Quy định mới về chế độ ốm đau, thai sản hiệu lực từ 15/2/2016
Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến các quy định về chế độ ốm đau, thai sản so với quy định cũ.
A. Chế độ ốm đau
Bên cạnh những quy định cũ về điều kiện để người lao động được hưởng chế độ ốm đau như người lao động bị ốm đau, tai nạn rủi ro, con dưới 7 tuổi bị ốm đau, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (Thông tư 59) còn quy định rõ ràng và chi tiết hơn về điều kiện của tai nạn đó là “Người lao động bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc”. (Điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và điều 8 nghị định 152/2006/NĐ-CP)
Đồng thời, Thông tư 59 còn bổ sung các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau như: nghỉ điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ốm đau tai nạn trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, nghỉ thai sản. Trường hợp lao động nữ đi làm trong thời gian thai sản mà bị ốm đau hoặc có con bị ốm đau thì vẫn được hưởng chế độ. (Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và Điều 22 Luật BHXH 2006 và Điều 8 Nghi định 152/2006/NĐ-CP)
Doanh nghiệp cần lưu ý các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau nêu trên để xác định các trường hợp ốm đau của đơn vị mình. Tránh trường hợp tiếp nhận mọi hồ sơ hưởng chế độ ốm đau từ người lao động nhưng bị cơ quan bảo hiểm từ chối làm ảnh hưởng đến thời gian của doanh nghiệp.
Cách xác định mức hưởng chế độ ốm đau cũng có nhiều thay đổi so với quy định cũ. Cụ thể:
- Giảm số ngày trong tháng để tính mức hưởng ốm đau xuống còn 24 ngày (quy định cũ là 26 ngày). (Mục B.I Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH và Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
- Tăng tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc từ ngày 181 trở đi do mắc bệnh cần điều trị dài ngày mà đóng BHXH dưới 15 năm lên 50% (Quy định cũ là 45%). ( Mục B.I.2 Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH và Khoản 1,2 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
Đồng thời, Thông tư 59 cũng hướng dẫn cách xác định mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh điều trị dài ngày là xác định theo số tháng nghỉ việc, trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì xác định mức hưởng riêng cho những ngày này. Theo quy định cũ thì việc xác định mức hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày. (Khoản 1 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và mục B.I Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH)
B. Chế độ thai sản
Thông tư 59 hướng dẫn chi tiết về các trường hợp và tiền lương căn cứ để tính mức hưởng chế độ thai sản của cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng trong trường hợp mẹ chết sau khi sinh. Cụ thể: (khoản 2 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
- Chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh thì cha được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người mẹ.
- Cả cha và mẹ điều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh thì cha được hưởng thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người cha.
- Chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người mẹ.
- Cả cha và mẹ điều tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng thai sản mà mẹ chết sau khi sinh thì cha được hưởng thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản tính theo lương của người cha.
Về thời gian hưởng thai sản, trong trường hợp người mẹ có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng thai sản và chết sau khi sinh, theo Thông tư 59 đã kéo dài thời gian hưởng thai sản của cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi (quy định cũ là 4 tháng tuổi) (điểm c, d khoản 2 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và điểm a,b khoản 3 mục B.II Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH).