Kinh doanh chuỗi cà phê năm 2015: Những gam màu sáng tối

29/01/2016 16:00 PM |

2015 - thời điểm bùng nổ của các mô hình kinh doanh cà phê chuỗi với sự ra đời của hàng trăm quán cà phê thuộc nhiều mô hình trong và ngoài nước.

Khi “đại gia” phải thoái lui

Thị trường không phải chỉ toàn màu hồng, không ít chuỗi sau thời gian phát triển nóng đã phải thoái lui vì áp lực cạnh tranh là rất lớn. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, bà Patricia Marques - CEO của Starbucks Việt Nam cho biết đến nay chuỗi này đã mở 12 cửa hàng và bà cũng chia sẻ thực tế là hiện nay ở các cửa hàng Starbucks không còn cảnh xếp hàng chờ đợi như lúc ban đầu, nguyên nhân là do số lượng cửa hàng tăng lên nên đã san bớt lượng khách. Thật tế cho thấy người tiêu dùng cà phê Việt Nam không còn chạy theo “tâm lý đám đông”, sính thương hiệu ngoại mà đã chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm cũng như phục vụ.

Mới đây, một “đại gia” cà phê khác là Caffé Bene đến từ Hàn Quốc với chiến lược sử dụng “sao Hàn” để hút giới trẻ Việt cũng tham gia thị trường. Ban đầu, Caffé Bene có kế hoạch trong vòng 5 năm sẽ mở khoảng 300 cửa hàng tại Việt Nam. Nhưng chưa đầy một năm, con số dự kiến đó đã giảm xuống còn 100 cửa hàng.

Nguyên nhân theo một vị đồng sáng lập chuỗi này cho biết là do thị trường cà phê Việt Nam không đồng nhất về khẩu vị và đang có nhiều ông lớn cạnh tranh trong cùng một phân khúc. Cuộc chiến mặt bằng cũng là một vấn đề khá nan giải nên kế hoạch phát triển của chuỗi Caffé Bene đã được điều chỉnh lại cho hợp lý hơn.

Quả thật, một trong những thách thức lớn nhất của các chuỗi cà phê là áp lực chạy đua giành mặt bằng. Với giá thuê mặt bằng tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội luôn ở trong top đầu của thế giới thì các chuỗi cà phê định vị ở phân khúc cao cấp và khu vực trung tâm ... sẽ phải giải bài toán chi phí rất lớn.

Tất nhiên, khi thị trường gặp khó khăn, doanh thu không bù đủ chi phí thì việc thoái lui khỏi các mặt bằng giá thuê cao là tất yếu và đây cũng là cơ hội cho thương hiệu khác có tiềm lực, được khách hàng ưa thích hơn. Những ai tinh ý sẽ thấy rằng tại góc đường Nam Kì Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai trước đây có 1 cửa hàng cà phê của thương hiệu khá lớn đến từ Úc nhưng nay đã đóng cửa, trả lại mặt bằng. Tương tự, cửa hàng nhượng quyền thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại ngã 4 đường Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học cũng vừa thông báo đóng cửa vào những ngày đầu năm 2016.

Nguồn năng lượng mới từ người trẻ

Áp lực cạnh tranh là rất lớn nhưng thị trường cà phê ở Việt Nam vẫn đang đủ rộng để các doanh nhân trẻ thử sức. Trong năm 2015, một cái tên mới cũng đang tạo ấn tượng mạnh trong giới trẻ, những người đam mê cà phê và là chuỗi lấy tên “Ngôi nhà cà phê” - The Coffee House. Bắt đầu từ 1 cửa hàng vào tháng 9/2014, chỉ sau hơn 1 năm đến nay chuỗi The Coffee House đã có 15 cửa hàng tại Sài Gòn, 3 cửa hàng tại Hà Nội. Với tốc độ mở cửa hàng như vậy, có thể nói The Coffee House là start-up cà phê có tốc độ phát triển nhanh nhất thị trường hiện nay.

Xây dựng hướng đi riêng để tạo sự khác biệt
Xây dựng hướng đi riêng để tạo sự khác biệt

Dù nhận định thị trường cà phê Việt Nam đang ở vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất nhưng CEO Nguyễn Hải Ninh vẫn tự tin dự báo mức tăng trưởng của chuỗi trong năm 2016 này sẽ đạt 100%. Để đạt mức tăng trưởng như kế hoạch, chiến lược của The Coffee House là sẽ luôn luôn cải tiến chất lượng. Cụ thể hơn, từ cuối năm 2015, The Coffee House đã đầu tư 50 ha nông trường cà phê tại Cầu Đất – Đà Lạt. Đầu năm 2016, chuỗi cửa hàng này còn đưa vào hoạt động một nhà máy rang xay tại Quận 7. Điều này thể hiện sự nghiêm túc đầu tư và tham vọng không nhỏ của đội ngũ lãnh đạo The Coffee House.

Ngoài ra, “đi cà phê” còn là một khái niệm chung chung mang ý nghĩa gặp gỡ, hội họp và cà phê là chất xúc tác cho nhu cầu kết nối. Hiểu được nhu cầu này, các cửa hàng The Coffee House được thiết kế đậm phong cách contemporary - hiện đại, với không gian rộng rãi và thoải mái và tiên phong trong việc mang vườn cây xanh vào trong nhà (garden-in-the-house). Đặc biệt, mặc dù là cà phê dạng chuỗi nhưng mỗi quán lại có những nét thiết kế riêng với nguồn cảm hứng địa phương, ví dụ cửa hàng ở Trần Cao Vân với chiếc xích lô được treo ở giữa quán gợi nhớ về Sài Gòn xưa do nằm gần khu vực Hồ Con Rùa là một biểu tương của Sài Gòn. Cũng vì sự chăm chút về ý tưởng này nên The Coffee House đang được người tiêu dùng đánh giá rất cao về không gian và thiết kế cửa hàng.

Những cái tên khác cũng nổi lên trong thời gian gần đây là chuỗi The KAfe - chuỗi cửa hàng cà phê đô thị phục vụ ẩm thực fusion – đông tây kết hợp. The KAfe cũng là một doanh nghiệp trẻ, hồi tháng 10/2015 đã nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông.

Một chuỗi cà phê được mệnh danh là “chất” tại Hà Nội trong 2 năm vừa qua là Cộng. Mới đầu, Cộng chỉ là một quán cà phê nhỏ nằm khiêm tốn trên góc đường Triệu Việt Vương, Hà Nội. Chỉ sau vài năm, Cộng đã trở thành một hệ thống quán cà phê lớn với 19 cửa hàng và được giới trẻ yêu thích vì trải nghiệm hoài niệm bao cấp và một Việt Nam của những năm 1980-1990.

Cạnh tranh và người tiêu dùng có lợi

Với áp lực cạnh tranh lớn và người tiêu dùng càng trở nên “quyền lực”, các thương hiệu với mô hình chuỗi kinh doanh cần phải đầu tư về chiều sâu và chất lượng chứ không đơn thuần mở rộng hệ thống. Điều này sẽ giúp cho thị trường cà phê chuỗi càng trở nên chất lượng hơn, hấp dẫn hơn, sáng tạo hơn trong con mắt người tiêu dùng.

Đầu tư cho cả chiều sâu để tạo chất lượng hoàn chỉnh
Đầu tư cho cả chiều sâu để tạo chất lượng hoàn chỉnh

Sự thành công của những chuỗi cà phê trên cho thấy thực tế những thương hiệu làm tốt luôn có ý tưởng tốt, luôn cải tiến và am hiểu thị hiếu của thị trường và con người Việt Nam. Đó cũng là niềm tự hào của thế hệ doanh nghiệp mới của Việt Nam khi quyết tâm khẳng định mình trên thị trường và mang những giá trị ẩm thực, con người Việt Nam đến thế giới trong hoàn cảnh toàn cầu hoá ngày nay khi nhiều thương hiệu phương Tây đang tấn công vào thị trường Việt Nam.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM