Nhà nước nắm ít nhất 75% cổ phần của DNNN làm hạ tầng viễn thông

21/02/2014 09:48 AM |

Doanh nghiệp Nhà nước cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông là một trong những đối tượng doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa và để Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vừa được công bố tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN năm 2014 – 2015 diễn ra ở Hà Nội.

Theo dự thảo, có 7 ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, trong đó Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên, gồm: cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông; quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn, khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên,…

Nhóm ngành do Nhà nước nắm từ 75% tổng số cổ phần trở lên chủ yếu liên quan đến việc hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo thông tin vừa được ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Viễn thông chia sẻ tại Tọa đàm về tái cơ cấu thị trường Viễn thông Việt Nam diễn ra mới đây, thì theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đối tác doanh nghiệp nước ngoài có thể nắm giữ tới 49% cổ phần trong các doanh nghiệp hạ tầng được cổ phần hóa.

Thực tế đến nay ở Việt Nam, tính riêng trong lĩnh vực viễn thông vẫn chưa có doanh nghiệp Nhà nước nào triển khai cổ phần hóa.

Từ năm 2006, Chính phủ đã có chủ trương cổ phần hóa MobiFone nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan nên đến giờ, chủ trương này vẫn chưa trở thành hiện thực.

Theo Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam với trọng tâm là tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) mà Bộ TT&TT vừa trình Chính phủ, dự kiến MobiFone sẽ tách khỏi VNPT để trở thành Tổng Công ty Thông tin di động. 

Cùng với việc tách khỏi VNPT, MobiFone sẽ là doanh nghiệp viễn thông tiên phong cổ phần hóa để phá vỡ hiện trạng thị trường viễn thông cạnh tranh chưa hoàn chỉnh khi 3 “nhà mạng” thống lĩnh thị trường (gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone) đều là DNNN.

Nếu phương án tách MobiFone khỏi VNPT được phê duyệt, dự kiến chậm nhất tới cuối năm 2016, MobiFone sẽ hoàn tất cổ phần hóa, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ hiện đại để tăng sức cạnh tranh cho bản thân MobiFone, đồng tạo tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp viễn thông khác, đem lại ngày càng nhiều dịch vụ viễn thông chất lượng cao, giá rẻ cho người tiêu dùng.

 
Theo Xuân Bách

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM