Tăng trưởng 1%, ngành dệt may Campuchia lâm nguy

07/03/2015 11:03 AM |

Một năm sau khi cuộc đình công, lương của công nhân Campuchia tăng mạnh. Đây là thắng lợi của công nhân nhưng là nỗi lo của ngành công nghiệp dệt may nước này.

Nội dung nổi bật:

-  Chi phí nhân công tăng, đình công thường xuyên, bất ổn chính trị, truyền thông tiêu cực đã "phá hủy" khả năng cạnh tranh của các nhà máy tại Campuchia. 

- Một thời nắm vị trí số 1 Đông Nam Á, ngành may Campuchia đang đứng trước nguy cơ phá sản.


Trong phòng ký túc xá nhà máy ở ngoại ô Phnom Penh, Chheav Sarun, 25 tuổi, treo hai bức ảnh ở đầu giường. Một là hình đám cưới của cô, và một bức chân dung của người chồng đã qua đời hơn một năm trước. Chồng cô là một trong năm công nhân bị bắn chết vào ngày 3/1/2014 trong một vụ trấn áp công nhân biểu tình và bạo loạn.

Vụ trấn áp này nổ ra sau một cuộc đình công lớn trên toàn quốc đòi tăng lương tối thiểu hằng tháng. Hai tuần sau đó, 33 công ty nhập khẩu hàng dệt may Campuchia, bao gồm Adidas, Gap, H&M, đã gửi thư kiến nghị Thủ tướng Hun Sen điều tra tư pháp các vụ gây chết người này.

Sau những cuộc đình công khốc liệt đó, mức lương tháng của công nhân dệt may tại Campuchia đã được tăng từ 80USD lên 128USD. Đây là một thắng lợi đối với người lao động nhưng lại đang gây ra nhiều lo lắng cho ngành công nghiệp dệt may của nước này. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng may mặc ở Campuchia, năm 2014, đơn đặt hàng may mặc và giày dép của Campuchia chỉ tăng 1% so với năm trước đó. Đây là sự sụt giảm mạnh so với mức tăng trưởng 20% duy trì trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Ken Loo, Tổng thư ký của Hiệp hội, cho biết, chi phí nhân công tăng, đình công thường xuyên, bất ổn chính trị, truyền thông tiêu cực đã "phá hủy" khả năng cạnh tranh của các nhà máy tại Campuchia. Tại Khu công nghiệp Canadia, khu phức hợp nhà máy bên ngoài của Phnom Penh, nữ công nhân Chheang Thida, 35 tuổi, cho biết, chủ nhà máy may Kin Tay đã cho cô và nhiều công nhân khác nghỉ cho đến ngày 10/2 do giảm đơn đặt hàng.

Sau nhiều năm tăng trưởng trung bình 20%, ngành công nghiệp dệt may của Campuchia chỉ tăng 1% trong đơn đặt hàng trong năm 2014.

Campuchia vẫn hưởng ưu đãi miễn thuế xuất khẩu vào một số thị trường quan trọng, bao gồm Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Mỹ. Nhưng lương nhân công tăng đã làm giảm sút lợi thế này của Campuchia.

Lao động chiếm khoảng một phần năm của chi phí sản xuất hàng may mặc. Mức lương tối thiểu 128USD/tháng cộng phụ cấp 17USD bằng với mức lương ở Việt Nam (khoảng 145USD) và cao hơn đáng kể so với mức lương ở Bangladesh là 68USD.

Trong khi đó, xu hướng của các nhà sản xuất dệt may trên thế giới là di chuyển tới các thị trường có chi phí lao động thấp nhất. Yang Sophorn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại Campuchia, nhận định, nếu mức lương tiếp tục tăng lên, có lẽ rất nhiều nhà máy dệt may tại Campuchia sẽ phải đóng cửa.

May mặc là ngành xuất khẩu lớn nhất Campuchia với tổng trị giá 5 tỷ USD, tuyển dụng hơn 600.000 công nhân. Mức lương ở Campuchia hiện bằng khoảng một nửa của Trung Quốc nhưng với tốc độ tăng lương hiện tại, nước này sẽ bắt kịp Trung Quốc chỉ trong khoảng 5 năm tới.

Điều này dấy lên lo ngại rằng Campuchia không còn giữ được vị trí trung tâm sản xuất rẻ nhất ở Đông Nam Á. Theo ông John Thompson, chuyên gia phân tích cao cấp của Maplecroft, mặc dù có cam kết của bên mua rằng tăng lương sẽ không dẫn đến giảm nhu cầu nhưng các nhà sản xuất trong nước và chính phủ vẫn lo lắng việc chi phí lao động tăng cao sẽ dẫn đến ít đơn đặt hàng hơn.

Ngành dệt may mới nổi của Myanmar hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước và chi phí lao động ở Bangladesh và Pakistan rất có tính cạnh tranh. Các nhà nhập khẩu dệt may từ Campuchia vẫn đang theo dõi tình hình. Ida Stahlnacke, phát ngôn viên của H&M, nói "Chúng tôi phụ thuộc vào thị trường ổn định, trong đó mọi người được đối xử tôn trọng".

>> Ngành dệt may: Cả thế giới chọn Việt Nam là đối tượng cạnh tranh

Theo Thụy Kha

Cùng chuyên mục
XEM