Khu vực tư nhân vượt ải hội nhập

11/01/2016 08:12 AM |

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra mắt vào ngày cuối cùng của năm 2015, nhằm tăng cường liên kết vùng, đưa các quốc gia ASEAN thành một thị trường chung có quy mô 2,6 nghìn tỷ USD và trên 600 triệu dân, thành một trụ cột của kinh tế toàn cầu.

Cho dù về lý thuyết là như vậy nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, kỳ vọng lẫn nghi ngờ về hoạt động có hiệu quả của khối kinh tế này.

Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) trên trang web tiếng Việt đã viết: “Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%”. Dự đoán trên tất nhiên cho chúng ta một sự phấn khởi trong tương lai.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lời chúc mừng đến chính phủ và nhân dân các nước thành viên ASEAN, với nhận định “Đây là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết khu vực ở Đông Nam Á”.

Ông nhấn mạnh cộng đồng này thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc nâng quan hệ liên kết, hợp tác lên tầm cao mới, vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Về phần Việt Nam, Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, để hội nhập Cộng đồng ASEAN thành công với vai trò vị thế quốc gia lớn hơn, Việt Nam phải phát huy mạnh mẽ nội lực và sức sáng tạo, tranh thủ các cơ hội thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững.

Điều này đòi hỏi Chính phủ phải tái cơ cấu nền kinh tế, tận dụng mọi tiềm lực đất nước, trong đó có việc ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thực sự để doanh nghiệp khu vực tư nhân bứt phá. Đây chính là lực lượng tiềm năng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập toàn diện, thế nhưng lâu nay vẫn chưa được cởi trói thực sự.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực tư nhân hiện có khoảng gần 460 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 97,5% số doanh nghiệp cả nước, thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế chiếm bình quân 35,8% GDP, tạo hơn 60% việc làm.

Xét về quy mô, hầu hết doanh nghiệp khu vực tư nhân của chúng ta hiện nay có quy mô nhỏ và vừa (khoảng 99%), trong đó 67,7% là doanh nghiệp siêu nhỏ có không quá 10 lao động. Chỉ 1% số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động là doanh nghiệp lớn, trong đó một số có quy mô tập đoàn với tiềm lực tài chính lẫn nhân sự mạnh, hoạt động mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

Đáng lo là số doanh nghiệp này không nhiều, trong khi các số liệu thống kê cho thấy từ năm 2007 đến nay, quy mô doanh nghiệp tư nhân được thành lập có xu hướng ngày càng nhỏ đi với sự tăng lên của doanh nghiệp siêu nhỏ, sự sụt giảm của các doanh nghiệp có quy mô lớn, vừa và nhỏ.

Tuy phát triển không cân bằng như vậy nhưng khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí của mình. Nhiều thương hiệu có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và ngoài nước như Vincom Group, Masan, Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên, Hòa Bình,… giữ vai trò quan trọng giải phóng sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế – xã hội.

Không những thế, các doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng khôi phục, tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách an sinh xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo…

Thực tế là hiện nay, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngân sách nhà nước khá ngặt nghèo nhưng vẫn có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước và sau đó là doanh nghiệp FDI, trong khi luôn hạn chế với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính vì thế kinh tế tư nhân của chúng ta đã nhỏ lại càng nhỏ hơn và chưa được tạo nhiều điều kiện để phát triển như doanh nghiệp nhà nước mà phần lớn làm ăn không hiệu quả.

Có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân – nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ – hiện nay rất đơn độc, không được ưu đãi như những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà thực chất cũng là doanh nghiệp tư nhân.

Chúng ta chưa quan tâm đầy đủ và chưa có đủ luật mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển. Cho dù đã có một số biện pháp giúp các doanh nghiệp yếu vượt khó khăn, nhưng vấn đề không phải là nuôi sống một tế bào kinh tế mà làm cho lực lượng tư nhân trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.

Chúng ta có nhiều luật tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và tới đây còn làm nhiều hơn thế nữa, như thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này sẽ dùng tiền ngân sách, thông qua một số ngân hàng thương mại để cho vay, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng thử hỏi đến bao giờ và có bao nhiêu đối tượng được hưởng điều mà Nhà nước gọi là “ưu đãi” này.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được xúc tiến để có được dự thảo đầu tiên thảo luận về những chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra còn có kế hoạch thành lập những trung tâm ươm mầm các doanh nghiệp cũng như là hỗ trợ sáng tạo. Ý tưởng sáng tạo này sẽ bắt đầu từ mọi người dân, mọi thành phần, khuyến khích lớp người trẻ, có tri thức để họ đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, để từ đó khuyến khích các thành phần doanh nghiệp trẻ phát triển. Nhưng đó là chuyện của tương lai và vẫn còn trên giấy tờ.

Sản xuất ở một công ty giày tư nhân Từ ngày đầu nền kinh tế bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta đã thực hiện những bước đi đột phá khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển như xóa bỏ mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp, công nhận quyền sử dụng đất đai tư nhân, gỡ bỏ cơ chế quản lý giá đối với nhiều mặt hàng; và với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, rất nhiều hạn chế đối với khu vực kinh tế tư nhân đã được dỡ bỏ.

Một số doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển giao sang khu vực tư nhân, và nhiều doanh nghiệp khác đã tiếp nhận vốn tư nhân và đa dạng hóa thành phần sở hữu. Thế nhưng cũng rất cần xem lại, việc chuyển đổi sở hữu ấy thực chất như thế nào. Thời gian gần đây đã có một số biểu hiện cho thấy sở hữu vốn nhà nước lại núp bóng tư nhân.

Thành công của một nền kinh tế phụ thuộc vào việc phân bổ tối ưu vốn và các nguồn lực để đạt được hiệu quả và năng suất cao nhất. Đồng vốn phải đến đúng người, đúng nơi làm ra sản phẩm mà xã hội và nền kinh tế cần. Đây là điều nhức nhối triền miên khi hầu hết đồng vốn từ các ngân hàng quốc doanh lẫn cổ phần đều tập trung cho doanh nghiệp nhà nước.

Kinh tế tư nhân chỉ có thể tạo ra nhiều việc làm tay nghề cao và mang lại giá trị lớn, tăng cường đổi mới, sáng tạo nếu có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với đồng vốn. Một trong những chiến lược để khôi phục lại tốc độ tăng trưởng nhanh chính là tạo ra những điều kiện cần thiết để đảm bảo rằng khu vực kinh tế tư nhân chính là động cơ của sự đổi mới, là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế thời kỳ hội nhập, hội đủ các điều kiện trở thành đối tác của doanh nghiệp tư nhân các nước trong khu vực. Vì vậy, việc hỗ trợ để khu vực tư doanh đủ sức hội nhập và phát triển đang là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.

Một trong những yêu cầu quan trọng cho năm 2016 là khẩn trương hướng dẫn thực thi các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, với EU và nhất là qua sự vận hành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho doanh nghiệp tư nhân mà số đông vẫn còn mơ hồ, theo khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị của những tập đoàn xuyên quốc gia, doanh nghiệp FDI và cả quốc doanh cũng rất cần thiết vào thời điểm này.

Chính sách khuyến khích hỗ trợ theo chuỗi sản phẩm, ngành hàng thay cho chính sách hỗ trợ đơn lẻ hiện hành để tiếp sức cho doanh nghiệp trong những nỗ lực liên kết chính là cách vừa tạo thế, vừa tạo lực cho khu vực tư doanh thời kỳ hội nhập.

Theo LÊ MINH TRÍ

Cùng chuyên mục
XEM