Những biến động kinh tế có thể xảy ra nếu nước Anh rời EU

23/02/2016 14:47 PM |

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) khép lại cuối tuần qua với việc Thủ tướng Anh David Cameron đạt được một gói cải cách có lợi cho nước Anh, mở đường cho “xứ xở sương mù” tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU vào ngày 23/6 tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu ông Cameron không “thuyết phục” được các cử tri ở lại EU, thị trường tài chính Anh sẽ phải đối mặt với một cú sốc và kinh tế nước này khó tránh khỏi kịch bản tăng trưởng chậm lại đáng kể.

Ngay tại thời điểm này, những thông đến việc nước Anh đi hay ở lại EU cũng đã làm các thị trường tài chính, tiền tệ của Anh biến động ít nhiều, trong đó dễ nhận thấy trước hết là tác động đối với đồng bảng Anh.

Đồng bảng Anh trong phiên giao dịch ngày 22/2 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009, ở mức 1 bảng đổi 1,4059 USD, sau khi Thị trưởng London, ông Boris Johnson tuyên bố ủng hộ nhóm vận động rời khỏi EU.

Theo nhà kinh tế David Page thuộc AXA Investment Managers, những bất ổn xung quanh việc liệu nước Anh có rời EU (còn gọi là “Brexit”) ước tính làm giá đồng bảng giảm tối thiểu 3,5%.

Nhà kinh tế này cho rằng đồng bảng Anh có thể tiếp tục rớt giá mạnh, tối thiểu 10%, nếu “Brexit” xảy ra. Với mức giảm 3% từ đầu năm 2016 đến nay, bảng Anh là đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt của thế giới.

Các thị trường cổ phiếu nhiều khả năng cũng sẽ rớt giá, trong bối cảnh tăng trưởng GDP yếu đi và điều kiện xuất khẩu khó khăn hơn có thể tác động bất lợi đến một số lĩnh vực như tài chính, xuất khẩu, bán lẻ và bất động sản.

Vào thời điểm dư luận tại Anh vẫn chia rẽ xung quanh vấn đề ủng hộ hay không việc Anh rời EU, các khách hàng mua trái phiếu trên toàn cầu, chủ yếu tại châu Á, châu Âu và Mỹ, đã bắt đầu e ngại về tác động của “Brexit” đối với các công ty và ngân hàng của Anh nói riêng và hệ thống ngân hàng châu Âu nói chung.

Nhà chiến lược tín dụng Zoso Davies thuộc ngân hàng Barclays (Anh) đánh giá “Brexit” là một nhân tố phức tạp đối với giới đầu tư, vào thời điểm họ đã đủ “mệt” vì những xáo động trên các thị trường tài chính toàn cầu từ đầu năm tới nay.

Theo số liệu của Dealogic, các ngân hàng châu Âu chẳng mấy “mặn mà” với việc phát hành trái phiếu. Từ đầu năm tới giữa tháng 2/2016, họ bán chưa đầy 45 tỷ USD trái phiếu, mức khởi đầu năm thấp nhất kể từ năm 2003.

Giới phân tích tại Anh lưu ý rằng việc Anh rời EU sẽ tác động bất lợi tới hoạt động kinh tế và đầu tư, gây khó khăn cho nỗ lực của chính phủ trong việc giảm thâm hụt ngân sách, trong khi người dân “xứ sở sương mù” khó lòng duy trì mức chi tiêu hiện nay một khi chi phí nhập khẩu tăng.

AXA Investment Managers cho rằng nếu nguy cơ “Brexit” xảy ra, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, theo đó có thể hạ lãi suất xuống mức 0%, nhưng ít khả năng lãi suất sẽ bị đẩy xuống ngưỡng âm.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 22/2 đưa ra nhận định rằng thiệt hại về kinh tế từ việc Anh quyết định rời EU sẽ lớn hơn những lợi ích kinh tế mà nó đem lại.

Nếu Anh không đàm phán được một thỏa thuận thương mại với EU nhằm ít nhất cũng giữ lại được một số lợi ích thương mại, xuất khẩu của Anh sẽ chịu tổn thất và nếu để tình trạng này kéo dài, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư.

Đồng thời, Moody’s cho biết sẽ cân nhắc hạ mức đánh giá triển vọng tín nhiệm của Anh xuống mức tiêu cực nếu nước này bỏ phiếu rời khỏi EU.

Theo Như Mai

Cùng chuyên mục
XEM