Sẽ tiếp tục kiến nghị kéo dài thời hạn cho vay gói 30.000 tỷ

28/05/2015 21:56 PM |

Đến nay tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chưa đến 30% sau hơn 3 năm thực hiện. Như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dù có ráo riết cho vay, mục tiêu giải ngân 100% đến thời điểm 1/6/2016 khó đạt được.

Tóm tắt

- Tiền cho vay từ lâu chúng ta đã có, nhưng quá khó để đến được tay người thu nhập thấp. Mấu chốt của vấn đề này nằm ở chính sách chưa được khơi thông đồng bộ.

- Mức lương trung bình của một cán bộ công nhân viên hiện nay cũng chỉ vào khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng, trong đó 60% dùng cho chi tiêu hàng ngày, chỉ còn lại 40% (hơn 2 triệu đồng) là dành chi cho chi phí ở. 


Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2015 đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện. Tổng số tiền đã cam kết là 13.078 tỷ đồng, đã giải ngân là 7.155 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, ký hợp đồng cam kết cho vay 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỷ đồng; đối với tổ chức, cam kết cho vay 38 dự án với số tiền là 5.079 tỷ đồng...

Tại Tọa đàm Triển vọng thị trường BĐS Việt Nam, diễn ra tại Tp.HCM sáng 28/5, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) và nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng tiền cho vay từ lâu chúng ta đã có, nhưng quá khó để đến được tay người thu nhập thấp. Mấu chốt của vấn đề này nằm ở chính sách chưa được khơi thông đồng bộ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng chủ trương, chính sách chúng ta đã có nhưng việc thực thi quá chậm, người dân nghèo vẫn cứ trông chờ để được có cơ hội mua các dự án nhà ở xã hội. Những vướng mắc không đáng có khi các ngân hàng quá thận trọng trong việc người dân không có khả năng trả nợ đã và đang làm “tắt” chiến lược này của Chính phủ và TP.HCM.

Chẳng hạn như Bộ Xây dựng có quy định “điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở thì người vay phải có thu nhập không quá 9 triệu đồng/tháng”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài thu nhập chính là lương thì nhiều người còn có các hoạt động kinh doanh riêng để tạo thêm nguồn thu nhập cho mình. Vì thế, nếu chỉ căn cứ theo bảng lương thì có thể nói rất nhiều người sẽ không thể chứng minh mình có thu nhập đủ để trả nợ ngân hàng.

“Bộ đưa ra quy định như vậy đồng nghĩa với chuyện chúng ta đang cào bằng. Khả năng thực hiện cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà trong thời gian tới là hết sức khó khăn”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Tp. HCM cũng khẳng định, theo quy định người có thu nhập ở mức 9 triệu đồng trở xuống mới có thể vay gói này. Đó là nút thắt lớn nhất vì ngân hàng chỉ cho vay nếu khách hàng đảm bảo trả được nợ. Trong khi đó, 9 triệu đồng trở xuống thì trừ chi phí hàng tháng người vay mất khả năng trả nợ.

Đồng tình với quan điểm trên, một doanh nghiệp cũng nhận xét rằng mức lương trung bình của một cán bộ công nhân viên hiện nay cũng chỉ vào khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng, trong đó 60% dùng cho chi tiêu hàng ngày, chỉ còn lại 40% (hơn 2 triệu đồng) là dành chi cho chi phí ở. Như vậy, người mua nhà khó mà đáp ứng được các yêu cầu về chứng minh thu nhập từ phía các ngân hàng.

“Trong khi đó, nhân viên ngân hàng hiện nay vừa phải lo đạt chỉ tiêu cho vay từ trên áp xuống, vừa phải chịu trách nhiệm thu hồi nợ cho gói vay của mình. Do vậy, tính thận trọng của các nhân viên tín dụng quá cao khi giải quyết những thủ tục dành riêng cho đối tượng mua nhà ở xã hội này”, vị này cho biết.

Vấn đề nữa là người làm ngoài nhà nước thì dễ khai trình thông tin với cơ quan chính quyền xác minh thu nhập trước khi vay tiền ngân hàng mua nhà, nhưng đối với các cán bộ viên chức nhà nước thì gặp nhiều khó khăn trong việc này do thủ trưởng cơ quan sợ lãnh trách nhiệm. Chính những điều này đang làm cho tình trạng tiếp cận được gói 30.000 tỷ đồng thêm nhiêu kê.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tp.HCM, thực tế cho thấy nhà ở xã hội còn quá xa tầm tay của người có nhu cầu vì chúng ta vấp phải quá nhiều vấn đề khi triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Với quy định của Bộ Xây dựng, hiện nay còn hàng loạt khách hàng đã đặt cọc tiền mua nhà có thể sẽ không được các ngân hàng cho vay do thu nhập không đủ.

Một đại diện của công ty CP địa ốc An Huy thì cho rằng hiện tại công ty có tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Tp.HCM và Bắc Ninh. Tuy nhiên, chủ trương thực hiện gói 30000 tỷ hỗ trợ cho thị trường là rất đúng, nhưng đi vào cuộc sống còn quá khó khăn. Doanh nghiệp và ngân hàng không gặp được nhau. Bởi vì các điều kiện để ngân hàng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay còn rất nhiêu khê. Vậy nên, để ngân hàng và người vay gặp nhau cần phải có những cơ chế mang tính đột phá, trong đó phía ngân hàng cũng cần "bỏ bớt luật chơi riêng của mình".

“Thời gian qua UBND thành phố và HoREA đã liên tục có nhiều kiến nghị gửi các Bộ ngành và Chính phủ nhằm sớm thám gỡ những vướng mắc này, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn khá chậm. Trong thời gian tới, HoREA sẽ tiếp tục có ý kiến sao cho lùi thời hạn triển khai gói 30.000 tỷ đồng nhằm giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp”, ông Châu cho biết.

Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM