Người Việt nghèo vẫn thích xài sang!

31/08/2015 16:02 PM |

Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và đang đứng trước nguy cơ tụt hậu rất lớn,nhất là trong bối cảnh năng suất lao động chưa được cải thiện, người Việt vẫn có tâm lý xài sang, mua đồ hiệu.

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp khi chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982. Điều này cho thấy, chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu rất lớn, nhất là trong bối cảnh năng suất lao động chưa được cải thiện, người Việt vẫn có tâm lý xài sang, mua đồ hiệu.

Ngày 28/8, lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố chính thức số liệu về GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2004 tại Hội thảo "Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035".

Theo đó, báo cáo đã chỉ ra, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD. Con số này gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ bằng thu nhập của Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010.

Thu nhập "khiêm tốn"

Điều này cho thấy sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam chỉ bằng 3/5 của Indonesia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu. Với tốc độ tăng trưởng 5%, đến năm 2020, GDP của Việt Nam chỉ bằng 7% Thái Lan và nếu tăng trưởng 7% thì "may ra" mới đuổi kịp được.

Nhất là khi năng suất lao động chưa được cải thiện, ông Cung khẳng định, "năng suất lao động Việt Nam chưa được cải thiện, vẫn tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động. Vốn đầu tư chỉ đổ vào các ngành năng suất thấp như tài chính – ngân hàng, bất động sản là điều bất hợp lý, khiến thị trường sai lệch". Thì sự tụt hậu sẽ khó được cải thiện.

Trước đó, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam cũng đã được chỉ ra từ báo cáo "Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu" (Global Competitiveness Index – GCI), trong đó, Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Tại Hội nghị về "Một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp miền Trung" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Đà Nẵng, vấn đề tụt hậu cũng đã được chỉ ra, khi bao nhiêu năm qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 nước kém phát triển nhất khu vực Asean (Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam) và đây là thách thức mà nước ta phải sớm vượt qua.

Dù bức tranh thu nhập của người Việt không mấy sáng sủa, song xét về mức độ xài sang thì có lẽ người Việt lại không hề thua kém các nước trong khu vực. Bằng chứng là, người Việt tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, siêu xe, vàng, trang sức ngày càng tăng so với thế giới… Việt Nam đã và đang trở thành "điểm hẹn" mới, "kinh đô" mà các nhãn hàng xa xỉ đặt chân.

Nghèo nhưng vẫn… xài sang

Tại thị trường Việt Nam, ngày càng nhiều người sở hữu các mặt hàng tiêu dùng, trang sức xa xỉ từ vài triệu đến trăm triệu. Người giàu Việt Nam cũng được mệnh danh là chịu chơi so với thế giới về mua sắm siêu xe.

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố ngày 28/8 cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2015, ô tô vẫn là một trong những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất của Việt Nam. Theo đó, nhập khẩu mặt hàng này tính từ đầu năm đến nay đã đạt 3,8 tỷ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên tới 132,1%; trong đó ô tô dưới 9 chỗ tăng 63,3%.

Đặc biệt, trong tháng 8, chiếc siêu xe "hàng hiếm" Lamborghini Aventador thứ hai tại Việt Nam xuất hiện trở lại sau nhiều ngày vắng bóng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Tp.HCM), khiến nhiều người đi đường không khỏi tò mò về độ chịu chơi của chủ nhân chiếc xe này.

Hay, hàng loạt siêu xe trên thế giới đã "lăn bánh" vào Việt Nam như Bugati, Rolls Royce, Bentley, Maybach…, trong đó nhiều hãng đã mở đại lý phân phối tại Việt Nam. Tháng 8/2014, hãng siêu xe Rolls Royce đã mở chi nhánh đầu tiên của mình tại Hà Nội. Sau đó 3 tháng, hãng siêu xe Bentley cũng mở một đại lý siêu xe tại Hà Nội… Các dòng xe sang như Lexus (Toyota), Audi, BMW cũng đã mở nhiều đại lý phân phối chính hãng tại Hà Nội, Tp.HCM.

Mới đây, Tạp chí nghiên cứu châu Á (Asia Briefing) đưa tin, trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá 9,6 tỷ đồng, dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, thì giới siêu giàu Việt Nam đã đặt mua 10 chiếc.

Bên cạnh siêu xe, báo cáo năm 2015 của hãng nghiên cứu Knight Frank (Wealth Report 2015) công bố, hàng xa xỉ tại Việt Nam cũng đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các loại mặt hàng túi xách cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuiton đều có mặt tại các trung tâm thương mại lớn, nhỏ tại Tp.HCM và Hà Nội.

Thương hiệu túi sách Hermes đã có mặt tại Tp.HCM từ năm 2012, theo Knight Frank, tăng trưởng lợi nhuận của Hermes đã có trên hai con số khoảng từ 20 – 30%/năm. Đặc biệt, mới đây, cư dân mạng đã sốc trước thông tin túi xách cao cấp hiệu Hermes về Việt Nam với giá 1,6 tỷ đồng đã được bán hết ngay.

Ngoài hàng hiệu, siêu xe, hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại cũng đổ vào Việt Nam nhanh chóng. Chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao gấp đôi, gấp ba so với rượu trong nước nhưng rượu ngoại của Pháp, Ý, Chi lê, Nga đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước và được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Dễ nhận thấy nhất là thịt ngoại đang ngày càng tràn vào Việt Nam. Nhìn vào những con số thống kê trong vài năm gần đây sẽ thấy những món ăn làm từ thịt ngoại nhập ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong bữa cơm của nhiều gia đình. Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng thịt gà nhập về là 50.000 tấn. Nguồn nhập từ 24 nước, trong đó, nguồn nhập lớn nhất là Mỹ với gần 59%, tiếp đến là Brazil với hơn 12% và Hàn Quốc là 11%. Sản phẩm nhập khẩu gồm có đùi gà, chân gà, cánh gà và gà thải loại nguyên con.

Iphone cũng khiến dân Việt "phát sốt", thậm chí có nhiều người, là sinh viên chưa có thu nhập; sinh viên mới ra trường lương tháng 3- 4 triệu đồng, nhưng vẫn sẵn sàng "tậu" iPhone giá hơn chục triệu đồng (gấp hai lần lương tháng), chỉ vì thời thượng, sành điệu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Chính phủ đã giật mình nhận ra khi thấy Việt Nam đứng trong nhóm 4 nước "Cờ Lờ Mờ Vờ" (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) kém phát triển nhất cộng đồng ASEAN. Bao nhiêu năm nay, Việt Nam vẫn cứ đứng trong nhóm "Cờ Lờ Mờ Vờ". Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thời gian tới, Việt Nam phải phấn đấu tiến lên, không nằm trong nhóm này nữa, mà phải lọt vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN, phải vào "bán kết".

PGs. Ts. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại:

Đi ô tô sang, dùng hàng hiệu thì có thể tiếp cận, sử dụng với thế giới đồ cao cấp, chứng minh một điều thanh niên Việt Nam, người dân Việt cũng có thể hòa nhập, tiếp cận được thế giới hiện đại, dễ hòa nhập với thế giới. Song về mặt tiêu cực, đó chính là, hiện nay, Việt Nam vẫn là nước nghèo, thu nhập trung bình, tỷ lệ người nghèo đói còn cao, thế nhưng, vẫn có một số người giàu có ăn chơi hạng sang, thượng hạng, điều này đã thể hiện mặt trái của xã hội là phân tầng xã hội một cách sâu sắc. Hoặc thậm chí, tính cách của người Việt dù nghèo đói nhưng vẫn thích phô trương, thích khoe khoang, chính vì vậy, muốn ăn chơi hàng xịn, hàng hiệu, trong khi tiền không có.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC):

Về thói quen thích… xài đồ hiệu của người Việt, nếu nước ta giàu thì không có gì đáng bàn, nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước khó khăn, thu nhập trung bình của người dân thấp nhưng mà lại xài đồ sang nhất thế giới. Mỗi năm nhập mấy tỷ USD điện thoại Iphone. Đồng hồ phải là của Thụy Sĩ, xe ô tô thì phải của Đức mới… xứng đẳng cấp!. Tôi không phê phán nhưng thú thực là người Việt mình xài sang quá!

Theo Lê Thúy

Cùng chuyên mục
XEM