Nửa cuối năm 2015, nhóm ngành nào sẽ khởi sắc?

07/05/2015 13:37 PM |

Trong báo cáo Cơ hội đầu tư tháng 05/2015 của mình, Công ty chứng khoán Rồng Việt có đưa ra những phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm, diễn biến thị trường chứng khoán và triển vọng đầu tư vào các nhóm ngành được cho là có nhiều tiềm năng trong thời gian còn lại của năm 2015.

Nội dung nổi bật:

- Khu vực sản xuất công nghiệp và bán lẻ có nhiều dấu hiệu tích cực.

- Diễn biến chung của thị trường vẫn là thanh khoản yếu, giá cổ phiếu không có nhiều biến động. Đây là thời điểm thích hợp để tích lũy những cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao.

- Các chính sách của Nhà nước, các hiệp định thương mại đã và sắp sửa được ký kết hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển.

- Những ngành như dệt may, thủy sản, bất động sản, xây dựng, kho vận và VLXD có triển vọng khả quan từ giờ tới cuối năm.


Kinh tế vĩ mô từ đầu năm, bức tranh sáng tối đan xen

Về tình hình kinh tế vĩ mô, báo cáo nhận định khu vực sản xuất công nghiệp có nhiều dấu hiệu tích cực, chỉ số SXCN tăng 9,51% so với mức tăng cùng kỳ năm 2014, trong đó đóng góp chủ yếu tới từ các doanh nghiệp FDI.

Dịch vụ bán lẻ cũng có bước tăng trưởng khả quan khi tính chung 4 tháng đầu năm, hoạt động bán lẻ ghi nhận mức tăng 8%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước là 6%. Báo cáo cũng dẫn kết quả điều tra của ANZ theo đó chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục ghi nhận có bước tăng trưởng khả quan.

Bên cạnh những điểm sáng thì báo cáo cũng đưa ra quan ngại về ngân sách nhà nước. Cụ thể, giá dầu thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu NSNN, lũy kế 4 tháng bội chi NSNN đạt 21,5 % dự toán cả năm. Bộ Tài Chính đang phải đối mặt với thách thức huy động vốn hỗ trợ NSNN.

Cán cân thương mại bị thâm hụt là vấn đề tiếp theo được đưa ra. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu hơn 3 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu thấp, nhập khẩu tăng cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong bức tranh xuất nhập khẩu, khối doanh nghiệp FDI vẫn là điểm sáng khi đảm bảo được mức thặng dư 1,9 tỷ USD.

Câu chuyện tăng trưởng tín dụng và nợ xấu cũng được Báo cáo này đề cập đến. Theo đó, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đã tăng tính đến cuối tháng 1/2015 chiếm 3,49% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 3,25% của tháng 12/2014. Với mục tiêu của NHNN đưa nợ xấu xuống dưới mức 3% tổng dư nợ trong năm nay, nghị định 34 ban hành mới đây đã cấp thêm quyền cho VAMC trong công cuộc xử lý nợ xấu.

Với những biện pháp như tăng vốn điều lệ, được cho phép phát hành Trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu theo giá thị trường, được nới thời gian trích lập dự phòng, VAMC được kỳ vọng sẽ giải quyết được một lượng lớn hơn nữa nợ xấu khi tính đến hết tháng 03/2015, VAMC mới chỉ giải quyết được hơn 6.200 tỷ đồng, so với con số 129.000 tỷ đồng đã mua.

Cơ hội mua chứng khoán khi thị trường điều chỉnh

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, diễn biến chung của thị trường vẫn là thanh khoản yếu, giá cổ phiếu không có nhiều biến động, trong tháng 4 chỉ số VNIndex gần như đi ngang. Nhận định của VDSC cho rằng đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao, nhằm đón đầu xu hướng cải thiện KQKD của các doanh nghiệp này.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là trong tuần đầu tháng 5, thị trường có những rung lắc mạnh và khối ngoại đã quay trở lại mua ròng. Điều này cho thấy tâm lý chung của những nhà đầu tư có tiền là sẵn sàng mua với khẩu hiệu “Phải mua rẻ”.

Nhìn về nửa sau năm 2015

Dự thảo nghị định 54 sửa đổi mới đây được Bộ Tư Pháp thông qua khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tạo ra sự khởi sắc của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường yếu, Chính phủ đang chịu áp lực cổ phần hóa một số lượng lớn các DNNN và trong mắt NĐTNN, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị giá thấp.

Giữa tháng Tư, Ủy ban Tài chính thượng viện và Ủy ban Chính sách và Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ đã trao quyền đàm phán nhanh (TPA) cho Tổng thống Obama. Điều này cho thấy những nút thắt cuối cùng với hiệp định TPP đang dần được mở ra.

Trong tuần đầu tháng 5, Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc – Việt Nam cũng chính thức được ký kết. Sự kiện này mở ra triển vọng tăng trưởng trao đổi thương mại giữa hai nước khi hiện nay Hàn Quốc đang là thị trường tiêu thụ quan trọng với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông sản.

Những nhóm ngành nhiều tiềm năng

VDSC đánh giá những ngành như dệt may, thủy sản, bất động sản, xây dựng, kho vận và VLXD có triển vọng khả quan từ giờ tới cuối năm. Trong báo cáo tổng hợp về xu hướng SXKD ngành công nghiệp chế tạo quý 1/2015 của TCTK, ngành dệt may được đánh giá cao nhất, với điểm số cao ở hầu hết các yếu tố đánh giá, trừ chi phí sản xuất.

Dệt may là ngành có triển vọng tiêu thụ quý 2 khá lạc quan với 61,7% doanh nghiệp khảo sát kỳ vọng sự gia tăng về đơn hàng (đứng thứ 3 sau dược phẩm, thiết bị điện và sản phẩm chế biến chế tạo khác). Đồng thời, giá bán cũng được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng trong quý 2. Trong bối cảnh VKFTA đã được ký kết và TPP đang có chuyển động tích cực, triển vọng ngành dệt may trong các quý tới là rất lạc quan.

>> Thái Lan "để mắt" tới dệt may Việt Nam

Sơn Đức

BIZ Đức Sơn

Cùng chuyên mục
XEM