Kinh tế Mỹ - "đầu tàu cô đơn"

01/12/2014 17:57 PM |

Kinh tế thế giới suy yếu không làm tổn hại mà thậm chí còn giúp ích cho kinh tế Mỹ. Kinh tế Mỹ

Những ngày này, “mùa xuân” đang gõ cửa nước Mỹ. Báo cáo mới được công bố tuần trước cho thấy sau khi điều chỉnh, GDP tăng trưởng 3,9% trong quý III sau khi tăng trưởng trung bình hơn 4% trong 2 quý trước đó. Các chỉ số trên TTCK Mỹ liên tiếp lập đỉnh trong khi thị trường việc làm tăng tốc.

Màu sắc tươi sáng của kinh tế Mỹ càng đáng chú ý hơn khi phần còn lại của thế giới đang gặp nhiều trắc trở. Nhật Bản đã rơi vào suy thoái, châu Âu đau đầu với giảm phát và Trung Quốc phải hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Ngày 25/11, OECD – “câu lạc bộ của các nước giàu” – đưa ra nhận định nhiều nền kinh tế thành viên chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2014 và 2,3% trong năm 2015.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Một phần nguyên nhân mang tính chất thống kê. Kinh tế Mỹ đã suy giảm mạnh trong quý I, bởi vậy cũng dễ hiểu khi tăng trưởng quý II và quý III ở mức cao. Sản lượng quý III tăng 2,4% so với 1 năm trước và tốc độ được dự báo sẽ giữ nguyên trong quý còn lại của năm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là mức cao so với thế giới. Có hai lý do chính dẫn đến điều này: thương mại vẫn chỉ là một phần nhỏ của nền kinh tế Mỹ và thực chất thì những “làn gió ngược” đối với kinh tế thế giới như lãi suất thấp và giá dầu giảm lại hỗ trợ cho kinh tế Mỹ.

Xuất khẩu của Mỹ chỉ tăng trưởng 1% kể từ đầu năm đến nay trong khi nhập khẩu đã tăng 3%. Hoạt động thương mại vẫn đóng góp khá ít ỏi vào tăng trưởng kinh tế trong 2 năm 2012 và 2013. Xuất khẩu (chỉ đóng góp 13% GDP) ở Mỹ ít quan trọng hơn so với ở bất kỳ nền kinh tế nào khác thuộc OECD.

Đồng thời diễn biến của thị trường eurozone cũng ảnh hưởng không lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Mỹ. OCED dự tính diễn biến tiêu cực ở eurozone sẽ khiến lạm phát giảm 0,5 điểm phần trăm, các TTCK giảm 10% và các hộ gia đình phải trả thêm 1 điểm phần trăm khi đi vay. Do đó tăng trưởng sẽ giảm 0,17 điểm phần trăm ở Anh, 0,15 điểm phần trăm ở NHật, 0,14 điểm phần trăm ở Trung Quốc và chỉ 0,08 điểm phần trăm ở Mỹ. Như biểu đồ ở bên cạnh, mặc dù nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ chứng kiến lợi nhuận ở nước ngoài bị suy giảm, lợi nhuận trong nước đã bù đắp lại và thậm chí ở gần mức cao kỷ lục.

Chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn ở châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản đang khiến lãi suất giảm mạnh. Đồng nội tệ của các nước này suy yếu và kể từ tháng 7 tới nay đồng USd đã tăng khoảng 6%. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, trong dài hạn, Mỹ sẽ hưởng lợi nếu các nền kinh tế lớn khác gặp phải thảm họa từ những gói kích thích này. Lãi suất thấp trên toàn thế giới giúp giảm chi phí đi vay ở Mỹ và có lợi cho thị trường nhà đất.

Bruce Kasman, chuyên gia đến từ ngân hàng JPMorgan Chase, cho biết chỉ có 3 lần trong suốt 25 năm qua đồng USD tăng giá cùng thời điểm với giá dầu giảm: năm 2001 cũng như 2008, khi thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, và năm 1997 – 1998, khi kinh tế châu Á khủng hoảng. Giai đoạn 1997 – 98 đã chứng kiến tiêu dùng bùng nổ ở Mỹ và rất có thể kịch bản này sẽ lặp lại trong năm nay. Mấy năm gần đây, tiêu dùng toàn cầu có liên quan chặt chẽ đến lạm phát và lần này cũng không có gì khác biệt. Lạm phát thấp ở Mỹ sẽ giúp sức mua mạnh thêm 2% trong quý này và các quý tới.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một “chiếc bẫy” đối với nước Mỹ. Suy thoái trên quý mô toàn cầu hiếm khi lan rộng thông qua các kết nối thương mại mà sẽ qua một cú sốc chung như khủng hoảng tài chính hoặc dầu rớt giá quá mạnh. Châu Âu lại rơi vào suy thoái hoặc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc sẽ khiến niềm tin ở mọi nơi sụp đổ.

Mặc dù giá dầu rẻ là tốt đối với người tiêu dùng, lạm phát kỳ vọng sẽ giảm và lãi suất thực tăng lên. Fed gần như không thể làm gì nếu kịch bản này xảy ra bởi lãi suất danh nghĩa đã ở gần mức 0 và không thể giảm hơn nữa.

>> QE3 đã đem lại điều gì cho kinh tế Mỹ?

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM