Ngân hàng quốc doanh tỉnh giấc?

16/12/2013 09:35 AM |

Những diễn biến gần đây cho thấy khối ngân hàng quốc doanh đang nỗ lực cân đối i tương quan thị phần. Ít nhất, họ cho thấy đã không còn “ngủ say” với ưu thế và lợi thế sẵn có.

Nội dung nổi bật:

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước ra văn bản yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.:
- Có sự lấn sân của khối ngân hàng thương mại cổ phần về hai mảng thị phần truyền thống và chính yếu: huy động và cho vay từ 2005 - 2007, nhưng giảm nhanh chóng từ đó đến nay. 
- Khối NH quốc doanh cũng xốc lại với việc tái cơ cấu Agribank. VIetcombank, Vietinbank và BIDV cũng giật mình tỉnh giấc.
Một loạt các sự kiện, các diễn biến như vậy có cả ở hai khối quốc doanh và cổ phần, tưởng như rời rạc nhưng có sự gắn kết sức nóng của cạnh tranh.

Lâu nay vũ khí lãi suất vẫn là ưu thế gần như riêng có của khối ngân hàng quốc doanh. Nhưng khi khối cổ phần “chịu chơi” hoặc có một phần nào đó bị xem là cạnh tranh không lành mạnh, thì sự lo lắng hẳn không nằm riêng ở Ngân hàng Nhà nước…

Khối cổ phần lên tiếng

Có nhiều dẫn chứng để cho thấy sự lấn sân của khối ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt từ giai đoạn 2006 - 2007 đến nay. Dữ liệu thống kê cho thấy một sự dịch chuyển rõ rệt và nhanh chóng về hai mảng thị phần truyền thống và chính yếu: huy động và cho vay.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm 2005, thị phần huy động vốn và thị phần cho vay của khối ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV và MHB) cùng ở con số 74,2%; tức phần còn lại cho khối cổ phần và các thành phần khác rất nhỏ.

Tuy nhiên, tỷ lệ trên nhanh chóng giảm nhanh ngay từ năm 2006 và liên tục kéo dài xu hướng cho đến nay.

Hiện chưa có dữ liệu thống kê một cách chính thức của Ngân hàng Nhà nước cập nhật mới nhất, song tính đến giữa năm 2012, thị phần huy động của khối quốc doanh chỉ còn mấp mé 40%; thị phần cho vay rơi xuống dưới 50%. Phần bánh mở rộng hơn hẳn ở khối cổ phần.

Nhìn chung, khối ngân hàng thương mại cổ phần có khối lượng thành viên lớn, liên tục lớn mạnh và mở rộng quy mô hoạt động. Sự dịch chuyển thị phần như là tất yếu. Và những năm gần đây, nhiều khách hàng lớn và dự án lớn đã về tay họ, khối quốc doanh hẳn phải xem lại mình.

Nhiều năm về trước, các khách hàng doanh nghiệp khối trung ương, các dự án trọng điểm quốc gia… như mặc định dành cho khối ngân hàng quốc doanh. Cho đến nay, việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau vẫn còn giá trị. Một mặt đó là “thỏa thuận” nội khối, mặt khác do khách hàng lớn và dự án lớn cần có ngân hàng tiềm lực mạnh để đáp ứng (như quy định giới hạn cho vay một khách hàng không quá 15% vốn điều lệ là trở ngại đối với những ngân hàng nhỏ).

Nhưng, ưu thế trên dần thu hẹp, khối cổ phần cũng nhanh chóng nâng cao tiềm lực. Một ví dụ điển hình như ngày 18/5/2013, lần đầu tiền Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) len chân vào và nắm cả khoản tài trợ lớn cho một dự án trọng điểm quốc gia: công trình mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế với khoản cho vay 1.833 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB giải thích với VnEconomy rằng, sau khi sáp nhập Habubank, quy mô của ngân hàng đã lớn hơn nhiều và là một trong những điều kiện để tiếp cận với những dự án lớn. Nối tiếp, chỉ trong vòng khoảng ba tháng, SHB có thêm các dự án lớn tại Khánh Hòa, Đà Nẵng với tổng quy mô gần 5.000 tỷ đồng…

Hay một điển hình khác là trường hợp của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Như VnEconomy từng phản ánh, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hẳn là khách hàng lớn và là mong muốn của nhiều nhà băng. Bởi lẽ, Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh từng tự tin tuyên bố, cho Vietnam Airlines vay thì hồ sơ cứ việc yên tâm cất trong tủ, bởi hãng chưa từng chậm lãi và luôn đảm bảo nghĩa vụ tài chính của mình.

Lần lượt những khoản vay lớn hàng nghìn tỷ đồng tậu máy bay mới của Vietnam Airlines thuộc về Eximbank với hai gói hợp đồng ký liên tiếp năm qua. Hay một đối tác khác cũng đến từ khối cổ phần là Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng nắm được khoản vay 48 triệu USD với vị khách hàng tự tin này.

Cũng là Eximbank, khoản tài trợ lên tới 1.500 tỷ đồng với Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin (Vimico) cuối tháng 11 vừa qua cũng là một hợp đồng lớn, với khách hàng lớn, mà hẳn nhiều nhà băng khác “bận lòng” trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn.

Hay mới nhất, dù không trực tiếp và mang có sự “gần gũi”, PVcomBank đứng ra thu xếp gần 800 triệu USD vốn vay cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), mà không có bóng dáng của ngân hàng quốc doanh trong đó…

Trong một lần trò chuyện tình cờ, về những khoản tài trợ lớn nói trên của SHB, một lãnh đạo ngân hàng quốc doanh nói rằng, “còn tùy thuộc vào khẩu vị ở mỗi lĩnh vực và đặc thù khoản vay thôi”. Nhưng, ngày càng nhiều dự án lớn, khách hàng lớn về tay khối cổ phần hẳn là điều mà khối quốc doanh dè chừng.

Khối quốc doanh xốc lại…

Khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Nguyễn Ngọc Bảo từ chối nói về mình khi VnEconomy xác định đó là một “ghế nóng”. Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank nêu rõ hướng công việc phải làm ngay.

Đó là tái cơ cấu Agribank một cách toàn diện - một quá trình dài hơi. Và trước mắt, theo thông tin ông Bảo đưa ra, là Agribank cần “sửa sai” trong quá khứ, tập trung vào nhiệm vụ chính. Hoạt động tài trợ cho lĩnh vực bất động sản tại hai địa bàn Hà Nội và Tp.HCM được co lại, đồng nghĩa hụt đi những dự án lớn và khách hàng lớn (nhưng rủi ro cũng lớn ở mảng này).

Agribank chuyên tâm hơn với nông nghiệp - nông thôn. Trục chính này chủ yếu là những món vay và khách hàng nhỏ lẻ, nhưng trải rộng với số đông trên cả nước. Thực tế tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn của Agribank đến cuối tháng 11/2013 đã lên tới 15,4%, chiếm tỷ trọng tới 70,2% tổng dư nợ.

Trong khi đó, tại Vietcombank, VietinBank và BIDV, sự gia tăng tiềm lực tài chính rất mạnh trong hai năm gần đây (sau cổ phần hóa) cũng là yếu tố cần thiết để đối trọng với khối cổ phần. Nhưng quan trọng hơn, dường như họ đã “giật mình tỉnh giấc” sau khi từng và đang có nhiều ưu thế.

Ngoài bề dày truyền thống gấp đôi, gấp ba các ngân hàng cổ phần, khối quốc doanh còn có lợi thế như sự tập trung của khối khách hàng lớn là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; có ưu thế khá riêng về nguồn vốn, tiền gửi liên quan cũng như các nguồn vốn tài trợ nước ngoài theo cấp chính phủ…

Nhưng, như trên, câu chuyện Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra cho vay lãi suất thấp là “kết quả” của sự cạnh tranh, hay khối cổ phần “chịu chơi” hơn, cạnh tranh quyết liệt hơn. Hẳn những “ông lớn” quốc doanh đã sớm nhận thấy để thay đổi.

Ngày 12/12/2013, Vietcombank tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Về hình thức, buổi lễ trở nên trang trọng hơn khi hàng chục giám đốc các đơn vị thành viên của hai bên trên cả nước đều tụ về. Về nội dung, hẳn Vietcombank muốn có một sự gắn kết chặt chẽ nhất, đến từng cơ sở với khách hàng lớn này.

Chỉ riêng ở kênh xuất khẩu, VRG đang hướng đến mục tiêu 3 tỷ USD. Chỉ riêng khâu hậu cần cho con số đó hẳn nhiều nhà băng mong muốn. Vietcombank cũng lập hẳn một tổ công tác riêng để đôn đốc cho việc hợp tác. Và ngay tại lễ ký trên, khoản tín dụng 750 tỷ đồng cho một dự án thuộc VRG đã được đóng dấu. Tổng quy mô, khoảng 2.000 tỷ đồng và trên 50 triệu USD là mối thâm giao giữa hai bên thời gian qua.

Trước đó, tháng 10/2013, Vietcombank cũng đã có “ràng buộc” với một khách hàng lớn khác là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post); xa hơn một chút là với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank, dự tính rằng, bên cạnh các thỏa thuận hợp tác đã và sẽ ký kết, kế hoạch mở thêm 15 chi nhánh trên cả nước sắp tới sẽ tăng cường thêm khả năng tiếp cận, cạnh tranh và phục vụ khách hàng.

Nhưng, quan trọng hơn vẫn là việc xốc lại chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hay sự năng động hơn ở khối ngân hàng quốc doanh.

Cũng tại Vietcombank, thời gian gần đây, về hình thức, hẳn nhiều khách hàng đã dễ chịu hơn với không gian giao dịch; trẻ trung, hiện đại và lịch sự hơn nhiều so với trước, bắt kịp mô hình mà nhiều ngân hàng cổ phần đã triển khai nhiều năm trước.

Hay trong nội khối, sự năng động gắn với lợi thế riêng cũng thể hiện rõ hơn. Như mới đây, trước sự đổ bộ lớn của dòng vốn và khách hàng từ Nhật Bản, ngay sau khi Vietcombank có “seri” sự kiện để thu hút, thì BIDV cũng nhanh chóng có đối trọng. Và ngay sau khi BIDV nâng tầm Tổ khách hàng Nhật Bản tháng 11 vừa qua, Vietcombank cũng lập tức triển khai một tổ công tác tương tự…

Một loạt các sự kiện, các diễn biến như vậy có cả ở hai khối quốc doanh và cổ phần, tưởng như rời rạc nhưng có sự gắn kết sức nóng của cạnh tranh. Cạnh tranh là động lực để phát triển, mà sau đó là lợi ích tốt hơn cho khách hàng.

Theo Minh Đức

thuydtt

Cùng chuyên mục
XEM