Thị trường đầu thu số hóa: Cầu yếu, DN cầm chừng

17/06/2015 10:08 AM |

Đại diện VTV cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần có những giải pháp can thiệp để thúc đẩy sức cầu, chẳng hạn như ngắt dần những kênh chương trình mà người dùng thích xem.

Nội dung nổi bật:

- Người dân rất hờ hững. Sức cầu rất yếu nên doanh nghiệp cũng không tích cực phân phối sản phẩm đầu thu ra thị trường, dù trên thực tế, nhiều nhà nhập khẩu đủ năng lực để cung ứng lượng đầu thu lớn với giá thành ngày càng rẻ

- Bên cạnh việc "chờ đợi" người dùng quan tâm hơn đến đầu thu DVB-T2, đại diện VTV cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần có những giải pháp can thiệp để thúc đẩy sức cầu, chẳng hạn như ngắt dần những kênh chương trình mà người dùng thích xem.

- Đề xuất này không nhận được sự đồng tình từ Bộ TT&TT


Cục trưởng Cục Tần số Đoàn Quang Hoan nhận định, sức mua trên thị trường đối với mặt hàng đầu thu DVB-T2 còn rất hạn chế, dù thời điểm tắt sóng analog tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam chỉ còn chưa đầy nửa tháng.

Theo kế hoạch, địa bàn này sẽ bắt đầu tắt sóng analog đối với một số kênh chương trình không thiết yếu kể từ ngày 1/7 tới đây. Muốn xem những kênh này, người dân bắt buộc phải có TV tích hợp chuẩn DVB-T2, hoặc sắm thêm đầu thu DVB-T2 (đối với TV cũ, không tích hợp chuẩn).

"Người dân rất hờ hững. Sức cầu rất yếu nên doanh nghiệp cũng không tích cực phân phối sản phẩm đầu thu ra thị trường, dù trên thực tế, nhiều nhà nhập khẩu đủ năng lực để cung ứng lượng đầu thu lớn với giá thành ngày càng rẻ", ông Hoan nêu thực trạng.

Tuy nhiên, dẫn lại khuyến cáo của các chuyên gia châu Âu trong một hội thảo gần đây, ông Hoan cho biết, ngay tại châu Âu, người dùng cũng chỉ đổ xô đi mua đầu thu vào phút chót. Do vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc sản xuất đầu thu vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp sức cầu tăng mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh việc "chờ đợi" người dùng quan tâm hơn đến đầu thu DVB-T2, đại diện VTV cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần có những giải pháp can thiệp để thúc đẩy sức cầu, chẳng hạn như ngắt dần những kênh chương trình mà người dùng thích xem.

"Chỉ có ngắt dần kênh thì mới khuyến khích được người dân đi mua đầu để việc xem không bị gián đoạn", vị này nêu quan điểm.

Mặc dù vậy, đề xuất này không nhận được sự đồng tình từ Bộ TT&TT. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, cắt hết các kênh người dùng thích xem thì không đúng với tinh thần của Đề án số hóa truyền hình. Mục tiêu của Đề án là đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng chương trình, thông tin tới người dân.

Với cơ quan quản lý, kênh thiết yếu là kênh quảng bá, không thu tiền nhưng với người dân, kênh thiết yếu là kênh họ thích xem nhất. Nhu cầu của người dân và của cơ quan quản lý cần phải hài hòa với nhau".

Một số ý kiến khác tin rằng, dù thị trường hiện nay chưa sôi động nhưng một khi nguồn cung sản phẩm tăng lên, chủng loại và mức giá đa dạng hơn thì nhu cầu cũng sẽ mạnh theo. Vấn đề cần phải giải quyết hiện nay chính là đầu thu nhập lậu đang được bày bán phổ biến ở nhiều nơi, với chất lượng không được bảo đảm.

Do đó, các Sở TT&TT cần đẩy mạnh thanh tra đầu thu lậu, tạo điều kiện cho đầu thu sản xuất trong nước hoặc đầu thu nhập khẩu chính ngạch. "Người dân mua phải đầu thu lậu kém chất lượng khi không thu được tín hiệu thì chắc chắn sẽ bức xúc", đại diện Cục Viễn thông khuyến nghị.

Liên quan đến kiến nghị này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã chỉ đạo Cục Tần số phối hợp Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và các Sở tiến hành thanh tra, kiểm tra thị trường đầu thu một cách tích cực, quyết liệt, có phương án xử lý đầu lậu, đầu chưa công bố hợp quy, không có tem nhãn và không đúng quy chuẩn. Trước mắt, việc thanh kiểm tra cần tiến hành ngay ở 5 thành phố lớn thuộc giai đoạn I của lộ trình số hóa là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng.

Song song với đó, các hoạt động tuyên truyền cho Đề án số hóa cũng cần phải tích cực ủng hộ cho những sản phẩm, doanh nghiệp trong nước, "chống gian lận thương mại, tránh để người dân thiệt hại khi mua phải đầu kém chất lượng", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kết luận.

Theo Trọng Cầm

Cùng chuyên mục
XEM