Thoát khỏi sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng - bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản

13/05/2015 08:54 AM |

20 năm trước đây, Nhật Bản có khoảng 180 ngân hàng và các định chế tài chính lớn nhỏ. Việc huy động vốn trong nền kinh tế chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng.

Nội dung nổi bật:

- 20 năm trước đây, Nhật Bản có khoảng 180 ngân hàng và các định chế tài chính lớn nhỏ. Việc huy động vốn trong nền kinh tế chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng.

- Chính phủ Nhật Bản đã đề ra giải pháp thứ nhất là huy động vốn từ nguồn tiền tiết kiệm này. Theo đó, sản phẩm tài khoản đầu tư NISA (Nippon individual savings account) miễn thuế thu nhập với các khoản đầu tư nhỏ đã được ra đời.

- Giải pháp thứ hai mà Nhật Bản thực hiện là tăng cường quản trị doanh nghiệp như một chiến lược cải cách kinh tế


Tại buổi Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển của thị trường chứng khoán đầu năm 2015, nhiều chuyên gia - một lần nữa – đánh giá rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đảm đương tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Theo đó,  do chưa có sự phân vai tương đối cụ thể về tỷ lệ vốn mà thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ chịu trách nhiệm tài trợ cho doanh nghiệp trong từng giai đoạn nên phần lớn doanh nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng và chưa có biện pháp để giảm thiểu rủi ro từ kênh huy động vốn này.

Trong 2 ngày 12 và 13/05/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với OECD với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản  đã tổ chức “Hội nghị sáng kiến Quản trị doanh nghiệp Đông Nam Á”.

Với bài tham luận của mình, ông Kiyoshi Hosomizo – chủ nhiệm Ủy ban các dịch vụ tài chính Nhật Bản đã chia sẻ bài học của Nhật Bản khi đối mặt với khủng hoảng tài chính và những sáng kiến để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn lớn trong hệ thống tài chính các nước đang phát triển.

Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng tài chính và rủi ro từ sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng

20 năm trước đây, Nhật Bản có khoảng 180 ngân hàng và các định chế tài chính lớn nhỏ. Việc huy động vốn trong nền kinh tế chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng. Với việc tích tụ vốn qua hệ thống ngân hàng, nền kinh tế rơi vào cảnh trì trệ và rủi ro trong hệ thống ngân hàng tăng cao.

Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, Chính phủ Nhật Bản phải tái cấp vốn cho các ngân hàng đồng thời tách các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của ngân hàng nhưng đã không phản ứng đủ nhanh và phải mất tới 15 năm để giải quyết nợ xấu.

Bài học đó đã khiến Chính phủ nước này quyết định phải phát triển thị trường vốn để giảm tích tụ vốn qua kênh ngân hàng.

Họ đã làm như thế nào?

Ông Kiyoshi Hosomizo cho biết, tại Nhật Bản, hầu hết tài sản của các hộ gia đình là tiền gửi tiết kiệm. Ít người sử dụng vốn để đầu tư.

Chính phủ Nhật Bản đã đề ra giải pháp thứ nhất là huy động vốn từ nguồn tiền tiết kiệm này. Theo đó, sản phẩm tài khoản đầu tư NISA (Nippon individual savings account) miễn thuế thu nhập với các khoản đầu tư nhỏ đã được ra đời. Sản phẩm này đem lại nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư, thay vì chỉ có một ít kênh truyền thống như gửi tiết kiệm.

Thành quả đạt được là đến cuối năm 2014, đã có hơn 8 triệu tài khoản NISA giá trị 3.000 tỷ Yên.

Đồng thời, Nhật Bản đã giải thể các Zaibatsu (một kiểu tập đoàn công nghiệp như Chaebol của Hàn Quốc) và giải quyết sở hữu chéo giữa các Zaibatsu và các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã cho phép giao dịch vốn xuyên biên giới từ những năm 70s.

Giải pháp thứ hai mà Nhật Bản thực hiện là tăng cường quản trị doanh nghiệp như một chiến lược cải cách kinh tế. Theo đó, các cơ quan quản lý đã đưa ra 2 bộ quy tắc bao gồm quy tắc giám sát và quy tắc quản trị doanh nghiệp.

Quy tắc giám sát được chú trọng do các nhà đầu tư tổ chức thường rất bị động và ít quan tâm đến tình hình quản trị của các doanh nghiệp mình đầu tư. Với quy tắc này,bộ 7 nguyên tắc các nhà đầu tư tổ chức cần tuân thủ trong việc giám sát các công ty mình đầu tư đã ra đời. Danh sách các nhà đầu tư tổ chức tuyên bố tuân thủ theo bộ quy tắc này sẽ được công bố định kỳ.

Đối với quy tắc quản trị doanh nghiệp, Nhật Bản áp dụng bộ 6 quy tắc về Quản trị doanh nghiệp của OECD nhằm cải thiện giá trị doanh nghiệp, định hướng phát triển cho doanh nghiệp.

Việc áp dụng các quy tắc được thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ và giải thích (tức phải tuân thủ, nếu không tuân thủ được thì phải giải thích tại sao).

Giải pháp thứ ba chính là phối hợp với các cơ quan giám sát tài chính Châu Á để thành lập trung tâm đối tác tài chính Châu Á (AFPAC) với mục đích xác định các thách thức với các thị trường tài chính ở châu Á. Trung tâm này sẽ mời các chuyên gia từ các cơ quan quản lý tài chính các nước Châu Á đến đào tạo, nghiên cứu, tổ chức hội thảo hội nghị. Thông qua sáng kiến này, Ủy ban các dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) kỳ vọng tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia châu Á nhằm đóng góp cho sự phát triển hạ tầng tài chính châu Á.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, kinh tế trong nước năm 2015 được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn năm 2014 và đòi hỏi nhu cầu vốn lớn hơn. Thực sự, nguồn vốn là đôi cánh của doanh nghiệp. Để thị trường chứng khoán đảm đương tốt hơn vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, một loạt giải pháp lớn đã và đang được Bộ Tài chính triển khai và Nhật Bản với những giải pháp để doanh nghiệp thoát khỏi sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng thực sự là một bài học bổ ích.

>> Mua toàn bộ cổ phần ngân hàng giá 0 đồng liệu có “đuổi” nhà đầu tư?

Theo Hà Phương

Cùng chuyên mục
XEM