Ngân hàng tự đặt chân vào bẫy thanh khoản?

08/08/2015 15:30 PM |

Trong khi rủi ro thanh khoản thời gian tới được coi là rất lớn, người ta không thể không đặt ra câu hỏi: tại sao các ngân hàng lại tự… đặt chân vào bẫy?

Năm nay tín dụng không chỉ khởi sắc mà còn có thể đạt trên 18% – vượt kế hoạch NHNN đưa ra. Vấn đề là vốn tín dụng đang đổ quá nhiều vào hạ tầng. Trong khi đó, các khoản cho vay lại thường có thời hạn khá dài. Tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là lớn nhất: 1.464.767 tỷ đồng, tăng 4,67% so với cuối năm 2014.

Đâm lao phải theo lao

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (vừa công bố, nhưng mới tính đến hết tháng 5/2015), tổng dư nợ đối với nền kinh tế 5 tháng đầu năm là 4.177.852 tỷ đồng; tăng 5,22%, cao hơn rất nhiều so với con số 1,5% của năm 2014.

Còn theo Cục Thống kê TP.HCM, đến đầu tháng 7 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố đạt 1.133,4 ngàn tỷ đồng, tăng 6,1% so với tháng 12/2014 và tăng 15,7% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 54,6%, tăng 32,4% so tháng cùng kỳ.

Dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 45,4%, tăng 0,4% so cùng kỳ năm ngoái. Còn trên địa bàn Hà Nội, tổng dư nợ trên địa bàn tháng 7 ước đạt 1.137 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so tháng 12/2014 và tăng 12,5% cùng kỳ năm trước. Tương tự như ở TP.HCM, dư nợ trung và dài hạn của Hà Nội tăng cao, đến 21,7%, trong khi cho vay ngắn hạn chỉ tăng 3,5% so với cuối năm 2014.

Xu hướng tín dụng trung, dài hạn tăng rõ ràng là đi ngược với định hướng phát triển mà nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đặt ra trong những năm gần đây. Trước đây, vào những năm tín dụng tăng trưởng cao (trung bình trên 30%/năm) thì tỷ lệ cho vay trung, dài hạn cũng chỉ ở mức gần 40%. Khi đó, các chuyên gia đã cảnh báo nền kinh tế không thể chỉ cứ dựa vào vốn đầu tư từ ngân hàng. Như vậy rủi ro sẽ rất lớn. Do đó, nhiều ngân hàng đã xác định lại chiến lược phát triển.

Và chính việc tín dụng tăng trưởng thấp trong 3 năm gần đây càng thôi thúc họ phải nhanh chóng tìm cách tăng thu từ dịch vụ. Rất nhiều ngân hàng đã và đang có tham vọng phát triển mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ; tăng tỷ lệ nguồn thu từ dịch vụ. Với mảng tín dụng, họ đã xác định lấy phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm để vừa cung cấp tín dụng, vừa mở rộng phân phối các sản phẩm, dịch vụ tài chính… Cớ gì nay họ làm ngược lại?

Trước mắt, đó chính là sức ép đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% trước ngày 1/10/2015. Rõ ràng việc giải quyết nợ xấu đã được khởi động, đốc thúc từ năm 2012 chứ không phải bây giờ. Những gì cần làm, có thể làm thì cả NHNN lẫn NHTM đã, đang làm rồi. Nợ xấu đã giảm mạnh, nhưng thời gian còn lại quá ngắn. Vì thế nhiều NHTM đã chọn cách tăng cung tín dụng để tỷ lệ nợ xấu tất yếu nhỏ đi.

Nhưng tăng bằng cách nào cho nhanh? Cứ chờ những món cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ; những dự án rất ít khả thi của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để “góp gió thành bão” thì lâu quá. Thế nên nhiều NHTM chọn giải pháp cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng, những công trình lớn, trọng điểm để tín dụng tăng nhanh nhất. Đã có ngân hàng không chỉ đầu tư hàng ngàn tỷ vào các công trình nâng cấp quốc lộ, xây cầu, làm đường… mà họ còn cho vay ứng trước ngân sách đối với… cán bộ đi học bằng nguồn ngân sách nhà nước!

Bẫy thanh khoản, từ từ rồi tính?

Hiện nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn khá tốt. Vốn huy động trên địa bàn TP.HCM đến đầu tháng 7 tăng 17,4% so với tháng cùng kỳ năm trước. Con số này trên địa bàn Hà Nội là 9,8%. Với tốc độ tăng trưởng về huy động vốn như hiện nay, cộng với lượng vốn còn tồn từ trước thì thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào trong năm nay. Chưa kể nhiều ngân hàng còn nắm giữ khá nhiều trái phiếu chính phủ “lương khô” giúp họ có thể tạm thời vượt qua khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn chưa khắc phục được nhược điểm là tỷ lệ vốn huy động trung, dài hạn vẫn rất thấp. Nếu trước đây đến 90% vốn huy động là ngắn hạn, nay có thể đã giảm, nhưng chắc chắn vẫn còn cao.

Cuối năm 2014, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36). Thông tư 36 chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/2/2015 và cho phép các ngân hàng dùng đến 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, tăng gấp đôi so với quy định trước đó. Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ này chưa được sử dụng hết. Tính đến cuối tháng 5/2015 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn toàn ngành mới là 27,14%.

Tuy nhiên, theo Thông tư 36, khi tính tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn họ phải loại trừ vốn là tiền gửi của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước; các khoản vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; các khoản vay tổ chức tài chính nước ngoài (trừ tiền gửi, tiền vay của TCTD mẹ ở nước ngoài, chi nhánh ở nước ngoài của tổ TCTD mẹ ở nước ngoài).

Nói tóm lại, vốn ngắn hạn các ngân hàng dùng để cho vay trung, dài hạn chủ yếu từ nguồn tiền gửi của dân cư. Các khoản cho vay cải tạo quốc lộ hay xây cầu, với thời hạn cho vay 10 năm thậm chí đến 30 năm thì rủi ro thanh khoản cho ngân hàng rất lớn. Nhưng lạc quan mà nói, với xu hướng lãi suất ngày càng giảm thì tỷ lệ người gửi tiền trung, dài hạn cũng sẽ tăng. Thêm vào đó, các dự án, công trình mà ngân hàng cho vay rất lớn đều cần có một phần đầu tư từ ngân sách. Đây chính là sự “chia sẻ” rủi ro cho ngân hàng.

Một nhân tố khác là với xu hướng hội nhập, ký kết các hiệp định song phương, đa phương trong thời gian tới thì việc huy động vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng. Thậm chí nếu Việt Nam thực hiện đúng cam kết khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì chỉ đến năm 2020 ngành tài chính ngân hàng đã xóa bỏ mọi rào cản và sự phân biệt trong ngành giữa các quốc gia. Lúc đó rất có thể cơ chế sẽ cho phép các NHTM chuyển nhượng cả hợp đồng tín dụng cho vay dự án BOT, PPP… cho nhà đầu tư ngoại.

Các ngân hàng chưa khi nào dám quên bài học về rủi ro thanh khoản. Nhưng trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, biến động như hiện nay thì nỗi lo ấy chưa phải bức thiết nhất. Thôi cứ từ từ rồi tính!?

Theo Thái Thanh

Cùng chuyên mục
XEM