Sức ép tỷ giá VNĐ khi FED nâng lãi suất

14/12/2015 13:50 PM |

Vào ngày 15 và 16-12 tới, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Hoa Kỳ (FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của FED) sẽ họp bàn chính sách tiền tệ, trong đó có việc nâng hay giữ lãi suất (hiện ở mức 0-0,25%).

Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch quyền chọn Chicago (CBOE), kết quả cuộc họp của NH Trung ương châu Âu (ECB) và dữ liệu việc làm Hoa Kỳ được công bố vào tuần đầu tháng 12, khả năng 79% FED sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp này.

Nhiều khả năng FED nâng lãi suất

Trong trường hợp NHNN giữ đúng cam kết, sự dồn tích của các kỳ vọng thị trường rất có thể diễn ra kịch bản phá giá mạnh VNĐ vào thời điểm gần Tết Nguyên đán 2016.

Kết quả cuộc họp của ECB gây thất vọng lớn cho thị trường khi ECB giãn chương trình nới lỏng định lượng (QE) thêm nửa năm, đến tháng 3-2017 (trước đó là tháng 9-2016), nhưng vẫn giữ nguyên mức mua trái phiếu chính phủ ở 60 tỷ EUR/tháng; ECB cũng hạ lãi suất tiền gửi xuống -0,3%. Trước đó, thị trường kỳ vọng ECB sẽ tăng thêm khoảng 25% số tiền mua trái phiếu chính phủ hàng tháng. Vì vậy, đồng EUR đã lập tức tăng giá trong khi USD rớt giá mạnh. Chính vì vậy thị trường chứng khoán toàn cầu có xu hướng giảm giá từ sau kết quả cuộc họp của ECB đến nay.

Theo Hãng tin CNBC, một số thành viên trong Hội đồng thành viên của ECB cho biết: “Việc ECB không tăng thêm số tiền mua trái phiếu chính phủ như kỳ vọng thị trường là muốn giảm áp lực cho FED. Nếu ECB đáp ứng kỳ vọng thị trường, FED sẽ phải hoãn việc tăng lãi suất trong tháng 12, điều này sẽ càng làm tăng thêm độ biến động của thị trường vì nhà đầu tư sẽ đánh giá lại lộ trình tăng lãi suất của FED”. Do đó, kết quả cuộc họp của ECB chính là “đón trước” cho khả năng tăng lãi suất của FED trong tháng 12.

Rủi ro chiến tranh tiền tệ

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã gây ra cơn bão lớn trên thị trường tài chính thế giới khi đột ngột phá giá đồng NDT. Động thái này có thể là một trong các tác nhân làm trì hoãn việc FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Trong mấy ngày gần đây, Trung Quốc lại khiến cho các nhà đầu tư phải chú ý khi tỷ giá USD/CNY lần đầu tiên vượt qua mức 6,45 kể từ tháng 8 năm nay. Đồng NDT đã có đợt giảm 6 ngày liên tiếp kể từ khi được lọt vào rổ SDR của IMF, đây là lần giảm giá lâu nhất và dài nhất kể từ tháng 3-2014. Quan sát từ Hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDS) để đo lường rủi ro phá sản đã tăng lên đỉnh cao 2 tháng qua.

Theo trích dẫn của Financial Times, lượng vốn rút ròng khỏi Trung Quốc tăng cao kỷ lục trong tháng 11, đạt 113 tỷ USD, cao hơn so với với 37 tỷ USD trong tháng 10 và cao hơn cả tháng 8 khi Trung Quốc phá giá đồng NDT. Điều này khiến các nhà phân tích lo ngại về lý do đồng NDT sụt giảm trong mấy ngày gần đây là do làn sóng tháo vốn trong tháng 11.

Các dữ liệu kinh tế gần đây của Trung Quốc đều xấu khiến dòng vốn đang rút khỏi Trung Quốc. Trong tháng 11, Trung Quốc công bố GDP quý III tăng trưởng ở mức 6,9%. Tuy nhiên, theo Goldman Sachs, khả năng Trung Quốc đã bóp méo số liệu để trấn an dòng vốn đầu tư, thực tế mức tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc có thể chỉ ở mức 5%.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 10 được công bố trong tháng 11 cũng chỉ ở mức 5,6%, đang trong xu hướng sụt giảm và thấp hơn so với dự báo của thị trường. Do đó, sự sụt giảm của đồng NDT trong 6 ngày gần đây có thể phản ánh dòng vốn đang tháo chạy khỏi Trung Quốc khi nền kinh tế đang hạ cánh cứng, trong khi lãi suất đồng USD trong tháng 12 có khả năng tăng lên. Điều này sẽ dẫn đến 2 hệ quả: Thứ nhất, khả năng lại tiếp tục tạo ra đợt phá giá tiền tệ của các quốc gia khác, đặc biệt là thị trường mới nổi và đang phát triển như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia... Thứ hai, Trung Quốc có thể tiếp tục bán ròng thị trường trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, làm tăng rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới.

Áp lực tỷ giá VNĐ vào đầu 2016

Vào cuối tháng 11, VNĐ đã giao dịch gần sát mức trần 22.547 VNĐ/USD và có lúc chỉ cách trần đúng 2 đồng. Tình thế có phần hạ nhiệt đôi chút trong thời gian đầu của tháng 12, nhưng về cơ bản vẫn ở gần mức trần. Hiện VNĐ đã tăng 0,82% so với đầu tháng 11. Trước tình hình FED đang có khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 và sự sụt giá mạnh của đồng NDT trong mấy ngày gần đây, dự báo sẽ gây áp lực giảm giá lên VNĐ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vào tháng 8 năm nay, khi NHNN phản ứng trước việc NDT bị phá giá, đã thông báo không có ý định phá giá thêm VNĐ cho đến đầu năm 2016. Như vậy, có 2 kịch bản có thể xảy ra với VNĐ nếu FED thực sự tăng lãi suất trong tháng 12. Thứ nhất, NHNN có thể linh hoạt phá giá nhẹ VNĐ ngay tháng 12 để giải tỏa áp lực thị trường. Thứ hai, trong trường hợp NHNN giữ đúng cam kết, sự dồn tích của các kỳ vọng thị trường rất có thể diễn ra kịch bản phá giá mạnh VNĐ vào thời điểm gần Tết Nguyên đán 2016. Thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu ngoại hối thường tăng lên. Đồng thời, kỳ vọng phá giá VNĐ xuất hiện khi bước sang năm mới 2016.

Theo dự báo của ANZ vào tháng 11, VNĐ dự báo giảm giá 5-7% trong năm 2016. Trong lịch sử, NHNN đã có lần phá giá mạnh tỷ giá vào thời điểm nhạy cảm này. Vào tháng 2-2011, ngay sau Tết Nguyên đán, NHNN phá giá VNĐ hơn 9% khiến thị trường rúng động. Đầu năm 2015, NHNN cũng phá giá nhẹ tỷ giá VNĐ, ở mức 1%.

Cần lưu ý thêm, về mặt kỹ thuật mức mục tiêu 6,4 giữa cặp tỷ giá USD/NDT được giới phân tích cho là mức NH Trung ương Trung Quốc muốn bảo vệ kể từ tháng 8 đến nay. Một khi mức 6,4 bị phá vỡ, Trung Quốc có thể cho phép đồng NDT phá giá nhanh vào quý I-2016 và rất có thể ngay gần thời điểm Tết Nguyên đán của Việt Nam và Trung Quốc. Sự phá giá mạnh và nhanh của NDT có thể ảnh hưởng trực tiếp đến VNĐ.

Theo Trương Minh Huy

Cùng chuyên mục
XEM