Ngăn chặn tình trạng 'nô lệ thời hiện đại'

25/03/2015 16:00 PM |

Theo Tổ chức quốc tế Về quyền lợi người lao động Verité, khoảng 32% trong tổng số 200.000 lao động nước ngoài đang làm việc như "nô lệ thời hiện đại" trong ngành công nghiệp điện tử ở Malaysia.

Cuộc điều tra này ghi nhận các công nhân nước ngoài đến từ Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Nepal... bị ép buộc làm việc trong điều kiện khắc nghiệt vì hộ chiếu đã bị thu giữ hoặc phải kiếm tiền để trả mức phí tuyển dụng cao ngất ngưởng.

Cuộc điều tra thực hiện tại gần 200 nhà máy chuyên sản xuất hàng điện tử, linh kiện và thiết bị ngoại vi máy tính khắp Malaysia. Sản phẩm của ngành công nghiệp này hiện chiếm 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Malaysia với các đơn hàng gia công cho những công ty lớn như Apple, Samsung, Sony...

Ông Daniel Viederman, Giám đốc Điều hành Verité, nhận định: "Ít ai ngờ ngành công nghiệp hiện đại này tồn tại một hình thức bóc lột lẽ ra phải được loại bỏ từ lâu".

Malaysia chỉ là một "địa chỉ mới" của nạn "nô lệ thời hiện đại" đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới liên quan đến những thương hiệu lớn như Apple, Samsung hay Nike...

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thế giới hiện có khoảng 21 triệu "nô lệ”, trong đó 5 triệu người trong ngành công nghiệp tình dục và 9 triệu người di cư kiếm việc làm. Khoảng một nửa trong số này từ Ấn Độ, phải làm việc trong các lò gạch, mỏ đá hoặc gia công dệt may. Tình trạng này cũng phổ biến ở Trung Quốc, Pakistan, Nga, Uzbekistan và lan tràn trong ngành thủy sản của Thái Lan.

Hiện nay, nhiều hoạt động trên khắp thế giới được đồng loạt thực hiện nhằm ngăn chặn nạn "nô lệ thời hiện đại" và nhận được sự ủng hộ từ các nhân vật nổi tiếng.

Cuối năm ngoái, Giáo hoàng Francis và các lãnh tụ Hồi giáo của Ai Cập, cùng với một số nhà lãnh đạo tôn giáo khác, đã giới thiệu Mạng lưới Tự do Toàn cầu, một liên minh để đưa ra những khuyến cáo cho các chính phủ và doanh nghiệp chung tay giải quyết vấn đề bảo vệ quyền con người.

ILO đưa ra dự thảo luật nhằm thắt chặt các quy định đối với công ty tuyển dụng tư nhân. ILO khuyến cáo mạnh mẽ rằng, dự thảo luật này cần phải được mở rộng độ bao phủ sang cả những công ty cho thuê lại lao động và hy vọng sẽ được các nước sớm phê chuẩn. Một dự án thí điểm sẽ sớm bắt đầu trong ngành công nghiệp may mặc của Jordan.

Tháng trước, British Retail Consortium, một nhóm nhà thương mại quốc tế, đã xuất bản tài liệu hướng dẫn cho các chuỗi cung ứng, bao gồm cả các khuyến nghị về điều kiện làm việc.

Hai quỹ từ thiện mới cũng đang được thành lập gồm Quỹ Chống chế độ nô lệ và Quỹ Tự do, do tỷ phú Úc Andrew Forrest tài trợ chính, nhận được sự ủng hộ của Pierre Omidyar (người sáng lập eBay) và Legatum Foundation (một tỷ phú New Zealand), nhằm thực hiện các nghiên cứu về giải pháp giảm lao động cưỡng bức.

Chương trình đầu tiên của Quỹ Tự do đánh giá về những nỗ lực để giải phóng lao động trong các ngành công nghiệp hải sản Thái Lan, ngành công nghiệp dệt may và sản xuất gạch ở Ấn Độ.

Chính phủ Úc và Anh gần đây đã thông qua luật yêu cầu minh bạch trong chuỗi cung ứng lao động, đòi hỏi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ, có doanh thu ít nhất 100 triệu USD phải liệt kê những nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn "nô lệ thời hiện đại" và buôn bán người. Nhưng rất ít doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện chính sách này, vì sợ gây khó chịu cho khách hàng hoặc nhân viên.

Chấm dứt tình trạng "nô lệ thời hiện đại" cần nhắm đến nghĩa vụ pháp lý và cần một sự kiện lớn để đánh động toàn thế giới", Nick Grono của Quỹ Tự do cho rằng sự kiện Qatar chuẩn bị cho World Cup 2022 có thể là "một sự kiện đáng quan tâm".

Qatar đang vấp phải chỉ trích gay gắt của dư luận thế giới khi số lượng công nhân xây dựng World Cup tử vong tăng lên chóng mặt. Theo dự kiến, nước chủ nhà sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Hàng triệu lao động nhập cư từ các nước đang phát triển như Nepal, Ấn Độ, Bangladesh... đổ về đây tìm kiếm công ăn việc làm. Nhưng thay vì đổi đời, những công nhân nhập cư Qatar lại bị đối xử như những "nô lệ thời hiện đại". Họ phải ở trong những khu nhà tạm tối tăm, chật chội, làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày trong điều kiện an toàn lao động kém và chỉ được nhận những đồng lương vô cùng ít ỏi...

Nếu Qatar bị "truy tố” vì nạn "nô lệ thời hiện đại" sẽ là một sự kiện lớn đánh dấu nỗ lực chống các hành vi vi phạm quyền con người.

>> Thực tập không lương hay nô lệ thời hiện đại

Theo Thụy Kha

Cùng chuyên mục
XEM