[Q&A] AEC - Cộng đồng Kinh tế ASEAN là gì, bạn biết chưa?

24/04/2015 16:04 PM |

Năm 2015 là năm bản lề cho việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean. Tuy nhiên, ở bình diện chung, những con số thống kê cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 76% doanh nghiệp không biết gì về AEC, 94% không hiểu rõ nội dung cam kết trong AEC, 63% không hiểu về những cơ hội và thách thức trong AEC. Trong khi đó, chúng ta chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp Asean, đặc biệt là Thái Lan, đã rất chủ động tiến vào nước ta thông qua cả mở rộng trực tiếp lẫn gián tiếp mua các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Vậy Cộng đồng kinh tế Asean là gì? Việt Nam sẽ có những cơ hội gì, cũng như phải đối mặt với thách thức nào khi Asean trở thành một cộng đồng kinh tế thống nhất?

Q: Cộng đồng kinh tế Asean là gì?

Cộng đồng kinh tế Asean là một khu vực kinh tế chung bao gồm các thành viên sau: Brunei, Cam-pu-chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. AEC là một trụ cột nằm trong Cộng đồng chung Asean. Ngày 7 tháng 10 năm 2003, tại Bali, Indonesia, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã kí kết Bản kế hoạch chiến lược nhằm hình thành và phát triển AEC. 

Mục tiêu của chiến lược là hình thành 1 thị trường chung của các nước thành viên trong đó có 5 cấu phần quan trọng: tự do di chuyển hàng hóa, tự do cung cấp dịch vụ, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn, tự do di chuyển lao động có kĩ năng.

Rõ ràng, đây là một tầm nhìn hoàn toàn khác so với các hiệp định thương mại thuần túy của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới. AEC tương tự như một quốc gia chung của các công dân Asean.

Q: Hàng hóa được trao đổi tự do trong AEC gồm những gì và có những thuận lợi, khó khan nào?

AEC là một thị trường chung đồng nghĩa với một thị trường với sức mua và sức sản xuất của 600 triệu người, sản lượng hàng năm 2000 tỷ đô la Mỹ. Vì thế, tiềm năng là rất lớn. Có hai mặt của vấn đề cạnh tranh và hợp tác. Các quốc gia thành viên sẽ có chung một thị trường và cạnh tranh cao trong nội khối nhưng ở góc độ là một khối kinh tế chung thì AEC sẽ hợp tác để tạo thành một sức mạnh chung. Thậm chí, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia nhận định: “ASEAN hiện tăng trưởng 5% mỗi năm trong khi châu Âu tăng trưởng chưa đến 2%, chúng ta có thể đuổi kịp châu Âu. AEC sẽ vượt EU trong thập kỉ tới."

Thuế nhập khẩu sẽ bị xóa bỏ nhằm thúc đầy tự do thương mại. Các rào cản phi thuế quan như hạn ngạch, điều tiết giá, kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch... cũng sẽ bị xóa bỏ theo lộ trình phù hợp với từng quốc gia.

Với 4 quốc gia (CLMV) Cambodia, Lao, Myanmar, Việt Nam thì yêu cầu xóa bỏ hàng rào phi thuế quan là năm 2018. Các quy trình về hải quan cũng như hệ thống quản lý cũng được các nước thống nhất và trao đổi thông tin nhằm tạo ra sự dễ dàng hơn trong lưu chuyển hàng hóa.

Sáng kiến 1 cửa sổ Asean (Asean single Window) nhằm tạo ra một cổng thông tin, trao đổi dữ liệu đầu đủ và thống nhất giữa các nước thành viên. Việc này cũng thúc đấy sự hoàn thiện của hệ thống công nghệ thông tin viễn thông của khu vực.

Q: Nhóm CLMV trong AEC là gì?

Nhóm CLMV bao gồm 4 quốc gia Cambodia, Lao, Myanmar, Việt Nam trong AEC. Lý do AEC quyết định đưa ra ý tưởng hình thành nhóm vì các quốc gia trên có trình độ kinh tế kém phát triển hơn so với các quốc gia còn lại trong Asean. Chính vì thế, AEC sẽ có những ưu tiên nhất định về lộ trình hội nhập cũng như có các hỗ trợ khác để giúp CLMV dễ dàng hòa nhập với cộng đồng chung AEC.

Q: Các dịch vụ được cung cấp tự do tạo ra cơ hội gì?

Các ngành dịch vụ sẽ có một thị trường rộng lớn và không hạn chế. Ngành hàng không, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, du lịch sẽ được tự do hóa. Điều quan trọng là cơ chế tài chính cho phép các nhà đầu tư trong khối AEC được quyền sở hữu ngày càng nhiều cổ phần hơn trong các doanh nghiệp nước ngoài thuộc khối dịch vụ. AEC yêu cầu tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép tăng từ 51% năm 2008 đến 70% vào năm 2015. Các nhà đầu tư sẽ có cơ hội nắm quyền kiểm soát nhiều hơn và thúc đẩy sự phát triển.

Q: Nhà đầu tư sẽ có thuận lợi gì sau năm 2015?

AEC sau năm 2015 sẽ cho phép tự do đầu tư giữa các thành viên. Các hành động phân biệt đối xử sẽ giảm, thủ tục quy trình xin phép và cấp phép sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Vốn sẽ được tự do di chuyển trong khối AEC nhưng cũng cần cân nhắc tới các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Q: Người lao động muốn làm việc tại các nước trong AEC có được không?

Được. Nếu bạn là lao động có kĩ năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của mỗi quốc gia, bạn có quyền được dễ dàng nhận làm việc và cấp quyền cư trú dài hạn. Tuy nhiên, AEC khuyến khích nhiều đến giao lưu trao đôi du học sinh giữa các quốc gia và đây là nguồn lao động tương lai sẽ được ưu tiên.

Q: Đi lại giữa AEC có thuận tiện không?

Phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu trong AEC. Hai dự án có thể kể đến là đường sắt Singapre – Kunming, và mạng lưới đường tao tốc Asean (AHN). Việc các nước Asean tham gia vào thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng là nhằm tìm kiếm các nguồn lực lớn hơn ngoài khối để tăng tốc độ hoàn thành các dự án. Giao thông đa phương tiện là huyết mạch thúc đẩy mọi sự hòa hợp khác của Asean.

Q: Lĩnh vực tài chính có được tự do hóa không? Việt Nam tham gia thế nào?

Tự do hóa lĩnh vực tài chính là ưu tiên không kém gì cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do hiện tại trình độ phát triển tài chính ở mỗi quốc gia khác nhau, với các đồng tiền khác nhau nên AEC hiện tại cho phép các nước tham gia với sự lựa chọn.

Cụ thể:

Vào năm 2015, Việt Nam tham gia tự do trong lĩnh vực Bảo hiểm phi nhân thọ gián tiếp, tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, và các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam chấp nhận tự do các dịch vụ gửi tiền, cho vay các hình thức, tự do các phương tiện hinh thức thanh toán, bảo lãnh.

Tuy nhiên, trong thị trường vốn, Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực như: quản lý tài khoản đầu tư của khách, quản lý tài sản, bảo lãnh thanh toán với tài sản tài chính. Việt Nam cũng chưa sẵn lòng tham gia vào việc cung cấp và trao đổi các thông tin, dữ liệu tài chính và các phầm mềm xử lý.

Nhưng trong lĩnh vực tư vấn tài chính, trung gian tài chính và các dịch vụ liên quan thì Việt Nam muốn tham gia.

>> [Q&A] TPP - Hiểu về cuộc chơi mà Việt Nam sẽ tham gia

Minh Thanh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM