Thời phụ nữ Nhật chỉ được phép gật đầu chuẩn bị chấm dứt?

26/11/2015 10:27 AM |

Cách đây chỉ vài thập niên thôi, xã hội Nhật cho rằng dù cho người phụ nữ bị đối xử như thế nào, cô ấy cũng không được phép phản kháng mà vẫn phải nhẹ nhàng, chu đáo.

Yuri Konno tốt nghiệp đại học năm 1959. Cô nghĩ rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ học hành quan trọng của đời mình. Và cuối cùng chỉ khi đi xin việc cô mới nhận ra rằng chương trình học đã không giúp cô kiếm được việc làm, rất nhiều công ty đã từ chối tuyển dụng cô vào những vị trí làm việc có chuyên môn.

Công việc tốt nhất mà cô có thể tìm được là làm phục vụ. Cô kể lại: “Ở thời điểm đó, các công ty Nhật chỉ muốn tuyển phụ nữ để làm phục vụ. Có quá nhiều người nói với tôi rằng dù bị khách hàng đối xử thế nào, phụ nữ cũng chỉ được phép cười dịu dàng và im lặng.”

Khi mới tốt nghiệp, cô mơ ước sẽ kiếm được một công việc để làm trọn đời, và rồi cô sẽ được thăng chức với mức lương cao hơn. Thế nhưng sau quá nhiều lần phỏng vấn thất bại, cô cảm thấy mình hết động lực để xin việc.

Nay khi đã là một nữ doanh nhân 79 tuổi, bà Konno vẫn chưa quên bất kỳ kỷ niệm buồn nào từ thời đó: “Trong tất cả các cuộc phỏng vấn mà tôi từng tham gia, người ta thường hỏi tôi rằng tôi sẽ làm gì nếu tôi kết hôn. Tôi khẳng định với họ rằng kể cả sau khi đã lập gia đình tôi cũng sẽ không bỏ việc. Và có lẽ họ không thích tôi vì điều đó. Họ quá quen với những người phụ nữ cưới chồng xong là nghỉ.”

Không phải là người dễ đầu hàng số phận. Bà tự mình mở doanh nghiệp. Công ty Dial Service chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại vào năm 1969. Tự làm chủ được cuộc sống của mình, bà cảm thấy rất hạnh phúc.

Những bà cũng cho biết rằng trong xã hội Nhật, không nhiều người phụ nữ làm được như bà. Phần lớn phải sống cuộc đời phụ thuộc và ngay cả xã hội cũng không tạo điều kiện để phụ nữ được độc lập

Xã hội Nhật và những định kiến chống lại phụ nữ

Sau khi đất nước bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, xã hội Nhật phân chia rõ ràng về những nơi dành cho phụ nữ và cho đàn ông. Đàn ông có trách nhiệm làm việc ngày đêm còn phụ nữ đảm trách mọi nhiệm vụ trong gia đình. Và bởi xã hội đã quan niệm như thế nên những ai muốn đi ngược lại con đường đó sẽ phải hứng chịu vô cùng nhiều chỉ trích.

Thời gian qua đi, xã hội cũng dần chấp nhận việc người phụ nữ đi làm. Nhưng trong nhóm phụ nữ đi làm cũng chia ra nhiều nhóm, đó là những phụ nữ trẻ tuổi độc thân, phụ nữ trung niên và những người lớn tuổi làm việc bán thời gian đã vượt qua thời kỳ nuôi con cái bận rộn. Và nhìn chung các công ty không đưa ra cơ hội việc làm tốt nào cho phụ nữ.

Có một số phụ nữ may mắn tìm được việc tốt, thế nhưng phần lớn trong số họ thôi việc ngay sau khi lấy chồng, khi đó phần lớn họ mới chỉ ở độ tuổi ngoài 20. Bởi nếu cô ta tiếp tục đi làm, từ đồng nghiệp cho đến bạn bè sẽ xì xèo rằng bởi cô ta lấy phải một thằng chồng bất tài nên cô mới phải đi làm “kiếm cơm”.

Thập niên 1960, phong trào giải phóng phụ nữ lên mạnh trên phạm vi toàn thế giới. Thập niên sau đó, Liên hợp quốc (UN) đã liên tục đi đầu trong việc khuyến khích chính phủ các nước để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động cũng như hoạt động xã hội.

Chịu nhiều ảnh hưởng từ quốc tế và đặc biệt là của người Mỹ, người Nhật cũng bắt đầu có tư tưởng cởi mở hơn với vai trò của phụ nữ trong xã hội. Luật công bằng việc làm cho phụ nữ chính thức được thông qua năm 1986.

Tập đoàn ô tô Nissan là một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng luật mới. Michiko Tanaka là một trong những người phụ nữ đầu tiên xin nghỉ đẻ ở Nissan. Tanaka sinh một bé trai vào năm 1990 và sau đó cô nghỉ đẻ rồi trở lại làm việc chỉ sau 4 tháng. Đồng nghiệp của cô vô cùng ngạc nhiên bởi chưa từng có ai đi làm sớm như vậy sau khi sinh con.

Bởi vì cô giỏi ngoại ngữ, cô đã được làm việc trong bộ phận nghiên cứu, ở đây cô chịu trách nhiệm thu thập, dịch và viết báo cáo về những nghiên cứu cũng như các dự án phát triển ở nước ngoài. Cô từng trải qua nhiều thời khắc khó khăn khi con trai ốm và mẹ cô ốm nặng trong nhiều năm vì tuổi già, đã có lúc cô muốn nghỉ việc.

Phải cần đến một sự quyết tâm rất lớn mới có thể trụ lại được với công việc bởi rất nhiều người phụ nữ vào tập đoàn cũng thời điểm với cô chỉ sau 2,3 năm đã bỏ việc.

Từ thập niên 1990 đến nay, khung pháp lý tại Nhật đã được điều chỉnh rất nhiều để giúp phụ nữ cân bằng được công việc và cuộc sống cá nhân. Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ, tập đoàn Nissan đã được nhận giải thưởng Nadeshiko của chính phủ Nhật cho những thành tích về việc hỗ trợ người lao động nữ.

Trong xã hội, thái độ của đàn ông với phụ nữ cũng thay đổi, ví như tại công ty phần mềm Cybozu, chủ tịch đã đưa ra chế độ giờ giấc làm việc linh hoạt để giúp cả người lao động nam và nữ có điều kiện vừa làm vừa chăm sóc được gia đình.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM