Thanh toán trên smartphone: Apple gọi, Sony trả lời

18/10/2015 08:33 AM |

“Việt Nam rất có thể là điểm đến tiếp theo. FeliCa - loại thẻ cho phép thanh toán trên các phương tiện giao thông công công, sẽ được thí điểm với hệ thống xe buýt tại Hà Nội sau khi chính phủ Nhật Bản cung cấp 200.000 thẻ như một phần của kế hoạch viện trợ phát triển tại quốc gia này.” – ông Sakamoto, giám đốc cấp cao của Sony cho biết.

Trong khi Sony Corp đang giảm bớt tham vọng trong lĩnh vực smartphone trên thị trường toàn cầu, công ty này vẫn muốn cạnh tranh với Apple và Samsung Electronics Co. về mảng cung cấp dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động tại châu Á, cụ thể là Apple Pay. Phương thức được Sony đang nhắm tới chính là cung cấp dịch vụ thanh toán trên các phương tiên giao thông công cộng.

Sony đang cố gắng thúc đẩy việc quảng bá công nghệ thanh toán FeliCa, khiến ứng dụng này trở nên phổ biến hơn tại các quốc gia châu Á khác, tương tự như những gì họ đã đạt được với hệ thống đường sắt tại Nhật Bản.

Hệ thống này sử dụng loại chip được cài vào trong điện thoại thông minh và thẻ nhựa có kích cỡ tương đương như một chiếc ví. Đặc biệt, Sony mong muốn giới thiệu thiết bị này tới các nước Đông Nam Á, bắt đầu với hệ thống đường sắt Indonesia vào tháng ba tới.

“Mạng lưới giao thông có thể coi là bàn đạp để thu hút các thương nhân đến với hệ thống Felica. Mức độ di chuyển dày đặc và lượng hành khách vô cùng lớn sẽ khuyến khích các nhà bán lẻ sớm tham gia cung cấp hàng hóa hay dịch vụ tại các trạm xe lửa hay xe buýt, khi đó FeliCa sẽ được lựa chọn để phục vụ cho việc thanh toán cho cả hai bên”, dẫn lời ông Kazuyuki Sakamoto, giám đốc cấp cao của Sony phụ trách hoạt động của FeliCa.

Tiềm năng của thị trường này thực sự rất lớn: Đông Nam Á hàng năm đã chi tiêu tới 60 tỷ USD trên các tuyến đường giao thông, bao gồm đường bộ, đường ray và các phương tiện khác, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á.

"Cách tiếp cận của chúng tôi hoàn toàn khác so với Apple," ông Sakamoto cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Nếu không xuất hiện tình huống thực tế khiến khách hàng phải thanh toán, thì dù họ có bao nhiêu ứng dụng phục vụ cho việc đó cũng không có ý nghĩa gì."

Cổ phiếu của Sony tăng 2,2% vào thứ 6 lên 3.250 yên tương đương với 1% tại TOPIX Index.

Sự điều chỉnh smartphone

Hiện tại, hệ thống Octopus của Hồng Kông cung cấp dịch vụ thanh toán trên xe lửa, xe buýt và cửa hàng tiện lợi đã sử dụng chip của Sony, còn tại Nhật Bản thẻ Pasmo và Suica đang rất được ưa chuộng bởi hành khách đi lại bằng tàu hỏa.

"Apple Pay và những ứng dụng tương tự bây giờ mới bắt đầu phát triển trên thế giới, còn chúng tôi đã cung cấp dịch vụ này trong hơn 10 năm qua", ông Sakamoto cho hay, "Bắt đầu với các hành khách, sau đó tiếp cận tới những thương gia."

Sony đang có kế hoạch cải thiện giúp FeliCa trở nên dễ dàng áp dụng hơn đối với người sử dụng. Các nền tảng mà hiện nay mới chỉ được tích hợp với smartphone, sẽ được phát triển trở thành một loại chip có khả năng tự điều chỉnh, tương đương như một phần mềm và được sử dụng phổ biến vào đầu năm tới.” – theo ông Sakamoto.

Sony đang là hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu lớn thứ ba thế giới, hiện đã cắt giảm một số mô hình sản phẩm để tập trung vào sản xuất các linh kiện thành phần. Nếu FeliCa thành công, Sony không chỉ kiềm lời từ việc bán chip mà còn từ thẻ và đầu đọc thẻ.

Thách thức của kế hoạch này chính là sự thống nhất chặt chẽ của những chuỗi thanh toán: các nhà sản xuất, các công ty tài chính và giới thương gia. Thanh toán di động hiện vẫn chưa phát triển đúng như mức kỳ vọng. Apple Pay, ứng dụng cho phép người dùng trả tiền bằng cách chạm tay vào iPhone, tuy vô cùng tiện lợi nhưng cũng chỉ chiếm con số khiêm tốn 1% trong các giao dịch bán lẻ tại Mỹ một năm sau khi ra mắt, theo hãng nghiên cứu Aite Group.

Sự tăng trưởng tại châu Á

Cạnh tranh tại thị trường Châu Á sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thanh toán di động, cụ thể sẽ nâng tổng giá trị lên gấp đôi với con số 1 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2017, theo hãng nghiên cứu IDC. Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc có thể yêu thích các dịch vụ như Apple Pay, người dân tại các nước đang phát triển lại ưa chuộng ví di động có tính năng tương đương như thẻ trả trước - phó giám đốc IDC, Shiv Putcha cho biết.

"Tôi nghĩ có khả năng đó là phương thức duy nhất mà họ có thể tiếp cận" Putcha nói. "Chắc chắn sẽ rất tốn kém để thực hiện kế hoạch thúc đẩy một quy mô người tiêu dùng rộng lớn, do đó việc nhắm vào lĩnh vực giao thông công cộng là một quyết định đúng đắn."

Thanh toán trên di động ở châu Á hiện đang là một mớ công nghệ hỗn độn khi các nhà cung cấp loay hoay để giải quyết những thách thức như lượng sử dụng qua smartphone hay ngân hàng quá thấp. Samsung thì dựa vào khả năng quét mã vạch trên các sản phẩm điện thoại của mình. Square Inc. phân phối các đầu đọc thẻ, còn Alipay của Trung Quốc thì cho phép người dùng trả tiền thông qua mã vạch.

FeliCa, viết tắt của Felicity Card, sử dụng công nghệ liên lạc trong khoảng cách gần, tương tự như trong iPhone và các thiết bị của Samsung. Chip FeliCa trên thẻ nhựa và điện thoại có thể được nạp tiền mặt và sử dụng để mua bất cứ thứ gì từ xăng, karaoke, sản phẩm từ các cửa hàng tiện lợi cho đến các bữa ăn trưa hay thức ăn nhanh. Hiện nay có 890 triệu chip đang được sử dụng, tuy nhiên Sony không cho biết số lượng cụ thể trong các thiết bị di động.

Đông Nam Á

Chìa khóa để biến kế hoạch này thành công là liên doanh với NTT Docomo Inc và East Japan Railways Co. – công ty điều hành đường sắt lớn nhất Nhật Bản. Sony đang cố gắng để nhân rộng mô hình kinh doanh trên bằng cách hợp tác với PT KAI Commuter Jabodetabek, một công ty đường sắt tại Jakarta. Vào thứ 5, Sony cho biết họ sẽ sớm hợp tác với PT Telekomunikasi Indonesia, một công ty trị giá 20 tỷ USD nhằm phép thanh toán giá vé xe buýt ở Bandung qua điện thoại thông minh trước khi phân phối Felica tại các cửa hàng.

“Việt Nam rất có thể là điểm đến tiếp theo. FeliCa sẽ được thí điểm với hệ thống xe buýt tại Hà Nội sau khi chính phủ Nhật Bản cung cấp 200.000 thẻ như một phần của kế hoạch viện trợ phát triển tại quốc gia này.” – ông Sakamoto cho biết.

"Tại châu Á, việc đi lại đóng một vai trò rất quan trọng. Còn ở Mỹ thì vấn đề này chỉ xuất hiện tại 5 thành phố hàng đầu, do vậy quan điểm và kế hoạch dành cho từng thị trường sẽ rất khác nhau.", dẫn lời ông Mario Manabe, chủ tịch mảng đầu tư mạo hiểm của Sony.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM