Thương hiệu công nghệ: "Gót chân Asin" của kinh tế Nhật Bản?

05/03/2016 17:00 PM |

Những thương hiệu công nghệ lớn của Nhật Bản lần lượt đối mặt với những khó khăn ngay trên "thánh địa" của thế giới công nghệ.

Toshiba mới công bố mẫu "robot bọ cạp" trang bị nhiều máy quay để làm việc trực tiếp tại nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Ấy là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của cái tên Toshiba tại Nhật Bản, nơi mà thương hiệu này vẫn là một trụ cột về kỹ thuật. Nhưng thực tế, Toshiba đang rơi vào hoàn cảnh tài chính thê thảm sau một vụ bê bối kế toán từ đầu năm ngoái.

Một cuộc điều tra kết luận hãng này đã gian lận tài chính từ năm 2005-2009, biến lỗ thành lãi, đẩy số tiền khai khống tài chính lên tới 1,2 tỷ USD. Theo Hãng Reuters, Tập đoàn Toshiba đang phải đối mặt với mức phạt từ 300 tỷ yên đến 400 tỷ yên Nhật, tương đương 2,4 tỷ đến 3,2 tỷ USD.

Vụ việc sẽ chẳng thể bị tiết lộ nếu không có cuộc điều tra kiên quyết và nhanh chóng của các nhà điều tra độc lập ở Nhật Bản. Các nhà đầu tư đang chờ đợi xem Toshiba có tiếp tục nhận được "ân sủng" từ chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hay không. Trước đó, Toshiba được phép bỏ qua thời hạn báo cáo tài chính và vẫn được niêm yết năm ngoái dù tài khoản đã bị điều tra.

Do gặp phải cạnh tranh gay gắt với những đối thủ tới từ Hàn Quốc và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh doanh như tivi và điện thoại thông minh, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản như Toshiba đối mặt với khó khăn chồng chất. Theo nhiều phân tích, để đáp ứng mong đợi của các nhà đầu tư, các công ty Nhật Bản cần phải tận dụng cơ hội và thực hiện cải cách quản trị doanh nghiệp nhanh chóng, thay vì nhận sự "nuông chiều thái quá” như lâu nay.

Cũng nhằm cứu các thương hiệu lớn của Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Abe cởi mở hơn đối với đầu tư nước ngoài, trong đó có đề nghị mua lại Sharp từ tập đoàn Đài Loan Foxconn. Sau nhiều tin đồn, Sharp cuối cùng đã chấp nhận bán cho Foxconn với mức giá 6,25 tỷ USD.

Ngay cả khi yêu cầu của Foxconn là sau khi mua lại, ban lãnh đạo của Sharp bao gồm cả Chủ tịch Kozo Takahashi sẽ phải từ chức. Thương vụ này khiến nhiều người lo ngại các phát minh của Sharp về màn hình tinh thể lỏng (LCD) có thể có lợi cho đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, Sharp mới nhận được gói cứu trợ trị giá 1,7 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản.

Đây được cho là ví dụ điển hình của những công ty được sự hậu thuẫn quá lớn từ Chính phủ Nhật Bản. Thương vụ giữa Sharp và Foxconn là cuộc mua bán với nước ngoài lớn nhất trong lịch sử công nghệ của Nhật. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới lĩnh vực công nghệ của Nhật, quốc gia nổi tiếng luôn bảo vệ tài sản của mình. Sau vụ bê bối, Toshiba đang rất cần củng cố bảng cân đối tài chính trước các khoản vay ngân hàng sắp đến hạn. Hãng phải bán một số doanh nghiệp, từ những mảng làm ăn thua lỗ lâu nay, như sản xuất tivi, đồ trang sức hay bộ phận thiết bị y tế.

Các công ty điện tử khổng lồ của Nhật Bản đang có những cải tổ có tính sống còn khi họ chỉ còn là cái bóng lu mờ của quá khứ huy hoàng trước đây. Một số công ty Nhật đã phải chuyển sang liên doanh với các công ty nước ngoài, như liên doanh giữa Hon Hai Đài Loan và Shap; hoặc Công ty NEC của Nhật Bản và Tập đoàn Lenovo của Trung Quốc thành lập một liên doanh chuyên sản xuất máy tính cá nhân (PC)...

Nhưng những công ty lâm vào tình cảnh khó khăn như Toshiba cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mạng lưới Hợp tác sáng tạo Nhật Bản (INCJ) để liên kết với Sharp và Hitachi. Mục tiêu của INCJ là để củng cố các ngành công nghiệp có quá nhiều đối thủ cạnh tranh và lợi nhuận ít. Ba năm trước, INJC đã kết hợp mảng sản xuất màn hình LCD nhỏ và cỡ trung của Sony, Toshiba và Hitachi. Liên minh này hiện đang phát triển mạnh như một nhà cung cấp lớn linh kiện cho Apple.

Điều này cho thấy INCJ có thể thành công trong việc cải tổ ngành công nghiệp khác. Cũng theo xu hướng này, VAIO (nay đã trở thành công ty riêng tách ra khỏi Sony) đang lên kế hoạch sáp nhập với bộ phận máy tính của hai hãng đối thủ Toshiba và Fujitsu. Thị phần của VAIO, Toshiba và Fujitsu vẫn chứng kiến đà suy giảm trên thị trường PC trong khi các tên tuổi có thương hiệu đứng vững từ lâu như Lenovo, HP hay Dell vẫn luôn duy trì được sự ổn định, thậm chí có lúc vụt lên.

Có lẽ sáp nhập trong lúc này sẽ là giải pháp tối ưu của nhiều nhà sản xuất PC có thương hiệu nhưng đang không gặp thời như VAIO, Toshiba hay Fujitsu. Dự kiến công ty sáp nhập hình thành bởi liên kết giữa VAIO, Toshiba và Fujitsu sẽ chiếm tới khoảng 1/3 thị phần trên thị trường PC tại Nhật Bản.

Liệu với những giải pháp mới, các thương hiệu công nghệ Nhật Bản có thắp sáng lại được hào quang của quá khứ?

Theo Lam Hồng

Cùng chuyên mục
XEM