Nhiều doanh nghiệp sẽ giàu to từ thông tư mới này

08/01/2016 17:24 PM |

Ngay sau khi Bộ Công an ban hành quy định từ ngày 6/1/2016, các loại xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên đều phải trang bị một bình cứu hoả để phòng trường hợp cháy, nổ, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã được dịp "thổi giá" bình cứu hỏa lên trời.

Bộ Công an vừa ra thông tư mới, theo đó, từ ngày 6/1/2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Ngay sau khi thông tư có hiệu lực, nhiều người sở hữu ô tô tá hỏa đi tìm mua bình cứu hỏa mi ni để trang bị cho ô tô của mình. Lợi dụng tậm lý này, nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động, đồ chuyên dụng đã thổi phồng giá nhằm trục lợi.

Thậm chí, nhiều cửa hàng còn treo biển thông báo hết hàng.

Khảo sát của PV cho thấy, tại đường Láng, Đê La Thành, Lê Duẩn, các phố chuyên bán hàng bảo hộ lao động, đồ chuyên dụng, các loại bình cứu hoả được trưng bày gọn gàng và ngăn nắp trên kệ, sao cho người mua dễ nhìn thấy nhất.

Và hầu hết các đại lý bán bình cứu hỏa đều tăng giá gấp 2 - 3 lần so với giá trước đây.

Cụ thể, nếu như trước khi có quy định này, giá bình 2kg chỉ khoảng từ 70.000 đồng - 100.000 đồng thì nay các chủ cửa hàng hét lên đến 250.000 đồng - 350.000 đồng. Riêng loại bình mi ni trước đây 150.000 đồng thì nay lên 400.000- 500.000 đồng/bình.

Loại bình cứu hỏa 2kg, giá bán từ 270.000 đến 350.000 đồng/bình, loại bình mini có giá 350.000 đến 460.000 đồng/bình.

Đang loay hoay lựa chọn mua bình cứu hỏa mini cho chiếc ô tô của mình, chị Mai Phương (Bà Triệu, Hoàn Kiếm) cho hay, mặc dù không đồng tình với quy định mới của Bộ Công An nhưng chị vẫn phải mua vì sợ bị phạt và không còn lựa chọn nào khác.

"Giá có đắt hơn thì cũng đành chịu. Mua bán bây giờ phải chạy theo thị trường, họ bán tăng thì mình chịu thiệt còn hơn là không mua được", chị Phương bức xúc nói.

Trong khi đó, khi được hỏi tại sao giá bán lại đắt gấp đôi, gấp ba ngày thường, chủ một cửa hàng trên chợ trời (phố Thịnh Yên, Hoàn Kiếm) nói: "Hàng bây giờ khan hiếm, còn không có mà bán đấy. Mỗi này chỉ nhập được vài ba bình, 500.000 đồng/bình có mà mua là tốt lắm rồi. Không mua thì thôi, người khác mua. Mấy hôm nữa giá có 1 triệu cũng không có hàng mà bán".

Tại một cửa hàng khác trên phố Lê Duẩn, chị Nguyễn Thị M. chủ cửa hàng chuyên bán đồ bảo hộ cho hay, trung bình hai ngày nay, mỗi ngày cửa hàng bán được 50 bình cháy mini, mỗi loại bán với giá 200.000 đồng - 400.000 đồng, tùy khách.

"Bình thường có ai mua đâu, hàng ế lắm nên tranh thủ mà bán, kiếm được chút nào hay chút đó thôi em ạ. Mỗi chiếc chị bán lời cũng được 200.000 - 300.000 đồng, ngày bán được nhiều, ngày bán được ít, chi phí các loại đi thì riêng mặt hàng bình cháy cũng thu về khoảng 15-16 triệu. Chưa kể thu từ các mặt hàng khác...", chủ cửa hàng này tiết lộ.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mặc dù các chủ cửa hàng đều cam đoan hàng nhập từ Anh, Ý nhưng tất cả đều không có tem kiểm định của các cơ quan chức năng.

Theo một cán bộ trong ngành phòng cháy chữa cháy, ngoài các cửa hàng được Sở Phòng cháy chữa cháy cho phép nhập bán thì cất cả các sản phẩm bình chữa cháy có quảng cáo xuất xứ từ Ý hay Anh trên thị trường không có tem thực chất là đều là do Trung Quốc sản xuất.


Nhiều cửa hàng được mùa hét giá bình cứu hỏa mi ni - Ảnh: T.M

Nhiều cửa hàng được mùa hét giá bình cứu hỏa mi ni - Ảnh: T.M

Về vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, quy định của Bộ Công an là tích cực giúp người sử dụng xe có ý thức bảo vệ và dập lửa nhanh chống cháy bùng phát.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, bình cứu hỏa có an toàn hay không? Nếu người tiêu dùng trang bị bình cứu hỏa không đạt tiêu chuẩn, lợi bất cập hại, không an toàn, gây cháy nổ trên xe.

Ông Hùng phân tích, thông thường, bình cứu hỏa thường đặt ở nơi tĩnh, ít sự cố nhưng khi để trên xe ô tô, chuyển động liên tục trên đường dễ nguy hiểm. Đặc biệt, nếu trẻ nhỏ ở trên xe dùng để chơi hay nghịch lại càng nguy hiểm hơn.

Bởi vậy nên, Bộ Công An có chủ trương thì phải có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng.

"Tôi nghĩ cái gì thế giới hay mình học tập, không phải thế giới không có thì mình không làm mà phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Bộ Công an có lý khi đưa ra quy định này. Nhưng điều quan trọng là thực thi quy định phải đi đôi với an toàn.

Bên cạnh đó, cũng không thể tránh trường hợp nhiều nhà cung cấp, bình cứu hỏa tràn lan, nhiều người chọn mua hàng rẻ kém chất lượng với mục đích đối phó. Nhưng đó là quyền lợi tiêu dùng, nếu người tiêu dùng làm như thế sẽ gặp nhiều phiền toái bởi nếu mua mang tính đối phó sẽ nguy hiểm", ông Hùng khuyến cáo.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM