Kinh tế Việt Nam: Đừng quá tập trung vào tăng trưởng

02/06/2015 09:35 AM |

"Chúng ta đã có sự trả giá rất lớn cho bài học tập trung quá nhiều vào tăng trưởng", Ts. Huỳnh Thế Du – Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright.

Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách VERP mới công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” và đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam cùng nhiều nhận định, đề xuất được đánh giá cao.

Đánh giá về bản báo cáo cũng như những vấn đề xoay quanh nội dung báo cáo đưa ra, Phóng viên báo Trí Thức Trẻ đã có bài phỏng vấn Ts. Huỳnh Thế Du – Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright- khách mời tham dự chương trình này.

Thưa ông, theo báo cáo của VERP, kịch bản đưa ra của nền Kinh tế VN là kịch bản dựa trên cơ sở của lạm phát để tính ra tốc độ tăng trưởng. Vậy ông nghĩ như thế nào về mức độ đánh giá này?

Trong ngắn hạn có sự tương quan giữa tăng trưởng và lạm phát. Muốn tăng trưởng trong ngắn hạn phải in thêm tiền, mà in thêm tiền dẫn đến lạm phát. Đó chính là 2 kịch bản của báo cáo này. Tôi cho rằng họ đã có những cơ sở nhất định nào đó để đưa ra kịch bản của mình, góp phần định hướng trong hoạch định chính sách nhà nước và của các doanh nghiệp.

Nhưng trong dài hạn thì tiền tệ không phải là vấn đề, mà đó là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu tiềm năng, thế mạnh của nền kinh tế được khai thác thì mức độ tăng trưởng sẽ gia tăng.

Nếu dựa trên câu chuyện về lạm phát thì hiện nay chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên với tất cả những sự điều chỉnh tăng giá đầu vào của rất nhiều những mặt hàng nguyên nhiên liệu. Vậy, điều này tác động như nào đến vấn đề dư địa của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời điểm những tháng tiếp theo?

Để biến Việt Nam trở thành nền Kinh tế Thị trường thì đó là cả một tiến trình và VN đang trong tiến trình đó.

Chúng ta hoang mang khi chứng kiến sự biến động liên tục của nền Kinh tế thế giới, của giá dầu và mọi thứ khác. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào các nền kinh tế chính, ở đó các chính sách tiền tệ được điều hành một cách tường minh thì việc lạm phát hoàn toàn có thể kiểm soát tính trên tổng thể nền kinh tế.

Lạm phát là vấn đề của tiền tệ. Nếu chúng ta không in quá nhiều tiền thì chắc chắn lạm phát sẽ không tăng.

Trở lại câu chuyện về dư địa chính sách tiền tệ và ngân sách, tôi cho rằng, thời gian qua chính phủ đã làm một cái được là thắt chặt đầu tư công, thắt chặt chính sách tiền tệ để tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô và chính phủ nên tiếp tục điều đó. Còn việc tăng trưởng hãy để cho các doanh nghiệp làm. Nếu chính phủ nới lỏng tiền tệ theo hướng chi tiêu ngân sách tăng thì nhiều khả năng xảy ra trục trặc.

Chúng ta đã có sự trả giá rất lớn cho bài học tập trung quá nhiều vào tăng trưởng. Chỉ khi chuyển hướng chiến lược vào quý I năm 2011: chuyển từ mục tiêu tăng trưởng sang mục tiêu ổn định và kết quả là ta vừa có sự ổn định vừa có sự tăng trưởng.

Nếu bây giờ chúng ta nóng vội muốn tăng trưởng nhanh ở một giai đoạn ngắn hạn nào đó mà muốn in thêm tiền hay chi tiêu công lớn thì không khéo trục trặc của nền kinh tế sẽ kéo dài và hệ lụy của khu vực công, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ trở nên trầm trọng trở lại.

Đó là câu chuyện của doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo mới nhất của Cục tài chính doanh nghiệp của Bộ tài chính đưa ra thì tiến độ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mới chỉ đạt 10% và từ bây giờ cho đến cuối năm chúng ta có 90% số lượng doanh nghiệp cần phải được cổ phần hóa.

Ông nghĩ như thế nào khi khối doanh nghiệp nhà nước đang lấy được nhiều nguồn lực hơn mà lại không hiệu quả hơn?

Dù là doanh nghiệp nhà nước hay không nhà nước thì trong kinh doanh, có một chìa khóa cực kì quan trọng đó là sự cạnh tranh. Nếu nhìn vào ngành Bưu chính viễn thông, hầu hết đều là các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng do có yếu tố cạnh tranh, do có sức ép nên đã đẩy hiệu quả lên cao.

Trở lại câu chuyện cổ phần hóa hay không cổ phần hóa? Đối với rất nhiều người điều hành doanh nghiệp nhà nước, họ không muốn cổ phần hóa vì sợ mất đi sự hỗ trợ rất lớn. Bên cạnh đó nhà nước cũng chưa có cơ chế chế tài rõ ràng và áp lực buộc doanh nghiệp đó phải cổ phần hóa nên việc trì hoãn diễn ra rất thường xuyên.

Thêm nữa là những vấn đề cơ bản Khu vực công: cổ phần hóa 1 doanh nghiệp là việc làm rất mới và có nhiều thứ ngoài quy trình. Do đó, luôn cần một người đứng ra đề xuất. Mà cơ chế của chúng ta hiện nay là thành tích thì chưa chắc được hưởng nhưng sai lầm hay thất bại thì người đó phải gánh chịu. Chưa kể, khi nghĩ ra cái mới là tạo thêm việc cho người khác, khiến người khác không thích nữa. Vì vậy, động cơ tất yếu của tất cả mọi người là thôi cứ kệ, trên chỉ đạo thế nào làm như thế, vướng mắc cũng không có trách nhiệm tháo gỡ.

Do đó, để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mang tính khả thi thì cần phải tạo áp lực và sự cạnh tranh “ nếu anh không làm điều này sẵn sàng có người khác thay thế anh để làm”, như thế mới tiến triển được. Còn việc kêu gọi hô hào tự giác thực tế là không có tác dụng.

Quay lại vấn đề tỉ giá: chúng ta đang điều hành chính sách tỉ giá như hiện nay là đang neo đậu vào đồng Đôla Mĩ với một chính sách điều chỉnh chưa thực sự linh hoạt?

Câu chuyện chúng ta hay nói gần đây khắp trên thế giới chính là cuộc chiến tiền tệ. Hiểu một cách đơn giản là các nước cố gắng hạ thấp giá trị đồng tiền của họ, phá giá đồng tiền để có lợi cho kinh doanh trong nước. Các nước đều ý thức được rằng với kinh doanh quốc tế thì việc làm cho đồng tiền có giá thấp là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, khi chúng ta neo vào đồng Đôla Mĩ trong thời gian qua và đồng tiền của chúng ta vô hình trung là tăng giá thì nó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Tôi tán đồng và ủng hộ việc Ngân hàng nhà nước đưa ra thông điệp rõ ràng hàng năm nhưng nên đưa ra thông điệp linh hoạt hơn vì ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong ngày mai. Nếu ta đưa ra con số nhất định thì sẽ tự đặt chúng ta vào tình thế khó xử để giữ được lời hứa hay không. Trong bối cảnh ngày nay, việc bảo hiểm tỉ giá như vậy sẽ có lợi cho nhập khẩu và gây tổn hại đến xuất khẩu.

Có thể nói, năm nay được coi là năm hội nhập của VN: AIC cuối năm nay, TPP là ngưỡng cửa lớn cũng như hàng loạt các hiệp định tự do thương mại đã đc kí kết khác… Ông đánh giá thế nào về tính cân bằng trong tổng thể của VN trước ngưỡng cửa hội nhập?

Khi hội nhập thì các dòng vốn và nguồn nhân lực của quốc tế hay các nước trong khu vực đều thông thương nhau. Lúc đó, lợi thế cạnh trạnh, lợi thế so sánh của mình phát triển.

Khi nền kinh tế càng tự do, việc điều hành tỉ giá cực kì quan trọng. Tất cả các rào cản về thuế kể cả kĩ thuật ta cũng ko thể làm gì được. Trong khi đó, tỉ giá là một công cụ đánh thuế, một công cụ tạo ra những rào cản để tăng giảm thuế hay là sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước cực kì hiệu quả.

Theo tôi, trong thời gian tới nên xem tỉ giá là một công cụ nâng cao hay giúp tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thay vì các mục tiêu không sát sườn với tỉ giá. Đặc biệt, nên nhớ rằng khi hội nhập kinh tế quốc tế, tỉ giá là công cụ cực kì quan trọng để ta thắng trong cuộc cạnh tranh này. Đó là lí do vì sao mà các nước suốt ngày tranh cãi về cuộc chiến tiền tệ.

Vì đây là công cụ vô cùng quan trọng nên nếu chúng ta không sử dụng thì sẽ rất khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước cũng như việc hội nhập sâu rộng của chúng ta.

Đứng trước những rào cản thương mại, ông có cho rằng VN đã có tinh thần chủ động trong việc chuẩn bị xây dựng những rào cản như thế để bảo vệ chính mình hay chưa? Vì chúng ta đã phải chấp nhận vượt qua rất là nhiều rào cản từ những nước chúng ta muốn xuất khẩu vào rồi.

Về bản chất, chủ động là của từng người, từng doanh nghiệp. Trong bối cảnh như thế, nếu điều kiện bất lợi nhưng tôi khai thác được lợi thế, tôi sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng nếu điều kiện thuận lợi mà tôi không khai thác được lợi thế, tình trạng sẽ trở nên tệ hơn. Chúng ta hỏi thử từng doanh nghiệp xem họ đã biết gì hội nhập để chuẩn bị?

Ví dụ như nghề báo của các bạn đi, khi hội nhập chúng ta có thể làm truyền thông để bán sản phẩm cho hơn 600 triệu người khu vực ASEAN hay không, hay chỉ 90 triệu người Việt Nam?

Đó là những thách thức mà tôi cho rằng trong bối cảnh này, không ở đâu trông chờ được vào nhà nước. Hơn 200 Quốc Gia và nền kinh tế trong khu vực, nhà nước chỉ có vai trò nhất định. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh mới đều nên cố gắng trở thành người chiến thắng trong cuộc đua. Khi đó, nhiều người VN, nhiều doanh nghiệp VN thắng thì tất yếu nền kinh tế đất nước sẽ tốt lên.

Bên cạnh đó tôi cũng muốn nhấn mạnh: việc định hướng của nhà nước là vô cùng quan trọng. Nhưng nhà nước chỉ nên làm 2 việc điều hành nền kinh tế: Một là làm cho nền kinh tế thật sự ổn định. Hai là tạo môi trường hoạt động kinh doanh thật sự thông thoáng. Chỉ cần làm 2 việc đó tự động mọi thứ sẽ tốt lên.

Vậy còn lĩnh vực Chứng khoán, thưa ông. Ông đánh giá thế nào về vai trò của thị trường chứng khoán trong 15 năm qua khi họ tham gia vào thị trường và tạo nên một kênh về vốn đặc biệt quan trọng cho nền kinh tế như vậy?

Thị trường chứng khoán trong hơn 10 năm qua có một vấn đề : ý tưởng ban đầu thiết kế ra nó là 1 kênh huy động vốn và với mục tiêu: xây dựng thị trường chứng khoán VN trở thành 1 đối tác cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nhưng thực ra, trong 2 thập kỉ qua, quy mô của chúng ta mới khoảng 60 tỉ Đô La, bằng 1/3 GDP thì đó là một quy mô khá khiêm tốn. Thị trường này hiện đang mang đậm tính đầu cơ.

Tôi đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI nêu ra: “ Chừng nào mà người Việt Nam chưa nghĩ thị trường chứng khoán là nơi đầu tư làm cho tiền sinh lời thay vì cứ hỏi cổ tức bao nhiêu, rồi lấy tiền đó ra đầu tư vào nơi khác, thì lúc đó, tính đầu cơ còn rất là cao và tính ổn định, kênh huy động vốn của họ còn đầy thách thức”.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, với chiếc áo chật thì những người làm trong lĩnh vực chứng khoán đã có nỗ lực rất lớn để tạo ra nền tảng cơ sở như bây giờ. Tôi từng ví nó giống như “Tàu chạy trong ao không thể đáp ứng hết công suất”. Vì vậy, để thị trường chứng khoán trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, chúng ta nên nới lỏng thể chế, thị trường và các chính sách hơn.

Thị trường Chứng Khoán không đơn thuần là nơi cung cấp vốn mà nó còn là nơi nuôi duỡng các ý tưởng, các tài năng. Bởi vì chỉ ở Thị trường Chứng khoán mới có đầu tư mạo hiểm, ở Thị trường Chứng khoán mới có đầu tư vào những ý tưởng cực kì điên rồ mà từ những ý tưởng khác lạ đó mới tạo ra được đột phá cho nền kinh tế. Nếu chỉ dựa đơn thuần vào ngân hàng có khả năng gây ra trục trặc rất lớn hoặc rất khó để phát triển.

Ông thấy gì về sự trưởng thành của các nhà đầu tư? Từ khi họ chưa biết Thị trường Chứng khoán là gì và đến bây giờ họ có sự thay đổi, nhận thức như thế nào về thị trường?

Nếu nói Nhà đầu tư cá nhân thì sẽ không có trưởng thành. Kể cả thị trường Chứng Khoán ở New York, London… những thị trường Chứng khoán lớn khác thì người ta vẫn theo xu hướng tâm lí đám đông.

Nhưng nền tảng nhất của thị truờng là các Nhà đầu tư có tổ chức, các định chế tài chính. Với cấu trúc VN hiện tại chúng ta cũng có một số lượng nhà đầu có tổ chức khá đông, đó là nền tảng. Chúng ta nên dựa vào các nhà đầu tư đó và bớt nhà đầu tư cá nhân thì khi đó, tính trưởng thành mới tăng lên. Điều này rất quan trọng.

Cảm ơn về những nhận định, đánh giá mà ông đã chia sẻ!

Hiền Giang

Cùng chuyên mục
XEM