Thế giới đang ngày càng giàu hơn, nên mừng hay lo?

12/03/2015 16:06 PM |

Sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp người tiêu dùng trung lưu với thu nhập đủ để chi tiêu đang có mối liên đới trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế.

Nội dung nổi bật:

- Tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng một cách nhanh chóng, đặc biệt ở những nền kinh tế đang phát triển.

- Dù sẽ dẫn tới một vài thách thức chính trị nhưng nhìn chung đây là một tín hiệu đáng mừng với thế giới.


Cuộc sống và phong cách sống của những triệu phú, UHNWI (những người có tài sản trên 30 triệu USD) hay tỷ phú luôn tạo ra sự mê hoặc với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, sự thay đổi đang diễn ra ở tầng lớp ít giàu có hơn, tuy kém hấp dẫn hơn 1 chút nhưng lại vô cùng quan trọng.

Nói như vậy là bởi sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp người tiêu dùng trung lưu với thu nhập đủ để chi tiêu đang có mối liên đới trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế.

Tháp thịnh vượng toàn cầu 2014. Lần lượt từ trên xuống dưới: Số lượng tỷ phú, triệu triệu phú, UHNWI, triệu phú và tổng số. ĐVT: Người.

Tuy nhiên, không giống những người siêu giàu, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác về tầng lớp trưng lưu. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng, họ là những người kiếm được gần hoặc cao hơn mức lương trung bình của cả nước.

Trong khi đó, một số khác lại thiết lập một ngưỡng thu nhập cụ thể cho những người này. Ví dụ, chuyên gia kinh tế Branko Milanovic và Shlomo Yitzhaki tuyên bố vào năm 2000 rằng tầng lớp trung lưu toàn cầu là những người kiếm được từ 4.000 - 7.000 USD/năm.

Gần đây hơn, một số người đưa ra ý tưởng sử dụng việc mua bán và sử dụng xe ô tô như một công cụ để tính toán thu nhập sẵn có và tình trạng của những người thuộc tầng lớp trung lưu.

Bất kể được định nghĩa như thế nào thì có một điều chắc chắn là tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng một cách nhanh chóng, đặc biệt ở những nền kinh tế đang phát triển. Theo tính toán của Milanovic và Yitzhaki, có hơn 369 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu tại nhóm nước đang phát triển G20 như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Ngoài ra, có khoảng 1 tỷ người tại những nền kinh tế tiên tiến.

Giữa năm 2000 và 2010, tốc độ phát triển số lượng tầng lớp trung lưu tại châu Phi tăng từ 29% lên mức 34%. Trong khi đó, tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD thì nói rằng đến năm 2030, châu Á sẽ chiếm khoảng 66% dân số tầng lớp trung lưu của thế giới - gấp 10 lần so với Mỹ và 5 lần so với châu Âu.

Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Nó cho thấy mức sống tại mỗi quốc gia đang tăng lên. Tầng lớp trung lưu là động cơ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng bởi họ có đủ thu nhập để mua hàng hoá và dịch vụ, giúp bơm tiền quay trở lại nội địa và những nền kinh tế quốc tế.

Xu hướng này đặc biệt đang diễn ra mạnh mẽ ở các nền kinh tế đang phát triển - nơi tiêu dùng cá nhân đang ngày càng tăng - gấp khoảng 3 lần so với những nền kinh tế đã phát triển. Thị phần tiêu dùng cá nhân toàn cầu tăng từ 18% lên gần 30% từ giữa năm 2002 đến 2012 theo một nghiên cứu mới được công bố bởi Uri Dadush và Shimelse Ali.

Chắc chắn không phải trùng hợp ngẫu nhiên khi dữ liệu của báo cáo Thịnh vượng dự đoán rằng trong khoảng 1 thập kỷ tới, những khu vực có tốc độ tăng triệu phú nhanh nhất sẽ thuộc về châu Phi và Mỹ Latin. Ước tính, tốc độ phát triển lần lượt là 53% và 46%.

Mức tăng chi tiêu của tầng lớp trung lưu và sức mạnh đầu tư tại một số quốc gia đang phát triển có ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng tạo ra thế hệ những doanh nhân triệu phú - những người có thể hưởng lợi từ việc gia tăng khao khát về mọi thứ từ hàng hoá tiêu dùng đến dịch vụ tài chính, công nghệ và chăm sóc sức khoẻ.

Điều này có thể minh chứng rõ nét bởi sự thành công của Alibaba – gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc được thành lập bởi tỷ phú Jack Ma. Thành công của tập đoàn này một phần lớn là nhờ sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng và tiếp cận công nghệ trên toàn Trung Quốc.

Tại châu Phi, Acacia Mall - một trung tâm mua sắm cao cấp mới mở tại Kampala, Uganda chỉ là 1 ví dụ điển hình về cách mà tầng lớp trung lưu tại đây đang định hình thị trường bán lẻ. Các trung tâm mua sắm mang phong cách phương Tây đang “ăn nên làm ra” nhờ lớp khách hàng thuộc nhóm trung lưu.

Inditex - một nhà bán lẻ Tây Ban Nha, đơn vị sở hữu thương hiệu Zara, Uterque và Massimo Dutti đang mở rộng nhanh chóng tại Trung Quốc. Bằng chứng là chỉ trong vòng 1 tháng, họ mở tới 5 cửa hàng Zara để đảm bảo cung cấp các sản phẩm thời trang với mức giá phải chăng cho tầng lớp khách hàng trung lưu tại đây.

Dĩ nhiên, sự gia tăng số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu có thể đi kèm với những thách thức về chính trị. Tuy nhiên, nếu đứng độc lập, nó sẽ nảy sinh những nhu cầu lớn hơn cho những dịch vụ tốt hơn - đặc biệt là giáo dục, minh bạch chính trị và tự do ngôn luận. Trong 2 năm qua, những cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong, Brazil, Venezuela, Bulgaria, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ ở một góc độ nào đó cũng có liên quan đến sự gia tăng nhu cầu của tầng lớp trung lưu.

Nhìn sâu xa hơn, đây có thể sẽ là cơ hội tuyệt vời để đổi mới, khuyến khích các doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh riêng bằng việc phục vụ nhóm khách hàng trung lưu, từ đó tạo công ăn việc làm và tiếp tục tạo ra những người thuộc tầng lớp trung lưu mới. Kết quả tạo thành một vòng tròn đạo đức, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.

Nhìn chung sự gia tăng số lượng những người thuộc nhóm trung lưu là một tín hiệu tốt.

Trong triển vọng kinh tế toàn cầu, “con mắt của thế giới” đang hướng đến tầng lớp trung lưu và quan trọng hơn là đến túi tiền của họ. Sức tiêu dùng của những người này sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nhu cầu toàn cầu.

>> Việt Nam có tốc độ tăng triệu phú nhanh thứ 9 trên thế giới

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM