Ký kết RCEP toàn diện: Việt Nam sẽ căng khi Trung Quốc “tham chiến”

17/07/2015 15:08 PM |

Bất chấp các lợi ích từ hiệp định FTA song phương với Nhật Bản và Hàn Quốc, việc ký kết RCEP toàn diện (giữa ASEAN và 6 nước gồm cả Trung Quốc) sẽ đẩy Việt Nam vào thế khó khi ngay cả xuất khẩu sang Nhật hay Hàn, Việt Nam cũng phải cạnh tranh trực diện với ông lớn láng giềng.

Nội dung nổi bật:

- RCEP bao gồm 16 nước với quy mô dân số hơn 3 tỷ người, tổng GDP khoảng 19 nghìn tỷ USD, và chiếm khoảng 40% tổng thương mại thế giới. Với RCEP, doanh nghiệp Việt không chỉ có thị trường Việt Nam mà có thể tiếp cận các thị trường Malaysia, Thái lan, thậm chí đi xa hơn tới New Zealand và Ấn Độ

- Nhưng, câu chuyện ở đây còn tùy thuộc vào RCEP coi ASEAN là nền kinh tế chung và 6 nước còn lại là vệ tinh, hay 16 nền kinh tế nói trên đều tham gia bình đẳng trong cuộc chơi?

- Nếu ký kết RCEP toàn diện, tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam sẽ tham gia một cuộc chiến không cân sức với Trung Quốc khi phải cạnh tranh trong việc xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và gạo. Tại thị trường Hàn Quốc, Việt Nam sẽ cạnh tranh với ông lớn này trong việc xuất khẩu hàng dệt may, thực phẩm và thức ăn gia súc


Chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, RCEP (Hiệp định đối tác toàn diện khu vực) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6.

“Tương tự như các FTA và cam kết hội nhập khác, RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết tại Hội thảo Công bố báo cáo đánh giá tác động của RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam: Tác động, cơ hội và thách thức” sáng 17/7.

RCEP bao gồm 16 nước với quy mô dân số hơn 3 tỷ người (do có sự tham gia của 2 nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ), tổng GDP khoảng 19 nghìn tỷ USD, và chiếm khoảng 40% tổng thương mại thế giới. Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có thị trường Việt Nam mà có thể tiếp cận các thị trường Malaysia, Thái lan, thậm chí đi xa hơn tới New Zealand và Ấn Độ.

Nhưng, câu chuyện ở đây còn tùy thuộc vào RCEP coi ASEAN là nền kinh tế chung và 6 nước còn lại là vệ tinh, hay 16 nền kinh tế nói trên đều tham gia bình đẳng trong cuộc chơi?

Dân số và GDP tính theo PPP của 16 nước RCEP. Trung Quốc bỏ xa các nước còn lại. Nguồn: WorldBank.

Dân số và GDP tính theo PPP của 16 nước RCEP. Trung Quốc bỏ xa các nước còn lại. Nguồn: WorldBank.

Với câu chuyện RCEP lựa chọn cấu trúc ASEAN là nền kinh tế chung và 6 nước còn lại là vệ tinh, hay còn gọi là mô hình Trục bánh xe và nan hoa (H&S), mô hình này sẽ làm sau rộng thêm cấu trúc trung tâm và các nhánh với trung tâm là ASEAN FTA + 1, tức một khối thống nhất ASEAN có quan hệ thương mại tự do với từng nước trong nhóm 6 nước trên.

Với cấu trúc này, Việt Nam có thể tăng thương mại 2 chiều, dù lợi ích thu được là nhỏ so với ưu tiên tăng trưởng.

Nếu RCEP lựa chọn cấu trúc FTA toàn diện, tức 16 nước tham gia đều tự do như nhau (mô hình Comp), Việt Nam sẽ gặp khó khi phải cạnh tranh gay gắt với ông lớn Trung Quốc, đặc biệt trên thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Việt Nam đã có một FTA song phương với Nhật Bản và một FTA với Hàn Quốc. Sự tiếp cận ưu đãi này sẽ bị xói mòn nếu Trung Quốc cũng đạt được ưu đãi như vậy, điều này có thể xảy ra nếu RCEP được hiện thực hóa toàn diện”, báo cáo cho biết.

- Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và gạo.

- Tại thị trường Hàn Quốc, Việt Nam sẽ cạnh tranh với ông lớn này trong việc xuất khẩu hàng dệt may, thực phẩm và thức ăn gia súc.

Hiện Việt Nam đang có mức tiếp cận ưu đãi hơn so với Trung Quốc do ASEAN có các FTA với các nước này, chưa kể đến FTA song phương Việt Nam – Hàn Quốc. “Mức chênh lệch này sẽ không còn nữa nếu đạt được một hiệp định RCEP toàn diện. Xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 2,3% so với mức 3,8% nếu theo mô hình hiệp định ASEAN ở trung tâm”, báo cáo cho biết.

“So sánh 2 kịch bản với nhau, thì xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giảm đi và tăng lên với các đối tác truyền thống như Hoa Kỳ và EU, còn xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 10% chứ không phải chỉ ở mức 1%”.

Nguồn: Mutrap.

Nguồn: Mutrap.

Khi Nhật Bản và Hàn Quốc mở cửa thị trường của mình cho Trung Quốc, nếu tác động chuyển hướng thương mại lớn hơn so với tác động thúc đẩy tăng thương mại thì xét tổng thể, sẽ đem lại kết quả tiêu cực với Việt Nam.

Điều này có xảy ra hay không phụ thuộc vào từng kịch bản cắt giảm thuế quan cụ thể, và kết quả mô hình cho thấy Việt Nam sẽ gặp phải tình trạng sụt giảm phúc lợi xã hội chung nếu thực hiện kịch bản Hạn chế (Mod) nhưng có thể thu được lợi ích nhất định theo kịch bản tự do hóa Đáng kể (FT).

“Dù gian khổ, nhưng nếu ASEAN mất vai trò trung tâm là một thất bại. Đây là vấn đề không dễ, bởi ASEAN là một khối chưa đủ chặt. Trong khối ấy, từng nước lại có quan hệ song phương với các nước lớn. Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất”, TS. Võ Trí Thành -Phó Viện trưởng Viện CIEM – nhìn nhận.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM