Tại sao WHO lo sợ Zika hơn cả dịch Ebola?

03/02/2016 19:28 PM |

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh Zika dù chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh được loại virus này gây ra các dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Lần gần đây nhất WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp là khi dịch bệnh Ebola bùng nổ tại Tây Phi, nhưng rõ ràng tình trạng của 2 loại dịch bệnh Ebola và Zika là hoàn toàn khác nhau.

Dịch Ebola khiến người bệnh nôn mửa, sốt và xuất huyết khá rõ ràng. Điều này giúp các bác sĩ nhận ra dấu hiệu người nhiễm bệnh để đưa vào các trung tâm điều trị cũng như cách ly.

Nếu người bệnh tử vong, việc mai táng cũng sẽ được tiến hành cẩn thận nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Nói cách khác, dịch Ebola có dấu hiệu rõ ràng để nhận biết hơn Zika, loại dịch bệnh mới này chỉ khiến khoảng 1/5 số người nhiễm bệnh có triệu chứng giống như bị cúm và hầu hết người mắc bệnh đều không đến bệnh viện để khám.

Rõ ràng, WHO đã phải tăng cường cảnh giác trước loại dịch bệnh mới có thể dễ dàng lây lan mà không gây sự chú ý của người bệnh. Dù virus Zika chưa được chứng minh là nguyên nhân gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nhưng các chẩn đoán lâm sàng đều thiên về giả thuyết này.

Ngoài ra, WHO đã biết học hỏi từ sai lầm trong đợt dịch Ebola, khi tổ chức này nhận nhiều lời chỉ trích do phản ứng quá chậm trước thảm họa dịch bệnh này.

Đặc biệt, tổ chức WHO đã không nhận thức được triệt để ảnh hưởng xã hội và kinh tế khi dịch Ebola bùng phát tại Châu Phi.

Chỉ đến khi những bệnh nhân người Mỹ và Châu Âu đầu tiên nhiễm dịch bệnh này thì WHO mới thực sự có động thái quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc Brazil là một trong những nền kinh tế mới nổi quan trọng trên thế giới, nằm trong nhóm BRIC và là thành viên của G20, đồng thời sắp tổ chức Olympic 2016 đã khiến WHO buộc phải coi trọng dịch bệnh Zika hơn mức bình thường.

Hiện Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika và nguy hiểm hơn, bệnh nhân này bị nhiễm thông qua đường tình dục chứ không phải đường muỗi Aedes thông thường.

Điều này chứng minh rằng các nhà khoa học chưa thể nắm bắt được hết những con đường mà virus Zika có thể lây nhiễm chứ chưa nói đến việc tạo vắc xin phòng bệnh.

Trước tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, việc kinh tế Mỹ cũng như nhiều nước có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Zika có thể khiến quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên chậm hơn.

Chắc chắn ngành du lịch, giao dịch thương mại hay nhiều mảng kinh doanh khác sẽ bị ảnh hưởng do lo ngại sự lây lan của virus Zika. Nguy hiểm hơn, kinh tế Mỹ vốn đang là đầu tàu kéo đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trước tình hình này, việc nâng mức độ báo động nhằm tăng cường sự đề phòng của người dân cũng như tập trung nguồn lực đối phó dịch bệnh Zika là một bước đi cần thiết của WHO.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM