợt Thụy Sỹ, đại diện thương hiệu cho một loạt các công ty Thụy Sỹ, bao gồm Lindt và Rolex, có thể bị sụt giảm đáng kể khi franc tăng giá.

Số tiền thưởng mà Roger Federer thắng được từ các giải đấu cũng sẽ bị giảm giá trị "kha khá" khi đổi sang tiền franc.

5. Khách du lịch

Nếu bạn đang có kế hoạch lớn đi trượt tuyết ở Thụy Sỹ trong năm nay, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Ngành công nghiệp du lịch trên khắp đất nước Thụy Sỹ dự kiến sẽ phải chịu nhiều tổn thất, do khách du lịch tiềm năng có thể lựa chọn các điểm đến du lịch khác. Trong khi khách du lịch trong nước cũng có thể đổ ra nước ngoài để du lịch với giá rẻ hơn, khi 1 franc đổi được nhiều ngoại tệ hơn.

6. Ba Lan

Ba Lan hiện đang vay mượn khoảng 30 tỷ euro (35 tỷ USD) giá trị tài sản thế chấp bằng tiền franc, theo tin từ tờ Financial Times.

Nếu franc tiếp tục giao dịch quanh mức hiện tại, chi phí trả nợ thế chấp có thể tăng lên khoảng 17%.

7. Giới buôn tiền

Những nhà môi giới ngoại tệ đang “méo mặt” sau khi khách hàng phải chịu thiệt hại nặng nề bởi diễn biến bất ngờ của thị trường.

Interactive Brokers Group cho biết, khách hàng của mình bị mất khoảng 120 triệu USD do sự tăng giá đột ngột của đồng franc. Cổ phiếu của công ty này đã "cắm đầu" đi xuống ngay sau khi UBS quyết định bỏ neo tỷ giá franc.

Trong khi đó, FXCM, một trong những tổ chức môi giới tiền tệ hàng đầu thế giới, cho biết quỹ có thể không có đủ vốn để tiếp tục kinh doanh sau những thiệt hại của khách hàng.

>> Giới ngân hàng thiệt hại hàng tỷ USD vì Thụy Sỹ

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM