Riêng năm 2016, Hà Nội sẽ có thêm gần 100.000 ô tô mới

07/03/2016 17:14 PM |

Điều này đặt hạ tầng giao thông của Hà Nội vào tình trạng quá tải.

Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Hiện Hà Nội có 5,3 triệu xe máy, 560.000 ô tô, 10.000 xe đạp điện. Tốc độ tăng ô tô khoảng 17%, xe máy 11% mỗi năm.

Nếu tính ra, năm nay, Hà Nội sẽ có thêm 95.000 ô tô mới. Con số này tương đương với khoảng 30% lượng xe mới dự báo bán ra toàn Việt Nam.

Điều này đặt hạ tầng giao thông của Hà Nội vào tình trạng quá tải. Mặc dù đầu tư cho giao thông của Hà Nội ở mức lớn, xấp xỉ 50% tổng chi đầu tư, nhưng hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô còn nhiều hạn chế.

Các tuyến đường vành đai, như vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh, các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị triển khai còn chậm, trong khi phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chưa tốt, văn hoá người tham gia giao thông chưa có tiến bộ.

"Các vấn đề về hạ tầng giao thông đi lại của Hà Nội là đáng báo động, quá tải về đi lại, mất an toàn và hiệu quả kinh tế xã hội bị ảnh hưởng", Bí thư Hải nói.

Theo Đồ án Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20% - 26% cho đô thị trung tâm; đạt 18% - 23% cho các đô thị vệ tinh.

Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3% - 4%. Có 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 2 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ Thủ đô đi các phía. Trong đô thị, có 1 cao tốc, 2 đường vành đai và 11 trục chính phía Bắc sông Hồng, 9 trục phía Nam sông Hồng.

Hà Nội cũng tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cộng 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, 4 cầu mới cùng 4 cầu hiện hữu qua sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông khác. Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm, 8 tuyến xe buýt nhanh...

Đến năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% tổng nhu cầu đi lại.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM