Kinh tế Nhật Bản: Nguy cơ đối mặt với đợt suy thoái mới?

15/11/2015 09:44 AM |

Dường như Nhật Bản – nền kinh tế thứ ba thế giới đang phải chịu ảnh hưởng lớn của cơn “địa chấn” suy thoái từ nền kinh tế Trung Quốc. Hàng loạt lĩnh vực thế mạnh vốn là niềm tự hào của nền kinh tế Nhật trong thời gian gần đây liên tục giảm tốc. Liệu Nhật Bản có nguy cơ đối mặt với đợt suy giảm kinh tế mới ?

Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, số liệu cập nhật về tình hình kinh tế nói chung và kinh doanh của các tập đoàn hàng đầu nói riêng đều không mấy khả quan, đặc biệt nhu cầu tiêu dùng suy giảm đã lan tỏa khắp tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Người dân thắt chặt hầu bao

Những số liệu mà Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hồi cuối tháng 10 cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của nước này đã liên tiếp giảm trong 3 tháng, chẳng hạn dự báo tháng 9 xuất khẩu sẽ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thực tế chỉ tăng 0,6% tương đương gần 6,5 tỷ Yên. Không chỉ xuất khẩu mà ngay cả tỷ trọng nhập khẩu cũng giảm mạnh mà nguyên nhân được cho là giá dầu liên tục giảm, cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng giảm mạnh. Theo số liệu mà Bộ Tài chính nước này công bố, tháng 9/2015, nhập khẩu giảm 11,1%, tương đương 6.531,8 tỷ Yên. Điều này trái ngược hoàn toàn với mức thặng dư 84,4 tỷ Yên trong tháng 8/2015 cũng như dự báo 87 tỷ Yên của 21 viện nghiên cứu trong một cuộc thăm dò của Jiji Press trước đó.

Điều đáng nói là nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật giảm mạnh đã tác động trực tiếp tới hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế mà một trong những nguyên nhân hàng đầu được cho là việc tăng lương quá chậm so với mức tăng giá của các mặt hàng. Cụ thể, mức lương tháng 7/2015 điều chỉnh lạm phát chỉ tăng 0,5 % nếu so với một năm trước đó, sang tháng 8 chỉ còn 0,2%.

Một nguyên nhân khác cũng được chú ý là tình trạng công việc không ổn định gia tăng, kèm theo là mức lương thấp đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Khác hẳn so với trước đây, người lao động hầu như có việc làm ổn định full-time thì giờ đây, nhiều người chỉ có thể kiếm được việc part – time, con số này được cho là cao kỷ lục trong nhiều năm nay lên tới 37,4 % của lực lượng lao động. Ngay cả tâm lý người lao động cũng đang được cho là không ổn định trước tình hình kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, có một nguyên nhân sâu xa khác khiến người dân Nhật “chùn tay” trong mua sắm là do gần đây, Chính phủ Nhật có kế hoạch sẽ tăng thuế bán hàng lần thứ hai từ 8% lên 10% vào năm 2017. Trong bối cảnh đó, người ta dự báo rằng chi tiêu cho mua sắm của Nhật Bản sang năm 2016 và thậm chí là 2017 sẽ bị đè nặng bởi tâm lý này sẽ khiến tình trạng có thể sẽ xấu hơn hiện nay.

Lợi nhuận DN giảm sút

Trong khi mức chi tiêu của người dân được cho là sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây thì với các tập đoàn lớn của Nhật họ cũng đang phải đương đầu với những khó khăn trong kinh doanh, đặc biệt là những DN đang làm ăn với thị trường Trung Quốc. Theo tính toán, hầu hết lợi nhuận của các DN lớn đều giảm sút trong quý III, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, nguyên nhân được cho là ảnh hưởng trực tiếp từ suy giảm kinh tế của Trung Quốc.

Những số liệu mà Cty SMBC Nikko Securities đưa ra về tình hình niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo cho thấy lợi nhuận của 70% DN Nhật niêm yết trên sàn này đã giảm trên dưới 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, các DN thép chịu thiệt hại nặng nề nhất do thị trường Trung Quốc cắt giảm.

IMF gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2015 và 2016 lần lượt là 0,6% và 1,0%, thấp hơn so với dự báo được đưa ra trong báo cáo trước là 0,8% và 1,2%.

Kobe Steel, nhà sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản đã phải cắt giảm hơn một nửa lợi nhuận trong quý I và II năm nay, sang quý III nhận thấy tình hình không mấy khả quan đã phải điều chỉnh hạ 20% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Hay như nhà sản xuất Komatsu, chuyên cung cấp các loại máy móc hạng nặng cũng phát đi thông báo doanh số bán sang thị trường Trung Quốc giảm tới 50% và chưa có dấu hiệu phục hồi ít nhất từ nay tới hết năm 2015. Ngay cả “ông lớn” trong ngành sản xuất ô tô là Toyota cũng không tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng như mọi năm mà đang tính tới phương án điều chỉnh lại lợi nhuận trong những tháng còn lại của năm 2015.

Triển vọng nào?

Dường như Chính phủ Nhật đang cố gắng đưa ra những giải pháp và mục tiêu để trấn an những lo ngại trên. Bằng chứng là ngay sau khi chính thức tái bổ nhiệm chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào ngày 24/9/2015, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng ông đang tái tập trung vào khôi phục kinh tế, với mục tiêu thúc đẩy GDP tăng 20% đạt 600 nghìn tỷ Yên vào năm 2020.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng mục tiêu này của ông Abe là quá cao so với khả năng thực tế của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia cũng đang nghi ngờ về tính hiệu quả của chính sách Abenomics của ông Abe với chiến lược “3 mũi tên” gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, mọi chỉ số đều không đạt như dự báo. Nợ công Nhật Bản hiện ở mức 240% tổng GDP, lớn hơn nhiều so với Hy Lạp và lớn nhất trong số những nền kinh tế OECD. Những con số này là câu trả lời rõ ràng nhất về tình trạng trì trệ hiện nay của nền kinh tế và nó phần nào cho thấy chính sách Abenomics không chỉ toàn mầu hồng như giới chức nước này tuyên bố. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng Abenomics chỉ đang che đậy những vết thương, nhưng không chữa trị các vấn đề căn bản của nền kinh tế Nhật. Ông Toshiaki Funakubo, Giám đốc điều hành Cty Showa Seisakusho cho biết, ông đã không nhìn thấy Cty mới nào kể từ khi bắt đầu chương trình Abenomics. Còn Jeff Kingston, giáo sư chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo thậm chí còn cho rằng Abenomics là một sự thất bại. Ngay cả các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới cũng đều có sự điều chỉnh về tăng trưởng của Nhật Bản so với dự báo trước đây. Đơn cử như IMF gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2015 và 2016 lần lượt là 0,6% và 1,0 %, thấp hơn so với dự báo được đưa ra trong báo cáo trước là 0,8 % và 1,2 %. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 30/10 cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng trong năm tài chính 2015 (kết thúc vào tháng 3/2016) chỉ đạt 1,2%, giảm so với mức dự báo 1,7% trước đó.

Trong bối cảnh đó, người ta đang trông chờ vào những gói kích thích kinh tế của BOJ có thể sẽ được đưa ra tại cuộc họp của cơ quan này trong tháng 11 khi các số liệu kinh tế trong QIII được công bố, cho dù trước đó, đại diện BOJ nhận định “Nền kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục phục hồi vừa phải, mặc dù XK và sản xuất đã bị ảnh hưởng do suy thoái tại nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.

Rõ ràng, bức tranh kinh tế Nhật Bản trong 10 tháng đầu năm 2015 không mấy sáng sủa đã khiến cho giới phân tích lo ngại về khả năng kinh tế nước này tiếp tục suy giảm trong 2 tháng còn lại của năm 2015. Điều này gần như chắc chắn bởi thời gian chưa đầy 2 tháng của năm 2015 sẽ khó có thể thay đổi tình hình, và nếu không có giải pháp mạnh thì Nhật Bản có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc suy thoái mới đã quá rõ.

Theo Quốc Anh

Cùng chuyên mục
XEM