Những rào cản đối với doanh nghiệp Việt khi 'đem chuông đi đánh xứ người'

13/05/2015 16:12 PM |

các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các rào cản từ cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp.

Nội dung nổi bật: PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai đã chỉ ra những thách thức các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải khi đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

- Rào cản bên trong: Thiếu thông tin nên không thể nghiên cứu thị trường, danh tiếng công ty còn yếu, thiếu vốn và nhân lực.

- Rào cản bên ngoài: Thiếu kết dính giữa các doanh nghiệp, thiếu hỗ trợ quảng bá từ cơ quan đại diện chính phủ và rào cản về ngôn ngữ - văn hóa.


Hội thảo khoa học quốc tế chuyển đổi “Chuyển đổi kinh tế và Quản trị quốc tế” lần thứ 5 do Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG) phối hợp với Hiệp hội Pháp ngữ về Quản lý quốc tế (Atlas AFMI) tổ chức. Sự kiện hàng năm lần này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 học giả, đại diện một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu, và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo tham luận của PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, số doanh nghiệp Việt Nam có dự án đầu tư ở nước ngoài đã tăng đáng kể từ năm 1989. Từ 1 dự án đầu tư duy nhất ở Nhật Bản vào năm 1989, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 900 dự án đầu tư ở nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ USD. Thành phần sở hữu trong số những dự án này phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân chiếm 76% số dự án, các doanh nghiệp nhà nước chiếm 11,5% và 12,5% thuộc về các nhà đầu tư cá nhân.

Trong số những nhà đầu tư này có những cái tên rất quen thuộc như Viettel, Petro Vietnam, Vinamilk, HAGL hay tập đoàn Hoasen. Những dự án được đầu tư nhiều nhất ở nước ngoài chủ yếu thuộc các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, viễn thông, trồng cao su, dịch vụ ngân hàng. Những thị trường được đầu tư chủ yếu là Campuchia, Lào, Myanmar, Singapore, Nga, Mỹ, Nhật Bản.

Đáng chú ý trong phần tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai đưa ra những thách thức các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt khi đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các rào cản từ cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp.

Rào cản từ bên trong

Theo báo cáo, các doanh nghiệp Việt Nam có dự án ở nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường do thiếu thông tin về thị trường. Bản thân các doanh nghiệp này cũng rất thiếu những hiểu biết cơ bản về thị trường nước sở tại và gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thị trường.

Danh tiếng của công ty cũng là một rào cản cho các công ty Việt Nam. Đa phần các công ty Việt Nam ở nước ngoài thường ít có danh tiếng so với các đối thủ cạnh tranh và sản phẩm của các công ty này cũng vậy.

Một khó khăn khác của các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài là sự khan hiếm nguồn vốn. Các dự án này không chỉ gặp khó trong việc tìm nguồn tài trợ để hoạt động, các công ty Việt Nam cũng thiếu vốn để thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, một việc hết sức quan trọng để kinh doanh được ở môi trường mới.

Rào cản nội tại thứ tư mà TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai nhắc tới là nguồn nhân lực. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong tìm kiếm những nhân sự đủ kỹ năng, kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế.

Khó ngăn từ môi trường kinh doanh

Các công ty Việt Nam khi ra nước ngoài thường phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt trong các lĩnh vực họ tham gia. Với sức cạnh tranh còn hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam ở cùng thị trường cần có sự hợp tác với nhau để hỗ trợ cùng phát triển. Tuy nhiên theo nghiên cứu, các doanh nghiệp này vẫn đang rất thiếu kết dính.

Kinh doanh ở nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp phải hiểu đối tượng khách hàng bản địa. Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ là rào cản lớn tới thành công của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó việc thiếu vắng những hỗ trợ và quảng bá của các cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam ở nước ngoài cùng với những quy định riêng ở các thị trường nước ngoài cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm với TS Mai, một đại diện doanh nghiệp cũng cho biết cho biết khó khăn đầu tiên với doanh nghiệp này ở thị trường nước ngoài là thiếu thông tin về thị trường và hệ thống pháp lý. Công ty đã phải dành ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu về những vấn đề này.

Khó khăn thứ hai công ty gặp phải là nguồn nhân lực, cả những nhân lực công ty đưa từ Việt Nam sang làm việc và những nhân lực bản địa.

Để giải quyết vấn đề này, mỗi nhân viên trong nước của công ty phải có tối thiểu 3-5 năm kinh nghiệm để ra nước ngoài làm việc. Đối với những nhân viên bản địa, công ty đưa họ đến Việt Nam làm việc và học tập. Trước hết công ty đào tạo họ trong những trung tâm của công ty, sau đó đưa họ đến làm việc tại các dự án của công ty ở Việt Nam. Công ty chú trọng đào tạo cho các nhân viên này về văn hóa minh bạch của công ty.

>>CEO Viettel Global: để cạnh tranh được, chúng tôi phải khác biệt

Sơn Đức

BIZ Đức Sơn

Cùng chuyên mục
XEM