Thịt trâu lậu 'gắn mác' thịt bò nhập ngoại lừa dân Thủ đô

16/07/2015 10:08 AM |

Thịt trâu đóng mác thịt bò nhập khẩu đã phân phối đến 82 doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn Thủ đô.

Sáng 14/7, Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hơn 200 kg thịt trâu giả thịt bò tại công ty TNHH Tâm Ngọc Minh có địa chỉ tại Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội do bà Đào Bích Hồng (37 tuổi) điều hành, quản lý.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong kho của công ty này vẫn còn hơn 60 kg thịt trâu đông lạnh chưa được tiêu thụ. Toàn bộ số thịt trâu đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Khai nhận với cơ quan chức năng, quản lý của doanh nghiệp cho biết, đây là thịt trâu nhưng được đóng mác là thịt bò nhập khẩu phân phối cho 82 doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn Thủ đô để tiêu thụ.

Số thịt trâu này được công ty mua vào với giá 80.000-90.000 đồng/kg và bán ra thị trường với giá 135.000-145.000 đồng/kg tùy loại. Hiện toàn bộ số thịt trên đã bị cơ quan chức năng niêm phong, thu giữ và tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo một cán bộ quản lí thị trường, thịt bò nhập khẩu giả đến tay các “thượng đế” có giá trên 200.000 đồng/kg.

Ngoài ra, công ty này còn nhập khẩu thịt trâu Ấn Độ từ Công ty TNHH phân phối thực phẩm sạch Hà Nội, địa chỉ ở huyện Đông Anh (Hà Nội).

Tuy nhiên, để kiếm lời bà Hồng đã hô “biến” thịt trâu Ấn Độ đông lạnh thành thịt bò nhập khẩu. Một cán bộ điều tra cho biết, công ty có ghi sổ sách mua, bán nhưng hết tháng là tiêu hủy để xóa dấu vết. Tính đến thời điểm tổ công tác kiểm tra, sổ sách tháng 7 của Công ty đã giao thịt bò nhập khẩu giả cho 15 đơn hàng…

Chiều 15/7, mở rộng điều tra tổ công tác tiếp tục kiểm tra các công ty nhập khẩu, phân phối mặt hàng thịt trâu Ấn Độ trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại kho lạnh ETC thuộc Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Công ty TNHH An Việt Hà Nội (huyện Mê Linh), tổ công tác phát hiện 250 tấn thịt trâu Ấn Độ, điều đáng nói là hóa đơn phân phối ra thị trường chỉ ghi chung chung là thăn, vai, mông… không rõ là loại thịt nào.

Ngay sau đó, tổ công tác đã tiến hành lấy mẫu, phân tích chất lượng ATVSTP đối với mặt hàng này. Hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ, xử lý đối với Công ty Tâm Ngọc Minh theo quy định của pháp luật.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y thông tin, khi các doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam thì hồ sơ, giấy tờ vẫn là thịt trâu. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường và đưa vào các nhà hàng, bếp ăn tập thể thì đã biến thành thịt bò.

Thậm chí, Phó cục trưởng Cục Thú y tiết lộ: “Tại phần lớn các nhà hàng ăn uống hiện nay, món bò sốt tiêu đen (90%) làm từ thịt trâu”. Đối với người tiêu dùng, việc phân biệt giữa thịt trâu với thịt bò không dễ, nhất là khi đã qua chế biến với các loại gia vị.

Theo N.T

Cùng chuyên mục
XEM