Những điều cần biết về Hanergy - công ty mất 19 tỷ USD trong 24 phút

21/06/2015 21:30 PM |

Đã gần 1 tháng kể từ khi cổ phiếu của công ty Hanergy (hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời - Trung Quốc) phải ngừng giao dịch. Cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về thời điểm cổ phiếu này được giao dịch trở lại.

Tất cả phụ thuộc vào Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) – cơ quan hôm 28/5 vừa qua đã đưa ra một thông báo hiếm hoi về cuộc điều tra vẫn đang diễn ra về các mối quan hệ của Hanergy.

Kể từ đó đến nay, công ty sản xuất thiết bị được sử dụng để làm nền các tấm hấp thu năng lượng mặt trời vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về lý do cổ phiếu của Hanergy phải ngừng giao dịch.

Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời về phạm vi cũng như những thách thức của SFC trong cuộc điều tra này.

1) Cuộc điều tra sẽ kéo dài trong bao lâu?

Mặc dù trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3 vừa qua, 70% số vụ điều tra của SFC được hoàn thành trong vòng 7 tháng, một số vụ đặc biệt bị kéo dài.

Một trong những cuộc điều tra về hành động sai trái trên thị trường phức tạp nhất của SFC liên quan đến công ty công nghệ Greencool. Cổ phiếu này bị ngừng giao dịch vào tháng 8/2005 và chỉ được niêm yết trở lại 2 năm sau đó. Cuộc điều tra hướng tới cựu Chủ tịch Gu Chujun và 9 lãnh đạo cấp cao khác chỉ bắt đầu từ tháng 6/2014. Họ bị cáo buộc không công bố thông tin tài chính chính xác.

2) Phạm vi cuộc điều tra của SFC tới đâu?

Các nhà điều tra có thể “soi” 5 lĩnh vực mà SFC có thẩm quyền điều tra: thao túng cổ phiếu, giao dịch nội gián, môi giới sai quy định, điều hành doanh nghiệp kém hiệu quả và kinh doanh trái phép. SFC đã từ chối bình luận về trường hợp của Hanergy.

Tuy nhiên, hôm 25/3, Hanergy đưa ra thông báo bác bỏ khả năng Chủ tịch Li Hejun đã hành động sai quy định hoặc thao túng cổ phiếu.

3) Cổ phiếu Hanergy sẽ ngừng giao dịch trong bao lâu?

Vài tháng hoặc vài năm. Trong số 19 công ty đang bị SFC điều tra, 10 công ty đã phải ngừng giao dịch trong hơn 2 năm.

4) Hanergy đã đưa ra những thông tin nào kể từ khi phải ngừng giao dịch?

Công ty này đã đưa ra một số thông báo gửi tới sàn chứng khoán Hồng Kông, trong đó có thông báo hôm 5/6 khẳng định kế toán trưởng từ chức sau khi nhận nhiệm vụ chưa đến 6 tháng. Hanergy cũng hủy bỏ hợp đồng cung cấp dịch vụ và thiết bị cho khách hàng lớn nhất là tập đoàn mẹ. Hợp đồng này có giá trị 585 triệu USD.

Vài ngày sau khi cổ phiếu bị ngừng giao dịch, Chủ tịch của Hanergy phát biểu trên tờ Tân Hoa Xã rằng vụ điều tra chỉ là tin đồn, nhưng ngay sau đó SFC đã đưa ra thông báo về bài báo này.

5) Cổ phiếu Hanergy vẫn được giao dịch?

Kể từ ngày 20/5, hơn 26 tỷ cổ phiếu Hanergy đã được giao dịch giữa các công ty môi giới (theo số liệu của sàn Hồng Kông). Vẫn chưa có số liệu về tỷ lệ của giao dịch bán ra.

6) Liệu SFC có đóng băng tài sản của ai đó?

Nếu SFC tin rằng các lãnh đạo của Hanergy đã lừa dối nhà đầu tư bằng cách đưa ra các thông tin sai lệch, tài sản của các nhân vật chịu trách nhiệm sẽ bị đóng băng để tạo quỹ bảo vệ nhà đầu tư.

Trong một số vụ trước đây, SFC đã thực hiện đóng băng tài sản đối với các nhân vật phạm tội giao dịch nội gián và thao túng thị trường. Ví dụ, vào tháng 8/2009, Tòa án Tối cao Hồng Kông ra lệnh đóng băng tài sản trị giá 219 triệu USD của Huang Guangyu và vợ là Lisa Du Juan. Huang là người sáng lập công ty chuyên cung cấp thiết bị điện Gome. Ông này cũng lĩnh án 14 năm tù giam vì tội hối lộ và giao dịch nội gián.

7) Cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ vào cuộc?

Thách thức lớn nhất của SFC là công việc pháp lý liên quan đến việc nghiên cứu hàng trăm nghìn trang tài liệu theo dõi các giao dịch cổ phiếu Hanergy. Khó khăn càng tăng lên gấp bội khi Hanergy là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư đại lục giao dịch nhiều nhất. Vì thế SFC sẽ phải yêu cầu sự trợ giúp từ Ủy ban giám sát giao dịch chứng khoán Trung Quốc để tiếp cận dữ liệu.

8) Sẽ có ai đó bị bắt?

Chưa có lời buộc tội nào được đưa ra và cũng không thể loại trừ khả năng cuộc điều tra của SFC sẽ kết thúc mà không xuất hiện bất cứ bằng chứng nào. Đã có tiền lệ các cuộc điều tra của SFC kết thúc với kết quả ai đó bị buộc tội và phải ngồi tù. Năm 2009, Du Jun, cựu giám đốc điều hành của Morgan Stanley Asia, đã bị kết án tù 7 năm vì tội giao dịch nội gián.

Năm 2009, 4 người bị kết án tù từ 26 đến 30 tháng vì tội thao túng cổ phiếu của tập đoàn khách sạn Asia Standard.

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM