Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất của VN 2015: Mục tiêu doanh số 25 triệu USD, vẫn đau đầu về hạ tầng chuyển phát

16/07/2015 18:52 PM |

Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) năm nay sẽ rơi vào Thứ Sáu, 4/12, với mục tiêu doanh số trong ngày lên tới 500 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần doanh số năm ngoái. Nhưng bên cạnh đó, nỗi lo về hạ tầng chuyển phát lại được đặt ra, như Ban tổ chức đã đùa rằng: Có nhiều yếu tố khiến ngành chuyển phát không tăng nhanh như tốc độ của Internet.

Nội dung nổi bật:

- Với sự tham gia của ông lớn công nghệ FPT, Online Friday được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề về hạ tầng mạng, đáp ứng được lượng truy cập gấp 10 lần năm ngoái, cùng với mục tiêu trên 2.500 doanh nghiệp tham gia và doanh số trong ngày tổ chức sự kiện (4/12) sẽ đạt 500 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD).

- Mục tiêu này cũng đặt dấu hỏi về hạ tầng chuyển phát – lĩnh vực bị các doanh nghiệp kêu ca thứ 2 sau hạ tầng mạng, với gần 50% doanh nghiệp bán hàng đánh giá dịch vụ chuyển phát chưa tốt, trong đó có 9% doanh nghiệp đánh giá là kém


Tại buổi họp báo công bố chương trình Ngày mua sắm trực tuyến 2015, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Trần Hữu Linh cho biết: Ngày mua sắm trực tuyến 2015 (Online Friday) được tổ chức vào Thứ Sáu, ngày 4/12/2015. Từ ngày 16/7, các doanh nghiệp có thể lên website Onlinefriday.vn để đăng ký tham gia chương trình.

Với sự tham gia của ông lớn công nghệ FPT, Online Friday được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề về hạ tầng mạng, đáp ứng được lượng truy cập gấp 10 lần năm ngoái, cùng với mục tiêu trên 2.500 doanh nghiệp tham gia và doanh số trong ngày tổ chức sự kiện (4/12) sẽ đạt 500 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD).

Mục tiêu doanh số này bằng 325% doanh số năm ngoái – vốn dĩ cũng là con số bất ngờ với Ban tổ chức khi lần đầu triển khai chương trình tại Việt Nam.

Nhưng mục tiêu này cũng đặt dấu hỏi về hạ tầng chuyển phát – lĩnh vực bị các doanh nghiệp kêu ca thứ 2 sau hạ tầng mạng, với gần 50% doanh nghiệp bán hàng đánh giá dịch vụ này chưa tốt, trong đó có 9% doanh nghiệp đánh giá là kém (lĩnh vực hạ tầng mạng có thể tạm gác lại khi ông lớn công nghệ FPT góp mặt trong Ban tổ chức năm nay).

 

“Năm ngoái chúng ta có hơn 160.000 đơn hàng, tăng đột biến trong 1 ngày. Thường khách hàng order trong 1 ngày, dàn trải trong vòng vài hôm hoặc sau 1 tuần mới có thể ship (chuyển phát – PV) được. Số lượng đơn hàng năm nay dự kiến là 650.000, tăng hơn 4 lần so với năm ngoái” – ông Hoàng Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, số lượng 160.000 đơn hàng vào ngày Online Friday năm ngoái mà ông Quốc Anh nhắc đến ở trên là tổng đơn hàng order trong ngày này, còn số lượng đơn hàng các doanh nghiệp chuyển phát thực hiện chỉ có 50.000 đơn. Nhiều đơn vị đã sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của chính đơn vị đó, hoặc sử dụng dịch vụ chuyển phát của các đơn vị không tham gia chương trình.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên Trí thức trẻ về năng lực chuyển phát trong ngày Online Friday năm nay, ông Quốc Anh cho rằng: Chuyển phát, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, có tình trạng tắc nghẽn trong những ngày campain như dịp Noel, Valentine, Tết, Black Friday...

“Các doanh nghiệp chuyển phát cũng có giải pháp giải thoát hàng hóa trong giai đoạn đó, chẳng hạn như tuyển thêm cộng tác viên để giải quyết vấn đề ngắn hạn, chứ họ không bao giờ đầu tư để chờ đợi việc trong những ngày như vậy, vì chi phí nhân lực chiếm đến 40% toàn bộ chi phí hoạt động của một doanh nghiệp chuyển phát”, ông Quốc Anh giải thích.

“Ở Việt Nam, ngành chuyển phát cũng có tốc độ tăng trưởng cao, hơn 2 con số. Tuy nhiên, năng lực về hạ tầng và số lượng doanh nghiệp đủ tầm để chuyển phát được đến mọi nơi rất ít. Hiện doanh nghiệp số 1 là VNPost, và thứ 2 là chúng tôi đã có mạng lưới xuống huyện, xã tại các địa phương. Chúng tôi đã rất cố gắng”.

Ông Quốc Anh cho biết, sắp tới Ban tổ chức sẽ mời thêm các doanh nghiệp chuyển phát khác tham gia. Mặc dù số lượng doanh nghiệp chuyển phát đăng ký với Bộ Thông tin Truyền thông là gần 100, nhưng số lượng tham gia vào ngày Online Friday đến nay mới chỉ có 2 ông lớn VNPost và Viettel Post.

Điểm mới của Online Friday 2015: Có thêm Ngày mua sắm mùa thu cùng nhiều sự kiện offline

Ban tổ chức sự kiện năm nay, thay vì chỉ có Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam như năm ngoái, sẽ có thêm các doanh nghiệp chuyển phát (đại diện là Viettel Post), doanh nghiệp thanh toán (đại diện là Banknetvn), doanh nghiệp công nghệ (FPT) và cả báo chí (VnExpress) cũng tham gia.

Một trong những điểm mới của chương trình năm nay là Ngày mua sắm mùa thu, được tổ chức vào Thứ Sáu, ngày 28/8/2015. Đây là sẽ điểm nhấn của chuỗi sự kiện trước khi hướng đến Ngày mua sắm trực tuyến 2015.

Ngoài ra, Online Friday 2015 còn bao gồm một chuỗi sự kiện về các vấn đề trong thương mại điện như đầu tư Start-up, xây dựng niềm tin người tiêu dùng trên mạng, ứng dụng thương mại điện tử trên di động, du lịch số...

Năm 2015, ngoài các khuyến mãi quen thuộc như miễn phí vận chuyển, giảm giá sốc, khuyến mãi giờ vàng, tặng quà... người tiêu dùng sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn khi sử dungjthanh toán trực tuyến đến từ các ngân hàng và tổ chức thanh toán như cash-back (hoàn tặng lại tiền đã mua) đến 20% khi sử dụng thanh toán bằng thẻ thanh toán, miễn phí đăng ký thanh toán trực tuyến...

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM