Microsoft Việt Nam bỗng dưng nộp gần 200 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp

05/01/2016 22:40 PM |

Dù vẫn trong thời gian được hưởng ưu đãi, nhưng Công ty TNHH Microsoft Mobile Oy Việt Nam (tên mới sau khi Microsoft mua lại Nokia) vẫn chủ động nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại sao?

Báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho thấy, năm 2015 phát sinh thêm khoản nộp ngân sách của Công ty TNHH Microsoft Mobile Oy Việt Nam, theo đó doanh nghiệp đã nộp 191 tỷ đồng của năm 2013 và 2014 (gồm tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp 186 tỷ đồng và tiền chậm nộp 5 tỷ đồng).

Khoản thuế này đã góp một phần làm số thu từ khu vực doanh nghiệp FDI của Bắc Ninh năm 2015 vượt chỉ tiêu.

Việc một doanh nghiệp FDI nộp thuế không phải là chuyện lạ, nhưng lạ ở chỗ nếu đúng quy trình, Microsoft Mobile vẫn đang trong giai đoạn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ năm đầu tiên đi vào hoạt động (Nhà máy Nokia Bắc Ninh– tên gọi cũ của Microsoft Mobile hoạt động từ tháng 6-2013).

Vì sao Microsoft Mobile phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi trước đó, vào thời điểm cấp phép, Nokia đã được duyệt nhiều ưu đãi, trong đó có việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ năm đầu tiên đi vào hoạt động?

Cục Thuế Bắc Ninh lý giải việc Microsoft nộp thuế thu nhập doanh nghiệp do chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận công nghệ cao nên không được ưu đãi miễn thuế. Vì vậy, doanh nghiệp đã tự kê khai và nộp vào ngân sách Nhà nước. Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cũng dự kiến phải hoàn trả doanh nghiệp số thu này nếu Microsoft được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, đằng sau việc Microsoft Mobile chủ động nộp thuế như trên là một câu chuyện khác. Đó là trước thời điểm Microsoft tiếp quản nhà máy Nokia Bắc Ninh, đầu năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu Nokia Việt Nam nộp các báo cáo về tình hình thực hiện 9 điều khoản cam kết với Chính phủ khi đầu tư ở Việt Nam như chính sách chuyển giá, bán vào thị trường nội địa, tỷ lệ nội địa hóa… để xem xét ưu đãi đầu tư áp dụng cho dự án.

Song thay vì gửi báo cáo cam kết, nguồn tin riêng của phóng viên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận lại nhà máy Nokia Việt Nam, tháng 4-2015 Công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngỏ ý muốn tạm dừng việc theo đuổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm công nghệ cao cho nhà máy sản xuất điện thoại ở Bắc Ninh.

Theo giãi bày của Microsoft Mobile, một số chiến lược cho Nokia Việt Nam đặt ra trong giai đoạn trước khi chính thức thuộc về tập đoàn Microsoft thay đổi, do vậy Microsoft Mobile Việt Nam đã đề nghị nghiên cứu áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm công nghệ cao “vào một thời điểm khác phù hợp hơn”.

Thay vào đó, Microsoft Mobile Việt Nam muốn được xem xét áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự áp dụng cho các dự án đầu tư trên địa bàn khu công nghiệp. Đó là được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm kể từ năm tài chính 2015-2018.

Đồng thời, Microsoft Mobile cũng đề cập sẽ chủ động kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2013 và 2014. Đây có thể là lý do chính khiến Microsoft Mobile nộp gần 200 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm 2013 và 2014.

Microsoft Mobile Việt Nam (trước đây là Nokia Việt Nam) được thành lập năm 2011 và hiện đang thuộc toàn quyền sở hữu của Microsoft Mobile Oy. Nokia Việt Nam đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 6-2013. Đến nay đã được hơn 2 năm. Tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Microsoft Mobile Việt Nam sẽ được nhận ưu đãi “khủng” đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao nếu đáp ứng được các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao.

Đó là được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ năm đầu tiên đi vào hoạt động; giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% áp dụng trong 15 năm đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động. Muốn vậy, Công ty cũng phải đạt được các cam kết với Chính phủ Việt Nam cũng như được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao/ dự án ứng dụng công nghệ cao.

 

Theo Lương Bằng

Cùng chuyên mục
XEM