Thượng nghị sỹ Mỹ đề nghị bỏ luật giám sát cá tra Việt Nam

11/12/2015 10:55 AM |

Mới đây, hai Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain và Kelly Ayotte đã trình Quốc hội Mỹ một nghị quyết mới đề nghị bãi bỏ Quy định cuối cùng đối với Chương trình Giám sát Cá tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết, nghị quyết trên, được hai Thượng nghị sỹ McCain và Ayotte đồng bảo trợ, phù hợp với Luật Giám sát của Quốc hội, theo đó các nhà lập pháp nước này có thể phủ quyết mọi quyết định hành pháp của một cơ quan liên bang, giống như USDA, sau khi một quy định được chính thức công bố và đệ trình lên Quốc hội Mỹ.

Nếu nghị quyết trên được phê chuẩn thành luật, văn kiện này sẽ cho phép xóa bỏ các quy định mới trong Chương trình Giám sát cá tra của USDA.

Trong một tuyên bố chung, các Thượng nghị sỹ McCain và Ayotte nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào khi tiếp tục đấu tranh để xóa bỏ các quy định giám sát cá tra của USDA vì hành động đó quá lãng phí tiền thuế của người dân và là một ví dụ kinh điển của chủ nghĩa bảo hộ thị trường trong nước.”

Hai Thượng nghị s​ỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama áp dụng chương trình trên diễn ra bất chấp thực tế là Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã áp dụng các quy định về giám sát mặt hàng hải sản và Văn phòng Giải trình Trách nhiệm của Chính phủ (GAO) nhiều lần cảnh báo rằng Chương trình Giám sát Cá tra của USDA sẽ lãng phí, trùng lặp và sẽ châm ngòi cho hành động đáp trả từ phía các đối tác thương mại châu Á - Thái Bình Dương nhằm vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 26/11 thông báo các quy định mới dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 và sẽ được triển khai từng bước trong hơn 18 tháng tiếp theo, qua đó cho phép các nhà cung cấp cá tra nước ngoài có thời gian thực hiện những điều chỉnh cần thiết để có thể đáp ứng những yêu cầu của USDA.

Được biết hiện Chính phủ Việt Nam và Mỹ đều đã rất nỗ lực để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm xúc tiến mạnh hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trong quá trình đàm phán, hai nước đã có thư trao đổi trong đó phía Mỹ cam kết “sẽ thực hiện Quy định cuối cùng về cá tra không trái với nghĩa vụ trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Mỹ”, nhưng thực chất, việc ra quyết định này của Bộ Nông nghiệp Mỹ là hoàn toàn trái với các nguyên tắc của WTO và vì vậy đi ngược lại tinh thần của Thư trao đổi giữa hai nước trong các văn kiện của TPP.

Đặc biệt, theo thông lệ, để xem xét cấp “Tiêu chuẩn tương đồng” cho các nước được phép xuất khẩu mặt hàng thịt, thịt lợn và thịt gia cầm vào Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ trung bình phải mất ít nhất 8 năm xem xét.

Vì vậy, việc chỉ cho Thời gian chuyển đổi 18 tháng là quá ngắn, nhất là xét trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp Mỹ chưa hề có kinh nghiệm gì trong việc xét cấp “Tiêu chuẩn tương đồng” cho mặt hàng cá.

Có cùng quan điểm với phía Việt Nam, hai Thượng nghĩ sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte cho rằng, mục đích thực sự của chương trình giám sát cá tra là dựng lên rào cản thương mại đối với các nhà cung cấp cá tra nước ngoài nhằm phục vụ lợi ích của một số người nuôi cá tra tại các bang phía Nam nước Mỹ.

Theo luật Mỹ, Quốc hội có quyền phủ quyết quy định của cơ quan chính phủ liên bang sau khi quy định này được chính thức công bố và đệ trình lên cơ quan lập pháp tối cao.

Nếu trở thành luật, nghị quyết của Thượng nghị sĩ John McCain và Kelly Ayotte sẽ vô hiệu hóa chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, kể cả những quy định đã được đưa vào thực hiện.

Cùng chuyên mục
XEM