Những luật được Quốc hội thông qua năm 2015

07/12/2015 21:27 PM |

Trong năm 2015 vừa qua Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều Luật và Nghị quyết quan trọng. Khi có hiệu lực, đây sẽ là những văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến mọi người dân Việt Nam.

Sau đây, Ezlaw xin giới thiệu những Luật và Nghị quyết đáng lưu ý nhất đã được Quốc hội thông qua năm 2015.

Chiều 19/6, Quốc hội thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Theo đó, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Ngoài ra, từ năm 2016 trở đi, chỉ có 1 đợt gọi nhập ngũ là tháng 02 hoặc tháng 03 (thay vì 2 đợt như hiện nay). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016

Quốc hội đã thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) vào sáng 25/6. Theo đó, Ngân sách được thực hiện công khai. Việc công khai NSNN được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức trong đó việc đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Luật có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017

Chiều 22/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.

Theo Nghị quyết này, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.

Đây là phản ứng của Quốc hội sau sự kiện cuối tháng 3, hàng nghìn công nhân ở TP HCM, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã ngừng việc tập thể phản đối điều 60 Luật bảo hiêm xã hội 2014. Họ không muốn chờ đến tuổi nghỉ hưu mà muốn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau nghỉ nghỉ việc.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, có thể duy trì đến 2020.

Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 24/11 đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Luật đã quy định theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan". Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Sáng ngày 27/11/2015, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tại lần sửa đổi này, Bộ luật hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ.

Ngoài ra, bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội danh. Cụ thể là: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch.

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới cũng đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Luật phí, lệ phí đã được Quốc hội khóa thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá, trong đó có học phí và viện phí. Lưu ý rằng có một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước sẽ vẫn được quản lý giá.

Chiều 25/11, Luật tạm giữ, tạm giam vừa được thông qua sẽ có quy định tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một Phó Tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách. Ngoài ra, Luật này cũng đảm bảo các quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Theo Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua chiều nay 25/11, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Theo luật, cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu mới hợp lệ. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.

Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Sáng 27-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý của Bộ luật Tố tụng hình sự là bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Ngoài ra, Luật cũng sẽ bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận người bào chữa và thay bằng thủ tục đăng ký bào chữa, hay cho phép áp dụng các biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử…để điều tra tham nhũng, khủng bố.

Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

Cùng chuyên mục
XEM