Mô hình nào cho hàng không giá rẻ?

12/07/2014 08:15 AM |

Hai hãng hàng không giá rẻ khác của châu Á là Cebu Pacific (của Philippines) và Scoot (một nhánh của Singapore Airlines) đang khám phá những mô hình kinh doanh mới.

Hàng không giá rẻ với những chuyến bay có chi phí thấp, có khoảng cách xa và thời gian dài (long – haul) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1977, khi hãng hàng không của Anh Laker Airways đưa ra khái niệm này. 5 năm sau, hàng không giá rẻ bùng nổ. Kể từ đó đến nay, đã có nhiều hãng hàng không đến và đi, nhưng chưa hãng nào thực sự thành công với những chuyến bay quốc tế.

Michael O’Leary – ông chủ của Ryanair (hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu) mới đây đã đưa ra lời hứa về chuyến bay 10 euro (tương đương 14 USD) tới Bắc Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là điều gì mới mẻ khi nhắc đến “ngài O’Leary” – người đã phải thừa nhận rằng giá mua máy bay và giá nhiên liệu như hiện nay đồng nghĩa với chuyến bay 10 euro là không khả thi. 

Tuy nhiên, điều thú vị là các hãng hàng không châu Á đang thành công hơn trong lĩnh vực này. Năm 2009, AirAsia X (một nhánh của AirAsia – hãng hàng không đến từ Malaysia) bắt đầu cung cấp vé máy bay có giá 99 bảng (tương đương 168 USD) từ Kuala Lumpur đến London. Trong chuyến bay khai trương, dầu Brent biển Bắc được giao dịch ở mức 45 USD/thùng. 3 năm sau, khi chặng bay này đã đóng cửa, giá dầu là 125 USD/thùng và hiện nay ở mức 112 USD/thùng. Chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 1/3 chi phí hoạt động của một hãng hàng không.

Hiện nay AirAsia X vẫn sống tốt với nhiều chặng bay quốc tế từ Kuala Lumpur tới Jeddah, Saudi Arabia và vài điểm đến khác ở Australia. Tony Fernandes, CEO của AirAsia, cho biết chặng bay tới London sẽ trở lại trong tương lai. Năm ngoái, ông thừa nhận hãng đã chọn sai máy bay khi sử dụng chiếc Airbus A340 với 4 động cơ tiêu tốn nhiều nhiên liệu. AirAsia X đã đặt mua 37 chiếc A330 và 10 chiếc A350 (cả hai đều là máy bay 2 động cơ). Fernandes cũng có thể chọn lựa nhiều điểm xuất phát hơn bởi AirAsia X giờ đây đã có chi nhánh ở Bangkok (Thái Lan) và Bali (Indonesia). 

Hai hãng hàng không giá rẻ khác của châu Á là Cebu Pacific (của Philippines) và Scoot (một nhánh của Singapore Airlines) đang khám phá những mô hình kinh doanh mới. Cebu Pacific nhận chiếc máy bay thân rộng A330 đầu tiên từ mùa hè năm ngoái và hiện đang sử dụng 4 chiếc A330 cho các chặng bay trong khu vực và một chặng dài tới Dubai. Tháng 9 tới, Kuwait và Sydney sẽ được bổ sung vào mạng lưới. 

Không cung cấp một khoang thương nhân nhằm lôi kéo một số khách hàng giàu có hơn giống như AirAsia X, Cebu Pacific tự định vị chỉ chuyên phục vụ theo kiểu giá rẻ. Những chiếc A330 chỉ có hạng economy và có tới 436 ghế (trong khi hãng hàng không Etihad chỉ xếp 231 ghế trên cùng loại máy bay A330). Ngoài việc không có những thứ như chỗ để chân thoải mái, hành lý ký gửi và đồ ăn, Cebu Pacific cũng không thúc đẩy các chuyến bay tiếp theo với các hãng bay khác. “Chúng tôi nhận thấy hành khách có thể tự kết nối”, CEO Lance Gokongwei nói. Điều đó chỉ có nghĩa là phải mất thêm vài tiếng cho chuyến hành trình vốn đã kéo dài. 

Mô hình này đã giúp ích cho Cebu Pacific bởi phần lớn khách hàng của hãng này là những người Philippines đi lao động ở nước ngoài. Cứ 10 người Philippines thì có 1 người đang sống và làm việc ở nước ngoài. Đối với họ, chi phí là nhân tố quan trọng nhất khi đặt vé máy bay. Đây cũng là lý do khiến ông Gokongwei không muốn ký hợp đồng interline (xuất vé liên hãng) hoặc bay liên danh (codeshare) với các hãng nội địa. Mặc dù điều này có thể giúp các chuyến bay dễ chịu hơn, các khung giờ bay có thể bị giới hạn và chi phí sẽ tăng lên.

Liệu mô hình này có thể được nhân rộng ở châu Âu và châu Mỹ? Khi AirAsia X rút khỏi London năm 2012, hãng này cho rằng thuế là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, lý do này không thỏa đáng. Giá nhiên liệu mới là nguyên nhân chính, kể cả với những chiếc A330 thì đây cũng là một bài toán khó với giá nhiên liệu như hiện nay. 

Chỉ có 3 cách để các hãng hàng không chống chọi với giá nhiên liệu tăng cao. Cách thứ nhất là tăng doanh thu thông qua việc tăng thêm khoang business, cách thứ hai là thông qua tăng số ghế (nhưng e rằng chỉ có những người lao động Philippines mới có thể dễ dàng bỏ qua những bất tiện đi kèm). 

Cách cuối cùng, các hãng bay phải mua những chiếc máy bay siêu tiết kiệm nhiên liệu. Air Shuttle (một hãng hàng không của Na Uy) hi vọng họ có thể làm được điều này với những chuyến bay từ London tới New York bằng Boeing 787. Tuy nhiên, bởi vì chi phí thuê những chiếc máy bay hiện đại cũng cao hơn, giá vé không quá thấp. Vé khứ hồi có giá khởi điểm là 360 bảng – cao gấp nhiều lần  so với mức 10 euro của O’Leay.

Nếu châu Âu và châu Mỹ thực sự muốn có những chuyến bay giá rẻ, có lẽ họ phải đi theo mô hình của Philippines. 


Theo Thu Hương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM