Ông lớn ngoại mua doanh nghiệp Việt là để "cùng phát triển"

26/01/2015 09:33 AM |

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, những thương vụ M&A như các tập đoàn của Thái Lan mua Metro, Nguyễn Kim, hay 1 tập đoàn Thái Lan sẽ chi 2 tỷ USD mua Sabeco... đều là các trường hợp “mua để cùng phát triển”.

Trước thềm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập chính thức vào cuối năm nay, các tập đoàn Thái Lan đang tăng tốc thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong ngành bán lẻ.

Tháng 8/2014, 19 siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam được Tập đoàn Metro Đức bán lại cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 879 triệu USD. Sau thương vụ thâu tóm này, BJC tiếp tục ‘đại náo’ thị trường Việt Nam khi chi 2.000 tỷ mua cổ phần CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và dự định chi tới 2 tỷ USD để mua lại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Đầu năm 2015, Tập đoàn Central, cũng của Thái Lan, đã thâm nhập vào Việt Nam với chuỗi siêu thị Robinson, thông báo đã mua 49% cổ phần của siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Tăng tốc mua doanh nghiệp Việt: Vì Việt Nam có những thương hiệu đáng quan tâm

Tại Tọa đàm “Hóa giải thách thức từ AEC”, đại diện của một công ty thương mại tại Hà Nội cũng cho biết, một tập đoàn của Indonesia đang có tham vọng chi 80 triệu USD để mua 80 - 100% cổ phần của 1 hãng thực phẩm của Việt Nam.

Nhìn nhận việc này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: “Trong thương vụ Metro, ai là chủ thì mấy chục siêu thị Metro vẫn ở Việt Nam, cũng như ai mua Sabeco thì cuối cùng sản phẩm của Sabeco vẫn là Sabeco. Nếu như nó (doanh nghiệp bị mua – PV) vẫn ở Việt Nam, thậm chí ở nước khác trên thế giới thì chúng ta càng tự hào. Vấn đề là ở chỗ, trong quá trình mua doanh nghiệp, có đối tác mua doanh nghiệp cạnh tranh để cùng nhau phát triển. Có đối tác mua để dẹp bỏ 1 đối thủ đang tồn tại”.

Trong các trường hợp nêu đây, tôi cho rằng đều là mua để cùng phát triển. Thông qua đó, đem vào nguồn vốn mới, sự quản lý mới và những giải pháp tốt hơn những cái cũ. Đây không phải là 1 hiện tượng tiêu cực trong quá trình chúng ta hội nhập”.

Mặt khác, Thứ trưởng Tú cũng nhìn nhận một cách tích cực rằng, đất nước chúng ta luật pháp có ổn định, kinh tế có vững, có cơ hội kinh doanh... thì doanh nghiệp nước ngoài mới mang vốn vào.

“Người ta bỏ vốn vào đâu? Người ta bỏ vốn vào những doanh nghiệp có tiếng tăm, có thương hiệu, làm ăn có hiệu quả, có cơ hội phát triển ở tương lai, không chỉ phát triển hàng hóa của mình, mà còn phát triển ở mức có thể vươn ra thế giới, phát triển thành công ở các chuỗi... Những doanh nghiệp đó người ta mới mua. Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta có những thương hiệu mà người ta thấy đáng quan tâm” – Thứ trưởng nói.

Đừng trông chờ Nhà nước cho tiền

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài chuẩn bị rất tốt cả về nguồn vốn để mua các doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp Việt Nam thì nguồn lực mong manh, yếu, làm loanh quanh với nhau. Trước nỗi lo này, Thứ trưởng Tú khẳng định: “Chúng ta không thể sốt ruột. Đất nước chúng ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Quy luật cuộc sống là: Một đứa trẻ 3 tháng biết lẫy, 6 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi. Có điều chúng ta phải nhanh hơn người ta, 2 tháng phải biết lẫy, 5 tháng phải biết bò... và chúng ta phải lớn nhanh. Chúng ta đã làm được điều đó”.

“Ở đây, tôi nghĩ là sự lớn mạnh đó đương nhiên không thể thoát khỏi được, nhưng đừng trông chờ vào việc Nhà nước cho tiền. Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta phát triển, bằng cách hỗ trợ về mặt đào tạo về nhân lực, quản lý, kinh doanh; hỗ trợ bằng cách xúc tiến quảng bá hàng hóa...”

Ở góc độ chuyên gia, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội – nhìn nhận, khi hội nhập AEC, trình độ cũng như thị trường, quan niệm về tiêu dùng rất giống nhau, chắc chắn doanh nghiệp của các nước phát triển hơn Việt Nam sẽ tràn vào.

“Làm sao để có chỗ đứng, có thể tồn tại và phát triển trên thị trường Việt Nam? Chúng ta trở thành đối tác hay đối thủ?... Tham gia thị trường ngách chính là cách để doanh nghiệp Việt Nam không cần đối đầu trực diện với doanh nghiệp nước ngoài. Đấy cũng là phương thức dành chỗ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, để thâm nhập vào ASEAN, cách tốt nhất là làm tốt trên sân nhà mình. Làm tốt việc phục vụ cho thị trường Việt Nam là một phần bước đầu để tăng năng lực, trình độ quản lý và tăng sức cạnh tranh. Đấy là cơ sở để chúng ta đi vào thị trường lớn hơn” – PGS.TS Sơn nói.

>> Thứ trưởng Bộ Công thương: Việt Nam không thua kém Thái Lan bao nhiêu...

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM