T.S Nguyễn Đức Thành: Việt Nam chưa chuẩn bị kỹ cho hội nhập

22/06/2015 18:13 PM |

T.S Nguyễn Đức Thành lo ngại là con đường phát triển của Việt Nam có thể bị trệch hướng và tụt hâu sâu hơn so với các nước khác do Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ cho hội nhập.

Tại hội thảo quốc tế "Tác động của hiệp định TPP đối với thu ngân sách" do Viện Chiến Lược và Chính Sách - Bộ Tài Chính tổ chức, T.S Nguyễn Đức Thành có những chia sẻ với phóng viên về tác động của hội nhập nói chung và TPP nói riêng với nền kinh tế Việt Nam.

Lợi và hại khi gia nhập TPP

Nhìn chung, những ngành mà Việt Nam đang có lợi thế về xuất khẩu sang những thị trường nằm trong TPP như Nhật Bản, Mỹ sẽ tiếp tục có lợi, tiếp tục xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng đó chỉ là những lợi thế “tĩnh”.

Hiệp định TPP yêu cầu rất nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật. Những doanh nghiệp thành công trong việc đáp ứng các yêu cầu đó sẽ tạo ra lợi thế rất lớn, đó được gọi là lợi thế "động".

Mặt khác, doanh nghiệp nếu không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật thì họ sẽ có xu hướng né tránh các mảng đó và các mặt hàng có công nghệ cao hơn sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Nếu Viêt Nam vẫn duy trì những mặt hàng xuất khẩu dựa trên nhân công giá rẻ thì sẽ có lợi thời gian đấy nhưng đến một lúc nào đó chúng ta sẽ mất dần cả những lợi thế “tĩnh” này.

Về mặt hại, hiện nay một số nước trong TPP có những ngành hàng rất mạnh mà Việt Nam không cạnh tranh được như chăn nuôi, sữa.... của Úc, Mỹ, New Zealand thì Việt Nam sẽ thua và phải rút lui.

Tuy nhiên bất lợi đó tương đối phù hợp với sự phân công nguồn lực quốc tế vì Việt Nam không có điều kiện thuận lợi. Việc nhập khẩu những mặt hàng như vậy sẽ rẻ hơn sản xuất trong nước, điều này tốt cho người tiêu dùng mặc dù những ngành như vậy sẽ bị co hẹp hoặc biến mất.

Do đó chúng ta cần có chính sách để cơ cấu chuyển sang những ngành có lợi thế hơn như lúa gạo, công nghệ hoặc các ngành sử dụng lao động như dệt may, thủy sản.

Vấn đề cuối cùng rất quan trọng với hội nhập là vấn đề về vốn con người. Nếu không cải thiện năng lực làm việc của người lao động thì Việt Nam sẽ mãi bị kẹt trong lợi thế lao động giá rẻ, chỉ thu được một ít lợi ích ban đầu sau đó chúng ta sẽ bị bỏ xa so với các nước khác trong các FTA này.

Cải cách cần minh bạch thông tin

Trong quá trình tự do hóa và cạnh tranh nếu như doanh nghiệp không có được thông tin thông suốt với chi phí thấp thì việc quyết định kinh doanh sẽ có hiệu quả thấp và dần dần sẽ mất đi sự cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Trước tiên Việt Nam cần có cải cách hành chính, sau đó là cải cách thể chế vì thể chế như hiện nay đang ngăn cản những luồng thông tin từ các Bộ, ngành đến doanh nghiệp, nếu không muốn nói là đang áp đặt những chi phí rất lớn lên doanh nghiệp.

Việc cải cách thể chế cần nhận thức được vấn đề này và cải cách phải hướng tới thân thiện với doanh nghiệp và thị trường, đặt lợi ích của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lên trên vì doanh nghiệp tư nhân là lực lượng có khả năng duy trì cạnh tranh lâu dài và cải cách tiến bộ.

Không làm được điều này chúng ta sẽ thất bại và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ thua cả các nước trong khu vực, chưa nói tới các nước trong TPP.

Vấn đề tiếp cận thông tin của doanh nghiệp đã tồn tại từ rất lâu. Hiện nay tất cả các hiệp định thương mại đã ký và sắp ký đã rất sát nút mà doanh nghiệp vẫn rất ít thông tin. Đây là việc mà các bộ ngành cần phải làm nhất thì họ lại đang làm việc khác.

Việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là một dịch vụ công rất hữu ích thì các cơ quan nhà nước chưa làm được. Các Bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa các khóa đào tạo từ Trung ương đến địa phương để doanh nghiệp có thể tiếp cận được.

Việt Nam đang đi bước lùi trong hội nhập

Lo ngại của T.S Nguyễn Đức Thành là con đường phát triển của Việt Nam có thể bị chệch hướng và tụt hâu sâu hơn so với các nước khác. Lý do là Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ cho hội nhập.

Chuẩn bị kỹ ở đây là chuẩn bị một thị trường trong nước, một môi trường kinh doanh, một khu vực sản xuất và hệ thống doanh nghiệp tốt. Chúng ta cũng có thị trường nhưng thị trường đó hiện nay vẫn là của doanh nghiệp FDI, của DNNN.

Ở những nước phát triển, việc được làm việc cho những tập đoàn công ty lớn như Samsung, Toshiba.... là một niềm tự hào. Nhìn lại Việt Nam chúng ta chưa tìm đâu ra một tên tuổi có sức hút như vậy để thu hút nhân tài.

Trong 20 năm hội nhập Việt Nam gần như không dựa vào thương hiệu, không cho nền kinh tế những tên tuổi để tự hào. Việc xây dựng thương hiệu ở đây không chỉ là về thương hiệu, mà cả nền kinh tế phải là một bệ đỡ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ví dụ như Hàn Quốc khi bắt đầu hội nhập họ đã có những thương hiệu khổng lồ như Huyndai, Samsung ở trong nước và từ đó đi ra thế giới. Việt Nam cũng có một số tên tuổi như Viettel, FPT nhưng cấu trúc sở hữu và ngành nghề kinh doanh của những doanh nghiệp này vẫn có rất nhiều vấn đề.

Tính minh bạch, tính cạnh tranh và tính thị trường của Viettel rất thấp, bản thân Viettel vẫn còn sở hữu của Nhà nước, trong khi ngành nghề kinh doanh cốt lõi của FPT cũng không còn được duy trì. Tất cả những ví dụ đó phản ánh một thực tế là Việt Nam chưa xây dựng được một nền kinh tế thị trường đích thực để có thể đón đầu hội nhập.

Sơn Đức

Cùng chuyên mục
XEM