Kinh tế đi lên, bất động sản cho thuê vẫn chật vật

14/07/2015 09:07 AM |

Trong khi phân khúc nhà ở mua bán trao tay có bước đột phá về thanh khoản thì mảng cho thuê lại có chiều hướng xấu đi về công suất và lợi nhuận.

Theo báo cáo khảo sát thị trường bất động sản cho thuê, bao gồm cả văn phòng, bán lẻ, căn hộ dịch vụ và khách sạn trong quý 2/2015 của Savills Việt Nam công bố cuối tuần qua, phân khúc này đã có chiều hướng đi ngược với sự phục hồi của nền kinh tế.

Savills cho biết, ở mảng văn phòng cho thuê tại Hà Nội, tổng diện tích cho thuê đạt khoảng 1.491.000 m2, tăng nhẹ cả theo quý và năm.

Tuy nhiên, giá thuê văn phòng trung bình đạt 394.000 đồng/m2/tháng, trong đó giá thuê của hạng A và hạng B lần lượt giảm 0,3% và 0,9% theo quý, duy chỉ có hạng C tăng nhẹ. Công suất thuê của hạng B giảm 1,9 % theo quý.

Đáng chú ý, tổng diện tích cho thuê thêm giảm gần 100% theo quý và theo năm. Diện tích cho thuê thêm của hạng A và hạng C đạt mức dương trong khi hạng B lại ở mức âm.

Theo khảo sát của Savills, số lượng khách thuê quốc tế chiếm một tỷ trọng lớn, khoảng 60% trong các tòa nhà văn phòng hạng A và hạng B; diện tích thuê của các công ty trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong diện tích đã cho thuê.

Áp lực về công suất thuê được dự báo sẽ tăng lên khi mà từ nửa cuối năm 2015 trở đi, tổng nguồn cung tương lai của thị trường sẽ đạt khoảng 1.470.000 m² sàn văn phòng từ 129 dự án.

Và đến cuối năm 2017, 35 dự án mới sẽ cung cấp thêm khoảng 544.000 m2 sàn tăng 36% so với nguồn cung hiện tại.

Ngay cả mảng khách sạn, mặc dù du khách quốc tế đến Hà Nội trong 6 tháng đầu năm tăng khá, ngược với xu hướng giảm của cả nước thì mảng khách sạn vẫn không có nhiều khởi sắc.

Công suất thuê giảm 5% theo quý nhưng tăng nhẹ 1% theo năm. Giá thuê phòng trung bình (ARR) tăng 5% theo năm và nhưng giảm 6% theo quý do giá thuê của tất cả các hạng đều giảm

Đáng chú ý, doanh thu phòng trung bình (RevPAR) giảm13% theo quý.

Từ quý 3/2015 trở đi, Hà Nội sẽ có 31 dự án khách sạn, 14 dự án trong đó sẽ cung cấp khoảng 4.850 phòng. Số phòng của 17 dự án còn lại chưa được xác định.

Trong 2 quý cuối năm 2015, một khách sạn với 359 phòng dưới sự quản lý của tập đoàn khách sạn InterContinental (IHG) được dự kiến sẽ gia nhập thị trường.

Ở mảng mặt bằng bán lẻ, trong quý 2/2015, siêu thị Big C tại quận Hà Đông đi vào hoạt động đã đưa tổng nguồn cung bán lẻ của Hà Nội đạt khoảng 950.000 m2, tăng 0,4% theo quý và 3% theo năm.

Tuy nhiên, giá thuê trung bình đạt 841.000 đồng /m2/tháng, giảm 0,9% theo quý và khoảng 10% theo năm. Giá thuê tại trung tâm bách hóa và trung tâm mua sắm lần lượt ghi nhận mức giảm 0,7% và 1,2%, trong khi giá cho thuê của khối đế bán lẻ có tăng nhẹ.

Theo dự báo, từ nửa cuối năm 2015-2017, Hà Đông sẽ trở thành nguồn cung tương lai lớn nhất thị trường với khoảng 225.000 m2, gấp 3,5 lần so với nguồn cung hiện tại của quận.

Trong nửa cuối năm 2015, khoảng 353.000 m2 từ 16 dự án sẽ gia nhập thị trường. Trong đó có 2 dự án đáng chú ý là Vincom Nguyễn Chí Thanh và Aeon Mall Long Biên sẽ cung cấp hơn 165.000 m2 diện tích bán lẻ.

Mảng căn hộ cho thuê tại Hà Nội cũng không có được kết quả khả quan khi mà công suất thuê giảm khoảng 3% theo quý và năm.

Giá thuê trung bình (ARR) không thay đổi theo quý và theo năm, ở mức 548.000 đồng/m²/tháng, nhưng giá thuê trung bình của hạng C giảm khoảng 2% . Doanh thu bình quân trên căn (RevPAU) giảm 11% theo quý, xuống 43,6 triệu đồng/căn/tháng.

Theo Nguyên Hà

Cùng chuyên mục
XEM