Quân đội Triều Tiên mạnh yếu đến đâu?

28/04/2013 08:55 AM |

Triều Tiên có trong tay những gì để "dám" hành động theo cách "một mình chống lại thế giới"?

Quân đội Triều Tiên được thành lập cách đây 81 năm, khai sơ chỉ là một nhóm vũ trang chống Nhật. Đến nay, nó đã trở thành trung tâm của chính sách “quân sự là trên hết” của Triều Tiên. Vậy sức mạnh của quân đội này ra sao khi mà tình hình bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra chiến tranh bất kì lúc nào?

Trong thời kì lãnh đạo đất nước kéo dài 17 năm của mình, cố Chủ tịch Kim Jong Il đã nâng cao vị thế của quân đội và Hàn Quốc ước tính quân đội Triều Tiên dưới thời Kim Jong Il đã lên tới 1,2 triệu binh sĩ. Hiện vị Tổng tư lệnh mới, Kim Jong Un, đã chỉ thị mục tiêu quan trọng của Quân đội nhân dân Triều Tiên là tập trung vào xây dựng “năng lực vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, quân đội của Kim Jong Un được cho là đang sở hữu những vũ khí khí tài lạc hậu và thiếu thốn quân nhu.

Quân đội Triều Tiên cung cấp rất ít thông tin về các hoạt động của mình, tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài vẫn có thể đưa ra bản đánh giá sơ bộ về những điểm mạnh và điểm yếu của lực lượng này.

Pháo binh

Hồi tháng 11/2010, Triều Tiên đã “nhắc nhở” dư luận về sức mạnh pháo binh của mình khi nã pháo vào hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, khiến 4 người thiệt mạng. Vụ việc cho thấy mối đe dọa từ pháo binh Triều Tiên ở vùng biển nước này vẫn đang tranh chấp với Hàn Quốc.

Quân đội Triều Tiên bắn pháo trong một cuộc tập trận.

Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có hơn 13.000 khẩu pháo và các ụ pháo tầm xa của nước này có thể bắn tới Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, thành phố với hơn 10 triệu dân và chỉ cách biên giới hai nước 50km.

“Lợi thế lớn nhất của Triều Tiên là pháo của nước này có thể bắn phá dồn dập vào thủ đô Hàn Quốc ngay từ những phút đầu tiên”, Mark Fitzpatrick, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, viết trong một email.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ước tính 70% số ụ pháo của Triều Tiên ở dọc đường biên giới có thể bị “trung tính hóa” trong vòng 5 ngày nếu chiến tranh nổ ra. Nhưng giáo sư Sohn Yong-woo của trường Đại học chiến lược quốc phòng Hannam ở Hàn Quốc thì cho rằng sẽ là quá muộn nếu nước này muốn ngăn chặn thương vong của hàng triệu dân thường cũng như một “đòn giáng khủng khiếp” vào nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này.

Các lực lượng đặc nhiệm

Các chuyên gia cho rằng chiến lược khả thi nhất dành cho Triều Tiên nếu xảy ra xung đột là chiến lược chiến tranh du kích do quân đội nước này đang sở hữu lượng vũ khí khí tài cũ kĩ và thiếu hỏa lực.

Seoul ước tính lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên gồm 200.000 người và trước đây Bình Nhưỡng đã từng sử dụng lực lượng này.

Vào năm 1968, 31 lính đặc công Triều Tiên đã đổ bộ Nhà Xanh để ám sát Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ, Park Chung-hee. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã thất bại. Cũng trong năm đó, hơn 120 lính đặc công Triều Tiên đã xâm nhập vào vùng phía đông Hàn Quốc và sát hại khoảng 20 người dân, binh sĩ và sĩ quan cảnh sát Hàn Quốc.

Vào năm 1996, 26 đặc vụ Triều Tiên đã xâm nhập vào vùng núi phía đông bắc Hàn Quốc sau khi tàu ngầm của họ bị hỏng. Sau đó một cuộc săn lùng diễn ra khiến 24 đặc vụ Triều Tiên và 13 binh sĩ cùng dân thường Hàn Quốc thiệt mạng.

“Mục tiêu của các lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên là cản trở Hoa Kỳ và Hàn Quốc chiến đấu chống Triều Tiên từ ngay giai đoạn đầu của chiến tranh bằng cách phá hoại cơ sở hạ tầng chính như các nhà máy điện hạt nhân và công dân của hai nước”, giáo sư Kim Yeon-su thuộc Đại học quốc phòng Hàn Quốc nhận định.

“Các lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên là nhân tố then chốt của năng lực quân sự của nước này bên cạnh bom hạt nhân, tên lửa và pháo. Nhiệm vụ của họ là tạo ra càng nhiều chiến trường càng tốt để đẩy kẻ thù vào tình trạng rối loạn”.

Năng lực bộ binh, hải quân và không quân

Vào tháng 3/2010, 46 thủy thủ Hàn Quốc đã thiệt mạng sau khi tàu chiến của họ bị đắm trên biển Hoàng Hải và Seoul cho rằng tàu ngầm của Triều Tiên là thủ phạm nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận. Trong khi đó, kể từ năm 1999, hải quân Triều Tiên và Hàn Quốc đã tham gia vào 3 trận giao tranh đẫm máu ở biên giới trên biển phía tây. Các chuyên gia cho rằng qua những trận chiến đó, Hàn Quốc dựa vào yếu tố sức mạnh và công nghệ hải quân còn Triều Tiên dựa vào yếu tố bất ngờ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm đơn vị 1017 của không quân nước này.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên có 70 tàu ngầm trong khi Hàn Quốc có 10 chiếc. Theo chuyên gia John Pike của trang Globalsecurity.org, mối đe dọa lớn nhất của hải quân Triều Tiên là tàu ngầm loại nhỏ có thể đưa đặc công đột kích vào dọc bờ biển Hàn Quốc.

Triều Tiên cũng có 820 máy bay chiến đấu, nhiều hơn số máy bay của Hàn Quốc; tuy nhiên, Seoul nhận được sự hậu thuẫn của không quân Hoa Kỳ. Hàn Quốc cho rằng phần lớn máy bay của Triều Tiên đều đã cũ nát. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu nên đã phải cắt giảm số chyến bay của các chiến đấu cơ này.

Theo chuyên gia Fitzpatrick, “Triều Tiên sẽ không thể duy trì một cuộc chiến tổng lực trong thời gian dài. Vấn đề lớn nhất là Triều Tiên sẽ nhanh chóng mất tầm kiểm soát trên không do không quân Mỹ - Hàn vượt trội hơn rất nhiều. Số liệu về máy bay của Triều Tiên là vô nghĩa do phần lớn số máy bay này không thể bay được và các phi công Triều Tiên có ít kinh nghiệm bay”.

Hiện Mỹ đang có 28.500 quân ở Hàn Quốc và vừa qua đã điều động máy bay ném bom B-2 và máy bay chiến đấu F-22 để phô trương sức mạnh, “răn đe” Triều Tiên.

Vấn đề vận tải và hậu cần cũng quan trọng. Việc điều động các vũ khí hạng nặng bằng hải quân và không quân là rất khó khăn đặc biệt đối với địa hình hiểm trở như bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính với các nguồn lực của mình, nếu xảy ra chiến tranh, Triều Tiên sẽ chỉ “trụ” được trong 2 đến 3 tháng.

“Cơ hội duy nhất để Triều Tiên chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào tùy thuộc vào việc nước này kết thúc cuộc chiến đó nhanh chóng ra sao”, giáo sư Sohn nhận xét.

Triều Tiên có thể sẽ dùng yếu tố con người để bù đắp cho sự thiếu thốn về vũ khí khí tài. Dân số của Triều Tiên là khoảng 25 triệu người và lực lượng dự bị cho quân đội nước này ước tính vào khoảng 7,7 triệu người.

Tên lửa và vũ khí hạt nhân

Triều Tiên tuyên bố rằng nước này cần chế tạo vũ khí hạt nhân để chống lại sự xâm lược của Mỹ. Bình Nhưỡng đã tiến hành thử hạt nhân 3 lần kể từ năm 2006 đến nay và lần mới nhất được thực hiện vào tháng 2 vừa qua.

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Theo chuyên gia về hạt nhân Siegfried Hecker, Triều Tiên được cho là có đủ plutonium làm giàu để chế tạo từ 4 tới 8 quả bom hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Hecker cho rằng Triều Tiên chưa nắm được công nghệ gài đầu đạn hạt nhân lên tên lửa.

“Tôi không cho là Triều Tiên đã có khả năng tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân gài trên đầu tên lửa và trong nhiều năm nữa họ sẽ chưa thể nắm được công nghệ này”, ông nhận định.

Chuyên gia Bruce Bennett cho rằng Triều Tiên chưa có khả năng tấn công Hoa Kỳ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tuy nhiên có “khả năng hợp lý” là Bình Nhưỡng đã có năng lực tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm ngắn.

Vũ khí hóa học và sinh học

Triều Tiên luôn phủ nhận rằng nước này chế tạo vũ khí hóa học và sinh học. Hàn Quốc thì cho rằng Bình Nhưỡng có tới 5.000 tấn vũ khí hóa học.

Học viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược (IISS) cho rằng các con số này “chỉ là phỏng đoán” nhưng thực sự thì Triều Tiên có vũ khí hóa học và sinh học.

“Dù cho năng lực vũ khí sinh học và hóa học của Triều Tiên là như thế nào, thì việc dư luận cho rằng nước này sở hữu, hoặc có thể sở hữu, vũ khí hóa học và sinh học sẽ giúp Bình Nhưỡng “tung hỏa mù” khiến Washington, Seoul và Tokyo bối rối và dùng để ngăn chặn hoặc đe dọa kẻ thù”, IISS viết trên trang web của mình.

Theo Tùng Lâm

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM