Mải nhìn Hy Lạp, thế giới quên mất Trung Quốc mới là mối đe dọa lớn nhất

09/07/2015 18:02 PM |

Thực tế cho thấy rằng, Trung Quốc hiện là nền kinh tế đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu thập kỷ này. Trong khi nền kinh tế Hy Lạp chỉ có quy mô nhỏ tương đương Bangladesh. Nguy cơ tiềm ẩn thực sự bắt nguồn cho một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là tại Trung Quốc chứ không phải tại Hy Lạp.

Khi mà mọi con mắt phương Tây đang đổ dồn về Hy Lạp thì một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng thực sự có khả năng xảy ra ở bên kia bán cầu, Trung Quốc. Dường như những diễn biến hiện tại của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang đi theo đúng kịch bản đã diễn ra cuộc Đại Suy Thoái 1929 tại Mỹ.

Cuộc khủng hoảng phố Wall 1929 còn được biết đến với các cái tên khác nhau như: Ngày thứ Ba đen tối, Đại Suy Thoái hay Suy Thoái Chứng Khoán 1929. Cuộc khủng hoảng bắt đầu ngày 24 tháng 10 năm 1929, là sự sụp đổ kinh hoàng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ xét về khía cạnh tầm ảnh hưởng và thời gian ảnh hưởng.

Nói về thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ trong thời gian ngắn từ ngày tăng trưởng mạnh nhất của thị trường ngày 15/06/2015 đến nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh hơn 30% giá trị và được các chuyên gia kinh tế dự đoán là sẽ tiếp tục giảm sâu.

Mặc dù chính phủ đã có nhiều biện pháp tác động trực tiếp vào thị trường chứng khoán như: ngưng các vụ IPO mới, tăng lãi suất vay, cắt nguồn huy động vốn,… nhưng thị trường vẫn không có dấu hiệu sáng sủa hơn.

Bên cạnh đó, niềm tin vào khả năng điều hành và kiểm soát nền kinh tế của Trung Quốc đã suy giảm. Nếu niềm tin này sụp đổ, nó sẽ tác động đến toàn cầu mạnh mẽ hơn cả cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Hy Lạp. Sự khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Ấn Độ, Nhât Bản, Hàn Quốc và rất nhiều các quốc gia khác.

Wall Street Journal cho rằng có 4 dấu hiệu cho thấy bong bóng chứng khoán đã xuất hiện. Đó là giá cổ phiếu không liên quan đến các yếu tố kinh tế nền tảng, sự phổ biến của giao dịch ký quỹ (mua cổ phiếu bằng tiền đi vay), nhà đầu tư cá nhân giao dịch quá mạnh và giá cổ phiếu quá cao. Chứng khoán Trung Quốc đang ở điểm cực đại cả 4 thước đo này.

Dấu hiệu giao dịch quá đà cũng rất rõ ràng. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán nước này chỉ bằng gần một nửa Mỹ, nhưng khối lượng giao dịch những ngày gần đây còn vượt cả thế giới cộng lại. Bên cạnh đó, lượng giao dịch đã tăng gấp 10 năm 2007. Những hoạt động như vậy đã đẩy giá trị các công ty lên, PE của các công ty trong chỉ số CSI 500 là 50. Chỉ số này với Chinext cũng vào khoảng 110.

Cuộc khủng hoảng này vẫn đang được giới chuyên môn trong và ngoài Trung Quốc theo dõi rất sát sao. Với niềm tin mãnh liệt rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không rơi xuống dưới 7% năm nay. Chính phủ nước này đang làm mọi cách để cứu nền kinh tế. Đây có thể coi là thuốc thử về khả năng quản lí và điều hành nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc trước những biến đổi khôn lường của thị trường.

Các biện pháp hiện tại của chính phủ Trung Quốc đưa ra trong vòng một tháng gần đây thực chất chỉ để làm giảm tâm lí hoảng sợ chứ bản chất tình hình diễn ra vẫn khá tương đồng với những gì xảy ra vào năm 1929.

Những nhân tố khủng hoàng tiềm tàng trong nền kinh tế Trung Quốc là hoàn toàn rõ rệt và theo dây chuyền. Đầu tiên là thị trường vàng, rồi đến thị trường bất động sản, rồi sau đó là hàng loạt các biện pháp không hữu ích trong việc làm nguội thị trường bất động sản và xây dựng. Không những vậy, nguồn tiền dồi dào từ sản xuất lại được đổ vào thị trường chứng khoán. Điều đó càng làm nền kinh tế Trung Quốc trở nên căng cứng và kém năng động hơn bao giờ hết.

Trong viễn cảnh xấu xảy ra là Bắc Kinh không thể ngăn đà lao dốc của chứng khoán, thị trường có thể thay đổi đột ngột quan điểm về sức sụt giảm của tăng trưởng kinh tế. Khi đó, kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào vòng xoáy suy giảm, hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều so với Hy Lạp và kịch bản sẽ vô cùng khó đoán.

Đó là lý do tại sao hiện tại đã xuất hiện xu hướng dịch chuyển đầu tư của các quỹ đầu tư ngước ngoài tại Trung Quốc từ Trung Quốc sang một số thị trường truyền thống như Mỹ, Anh hoặc các thị trường mới nổi. Một câu hỏi lúc này được đặt ra là liệu sẽ có sự tháo chạy hàng loạt của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hay không? Nếu có thì sẽ là lúc nào? Tất cả đang trông chờ vào sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc.

Cùng chuyên mục
XEM