Thị trường ô tô Việt Nam: Hai xu thế phát triển?

22/10/2013 14:41 PM |

Xu thế nhập khẩu xe nguyên chiếc, đặc biệt là xe hạng sang đang tăng nhanh cùng với đó là sự lưỡng lự, lo lắng trong chiến lược đầu tư sản xuất của nhiều DN.

Nội dung nổi bật:

- Triển lãm ô tô Việt Nam có 15 thương hiệu tham dự thì có tới 7 thương hiệu là nhập khẩu phân phối nguyên chiếc. Mặc dù thị trường ô tô sụt giảm, mất ổn định của chính sách nhưng các thương hiệu ô tô nổi tiếng trên thế giới đều đã và đang tìm cách “đặt chân” vào thị trường Việt Nam.

-  Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất nội địa như Trường Hải, Vinaxuki tuy được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng hiện đang gặp không ít khó khăn từ đối tác liên doanh, vốn cho đến kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm...



Triển lãm ô tô Việt Nam là một sự kiện quan trọng của các DN sản xuất kinh doanh ô tô. Nhìn qua sự kiện này có thể thấy xu thế phát triển cũng như bức tranh hiện thực thị trường ô tô Việt Nam hiện tại và tương lai gần.

Nhập khẩu xe cao cấp

Triển lãm ô tô Việt Nam 2013 có 15 thương hiệu tham dự, trong đó có tới 7 thương hiệu là nhập khẩu phân phối nguyên chiếc. Có thể nói chưa bao giờ thị trường ô tô Việt Nam lại được các nhà sản xuất ô tô trên thế giới chú ý đến vậy khi lần lượt các thương hiệu lớn đều tìm nhà NK và phân phối sản phẩm chính thức tại Việt Nam. Từ BMW, Audi, Nissan đến Land Rover, Renault, Rolls Royce, Porscher và sắp tới đây là Mini, Lexus, Infiniti...

Dường như đây là một nghịch lý khi mà những lời “phàn nàn” về những khó khăn như sự sụt giảm của thị trường, mất ổn định của chính sách, “miếng bánh” đang bị chia quá nhỏ cho nhiều thương hiệu, nhiều mẫu xe... của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đã và đang ngày một nhiều.


Thực tế, phàn nàn là một chuyện, còn tính toán bài toán tương lai lại là chuyện khác. Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường rất tiềm năng.

Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn Motorizaition (hiểu nghĩa rộng là quá trình ô tô trở nên phố biến hơn) khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân. Năm 2010, Việt Nam đạt 18,7 xe/1.000 dân; năm 2012 đạt 22,5 xe/1.000 dân.

Việt Nam đang ở giai đoạn trước của Motorizaition và Bộ Công Thương dự báo giai đoạn này chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu khoảng từ năm 2020-2025.

Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng chỉ khuyến khích sản xuất dòng xe bình dân dung tích 2.0L, thị phần các dòng xe cao cấp, dung tích lớn đang là miếng bánh ngon cho các nhà NK.

Vậy nên dù phàn nàn, nhưng hầu hết các thương hiệu ô tô nổi tiếng trên thế giới đều đã và đang tìm cách “đặt chân” vào thị trường Việt Nam.

Ngập ngừng đầu tư

Triển lãm ô tô Việt Nam 2013 không có mặt 2 DN đầu tư sản xuất ô tô lớn nhất tại Việt Nam - Công ty Trường Hải và Xuân Kiên. Một mặt, hai DN trong nước này không mặn mà lắm với việc “đua chen” trong một sân chơi ngập tràn những thương hiệu “đình đám” trên thế giới, mặt khác đây cũng là giai đoạn cả hai DN đều đang gặp khá nhiều khó khăn do đã “trót” đầu tư lớn vào sản xuất ô tô.

Miệt mài với chiến lược “tự” đầu tư tất cả, từ dây chuyền sơn, khuôn dập thân vỏ xe, động cơ... Vinaxuki đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng, một số tiền không nhỏ đối với một DN tư nhân, để làm ô tô.

Đến nay tuy đã đạt được tỉ lệ nội địa hóa (NĐH) trên 50% nhưng Vinaxuki mới đưa được ra thị trường các mẫu xe tải, bán tải, còn 3 mẫu xe du lịch vẫn đang “chờ hoàn chỉnh” từ tháng này sang năm khác bởi tiền “túi” đã cạn.

Số tiền cần để “làm” tiếp dự tính lên tới 2.000 tỷ đồng, trong khi khoản vốn vay 250 tỷ đồng của Công ty theo Chương trình cơ khí trọng điểm Quốc gia vẫn chưa được phê duyệt và đề nghị hoãn khoản 750 tỷ đồng tiền thuế không được chấp nhận.

Hiện Vinaxuki đang “tắc” trong đống khuôn dập (công ty đã tự sản xuất được gần 1.000 bộ khuôn mẫu) bởi không còn tiền đầu tư, sản phẩm tiêu thụ khó khăn.

Trường Hải tuy bước bằng hai chân (NK nguyên chiếc và đầu tư sản xuất), trong đó nghiêng về thương mại nhiều hơn thì cũng đang có những cái khó “không nhỏ”. Đầu tư các dây chuyền lắp ráp sản phẩm, đầu năm 2013 Công ty này đang tồn lượng hàng có trị giá ước khoảng 3.385 tỷ đồng, “mệt” hơn, DN này đang nợ các tổ chức tín dụng tới 5.684 tỷ đồng.

Vậy nên ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải than: “oải” lắm rồi! Dự án sản xuất động cơ của công ty, tuy được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng hiện đang gặp không ít khó khăn từ đối tác liên doanh, vốn cho đến kỹ thuật...

Và quan trọng hơn, theo ông Dương, có sản phẩm ra rồi thì “tiêu thụ ra sao” với dung lượng thị trường quá nhỏ thế này, trong khi quá trình đầu tư đầy rẫy những khó khăn, bất trắc.

Rõ ràng việc tiếp tục đầu tư sản xuất ô tô, đặc biệt là dự án động cơ vẫn là bài toán không dễ giải với DN này. Vậy nên hiện Trường Hải đang đẩy mạnh việc phân phối các sản phẩm NK mang thương hiệu Mazda, Peugeot trong lúc chờ các chính sách “khuyến khích thiết thực” hơn cho sản xuất ô tô.

Về phía các liên doanh, trên thực tế không hẳn là các DN này không quan tâm đến đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam. Một quan chức của Bộ Công Thương cho biết, ngoài 2 DN trong nước, có 4-5 liên doanh đã rất nhiệt tình quan tâm, đóng góp ý kiến với cơ quan chức năng về dự thảo Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô giai đoạn tới.

Đó là những DN hoặc đã đầu tư và đạt được mức tỉ lệ NĐH không nhỏ (như Toyota, Honda) hoặc đang tiếp tục bỏ vốn (dù không lớn) vào dây chuyền sản xuất ô tô (như Ford, GM, Mercedes-Benz...)

Các liên doanh này hiện đang đi hai chân (nhập khẩu và sản xuất), vì vậy nếu chính sách của Chính phủ ủng hộ sản xuất trong nước thì họ tiếp tục đầu tư, nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị phần bởi những lợi thế về mức tỉ lệ NĐH đã đạt được, cũng như nhà xưởng máy móc đã đầu tư; nếu Chính phủ “nản” không làm ô tô nữa thì họ chuyển sang xuất khẩu.

Thực tế, hiểu rõ được quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển ngành Công nghiệp ô tô các DN đã đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô đều kỳ vọng vào thị trường được đánh giá là rất tiềm năng này. Tuy nhiên như phát biểu của ông Jesus Metelo N. Arias JR, Chủ tịch VAMA thì sẽ chỉ còn một nhóm nhỏ các DN đầu tư sản xuất ô tô tiếp tục phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn tới, khi thuế NK xe nguyên chiếc giảm nhanh.

Và nhóm này cũng đã lộ rõ bởi tuy Việt Nam có tới trên 20 DN sản xuất lắp ráp ô tô nhưng chỉ có khoảng 6-7 DN đầu tư tương đối bài bản và đang có sản phẩm bán tốt trên thị trường, còn lại thì “gọi là có”, thậm chí đã không còn hoạt động.

Theo lộ trình ra nhập AFTA, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam năm 2014 sẽ giảm xuống còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%.

Để phát triển Công nghiệp ôtô Việt Nam Bộ Công Thương đề nghị một lộ trình giảm thuế khác đó là giữ nhịp cao đến năm 2017. Cụ thể năm 2014 giảm còn 50%, năm 2015 giữ 50%, năm 2016 giảm còn 40%, năm 2017 giảm còn 30% và năm 2018 giảm về 0%.

- Hiện khu vực ASEAN đang được xem là một trong những trung tâm sản xuất ô tô chính trên thế giới. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã đặt cơ sở sản xuất tại khu vực này. Trong khối ASEAN chỉ có 5 quốc gia lắp ráp, chế tạo ô tô là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.


Theo Nguyễn Hà

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM