Nước Đức, hãy thôi mơ mộng!

10/12/2015 09:47 AM |

Nền kinh tế Đức từng rất thành công khiến nhiều quốc gia khác phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, niềm tin dễ biến thành sự ngạo mạn khi các chính trị gia hàng đầu của Đức tự phong cho đất nước mình là “siêu sao”.

CafeBiz xin gửi tới độc giả chùm bài "Thế giới sẽ ra sao trong năm 2016" trích từ báo cáo đặc biệt của tờ The Economist. Bài đầu tiên này là bài viết nhận định về tương lai khó khăn phía trước của Đức - một trong những nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới.


Đức không chỉ nổi tiếng là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với những công ty hàng đầu tư BMW hay Siemens. Họ còn tự hào có gần 1.300 doanh nghiệp vừa và nhỏ được biết đến với cái tên Mittelstand khuynh đảo thế giới.

Những công ty này thống trị ở mọi ngõ ngách trên toàn cầu như các thương hiệu giường bệnh viện Tente hay lò nướng Rational.

Nước Đức cũng thực sự “tỏa sáng” hơn phần còn lại tại châu Âu: Tỷ lệ thất nghiệp của Đức giảm từ 11,7% năm 2005 xuống còn 6,7% vào năm 2014. Họ cũng chứng kiến sự cân bằng hơn so với những người anh em tại châu Âu. Anh là một ví dụ, nền kinh tế nước này tập trung chủ yếu ở London và bị thống trị bởi ngành công nghiệp dịch vụ tài chính.

Thành công kể trên của Đức khiến nhiều quốc gia khác phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, niềm tin dễ biến thành sự ngạo mạn khi các chính trị gia hàng đầu của Đức tự phong cho đất nước mình là “siêu sao”.

Trong năm 2016, nước Đức có lẽ sẽ buộc phải trở về với thực tại và bớt mơ mộng. Nguồn cơn bắt đầu vào năm 2015 khi cả nước Đức chấn động với thông tin Volkswagen - công ty lớn nhất của Đức và nhà sản xuất ô tô lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Toyota) đã sử dụng phần mềm thông minh để làm sai lệch con số thực tế về lượng khí thải tiêu chuẩn.

Vấn đề sẽ đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2016 bởi các luật sư Mỹ vốn nổi tiếng với “tài” biến các vụ khủng hoảng thành những thảm hoạ thật sự.

Cũng chính từ vụ việc này, nhiều người tỏ ra lo ngại về mô hình thành công điển hình của Đức. Cụ thể, bê bối khí thải chỉ ra 2 vấn đề về cấu trúc với Volkwagen: Hệ thống quản trị doanh nghiệp và văn hoá tập đoàn.

Công ty này hiện đang bị kiểm soát bởi hàng loạt phe cánh: Gia đình Porshce và Piech, hiệp hội thương mại và chính quyền Lower Saxony. Những bè phái này thường âm ỉ tranh đấu với nhau. Trong khi đó nội bộ công ty lại bị thống trị bởi những kỹ sư xem thường vấn đề môi trường.

Volkswagen là ví dụ điển hình của những vấn đề tổng quát. Chính sách đồng quyết định khiến Hiệp hội thương mại có quyền lực tối cao nhất trong hội đồng quản trị. Chính sách về đào tạo nghề và nhân viên toàn thời gian có nghĩa là các nhà quản lý có xu hướng "cùng một ruột với nhau".

Khi mọi việc diễn ra ổn thỏa, tất cả những đặc điểm kể trên đều phát huy tác dụng. Đồng quyết định được xem là chính sách mang mại sự hài hòa về mặt xã hội. Nhưng nó cũng dễ dàng trở thành sự thông đồng và tự mãn, làm nảy sinh những thử thách khó khăn.

Các công ty của Đức từng thành công trong việc nắm bắt cơ hội khi chính quyền Xô Viết sụp đổ, mở rộng tới Đông Âu và Nga, cung cấp công cụ máy móc cho các nhà máy tại Trung Quốc hay xe ô tô xa xỉ cho các lãnh đạo tại đây. Tuy nhiên thời điểm hiện tại Nga hiện đang rơi vào khủng hoảng và tốc độ phát triển của Trung Quốc thì chậm lại.

Tình trạng suy giảm xuất khẩu sẽ buộc ngành công nghiệp của Đức đối mặt với một vài vấn đề nghiêm trọng. Giá năng lượng của họ đang cao hơn 27% so với các nước châu Âu khác và thậm chí cao hơn gấp đôi so với Mỹ.

Đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất tại châu Âu và tuổi trung bình cao nhất là 45. Họ đưa ra dự đoán rằng sẽ mất khoảng 1 triệu kỹ sư, nhà toán học, chuyên gia máy tính và nhà hoa học cho tới cuối thập kỷ này khi thế hệ sinh ra sau chiến tranh thứ 2 về hưu và để lại sự thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng nghiêm trọng.

Cuối cùng, Đức cũng yếu kém trong việc thu hút những công nhân chất lượng cao và không trường đại học nào của họ hấp dẫn học sinh nước ngoài tốt như Anh và Thuỵ Điển.

Một số người tranh luận rằng bằng việc sẵn sàng chấp nhận hàng trăm nghìn người di cư từ Trung Đông, vấn đề kể trên sẽ được giải quyết phần nào. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo những người di cư này có được những kỹ năng cần thiết. Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức trong việc học nghề rất khó để lớn thu hút được một lượng lớn người nhập cư một cách nhanh chóng.

Vậy giải pháp là gì?

Dĩ nhiên Đức vẫn có rất nhiều điểm mạnh và khả năng chống đỡ với những thay đổi. Những công ty tốt nhất của họ vẫn miệt mài cải tiến. Sennheiser - công ty sản xuất tai nghe và microphone đã được chuyển giao cho một thế hệ mới gồm Andreas và Daniel – những người nhấn mạnh tới tầm quan trọng của “toàn cầu hoá trong tất cả mọi sản phẩm làm ra”.

Tuy nhiên, tầng lớp chính trị tại Đức dường như đang ngủ quên trên chiến thắng kể từ sau cải cách thị trường lao động diễn ra vào năm 2003.

Trong khi tinh thần cải cách của thủ tướng Angela Merkel lại đảo ngược hoàn toàn, bằng việc công bố mức lương tối thiểu và tăng lương hưu. Các tập đoàn của Đức cũng đã dần quen với việc mở rộng nhu cầu từ Trung Quốc.

Nhìn chung trong năm 2016, Đức sẽ phải quyết định xem liệu họ vẫn có đủ tiềm lực cần thiết để nhận ra các vấn đề nội tại và tái khởi động lại mô hình thành công như họ đã làm được trong năm 2003 hay không?

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM