Không đùa với hàng tồn kho!

21/11/2014 10:11 AM |

Không ít doanh nghiệp thua lỗ, hụt dòng tiền chỉ vì chính sách sai lầm trong việc mua và dự trữ hàng tồn kho phục vụ sản xuất.

Đối với một doanh nghiệp sản xuất, hàng tồn kho là một khoản mục cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Chế độ hạch toán, thời điểm mua và dự trữ hàng tồn kho là một câu chuyện dài đối với nhiều doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp “chết” chỉ vì hàng tồn kho.

Khi hàng tồn kho là “cục nợ”

Quan sát hàng tồn kho của Thủy hải sản Việt Nhật (VNH), có thể thấy rõ biến động đáng kể từ năm 2013 đến nay. Cuối quý 3/2013, hàng tồn kho của VNH chính thức bằng 0, kèm theo đó là việc công ty chuyển nhượng khu nhà xưởng sản xuất. Nhiều người hình dung đến một hướng rẽ mới khi VNH tuyên bố hợp tác với một công ty Nhật Bản để sản xuất bột nêm. Thế nhưng, đến cuối quý 1/2014, Thủy hải sản Việt Nhật lại dự trữ hàng tồn kho trở lại, đạt 17,4 tỷ đồng và tăng dần cho đến cuối quý 3 năm nay.

Mặc dù hàng tồn kho tăng dần trong 9 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh quý 3 của VNH lại tương đối xám xịt khi lỗ ròng tới 37,2 tỷ đồng, nâng khoản lỗ 9 tháng lên 38,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do công ty phải kiểm kê kho nguyên liệu và thành phẩm tồn kho, xử lý hàng mất phẩm chất, và chính thức lỗ gộp tới 36 tỷ đồng. Có nghĩa là, để xử lý thành phẩm tồn kho, VNH đã chấp nhận bán hàng dưới giá vốn.

Cũng tương tự như vậy, quý 3/2014 Thực phẩm Vĩnh Long (Vinhlong Food – VLF) quý 3 năm 2014 chủ yếu tập trung bán hàng tồn kho, thu hồi công nợ, bán tài sản không hiệu quả… Từ 136 tỷ đồng hàng tồn kho cuối quý 2, sau 3 tháng, số dư hàng tồn kho của VLF chỉ còn 26 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có vẻ như để giải phóng hàng tồn kho, VLF đã chấp nhận bán hàng dưới giá vốn và lỗ gộp 4,3 tỷ đồng.

Phía công ty kỳ vọng việc giải quyết dứt điểm những tồn đọng về hàng tồn kho, công nợ, tài sản hoạt động kém hiệu quả… sẽ mở đường cho những ổn định sắp tới từ đầu vụ đông – xuân 2015.

AVF – Công ty cổ phần Việt An cũng vướng khối lượng hàng tồn kho, và đang tính rà soát, phân loại xử lý bán hàng. Công ty cho biết do giá thị trường thấp hơn giá vốn hàng tồn kho nên AVF cũng đang cần đánh giá lại hàng tồn kho để có chính sách bán hàng hợp lý. Tính đến cuối quý 2/2014 – theo báo cáo bán niên có soát xét, hàng tồn kho của AVF đạt 560 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy lượng hàng tồn này có số dư trích lập dự phòng bằng 0. Kết quả kinh doanh năm 2014 của AVF có thể sẽ phản ánh kết quả phương án xử lý hàng tồn kho của công ty – theo “lời hứa” của AVF trong văn bản giải trình ý kiến kiểm toán báo cáo soát xét.

Gỗ Trường Thành “toát mồ hôi” với gỗ Teak

Câu chuyện gỗ Teak dự trữ của Gỗ Trường Thành (TTF) lại là một câu chuyện gay cấn không kém.

Gỗ Teak là loại gỗ thuộc phân khúc cao cấp, không thấm nước, thích hợp với các thiết bị ngoại thất. Việc dự trữ gỗ Teak đem lại doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho Gỗ Trường Thành vào những năm 2007 trở về trước do giá của loại nguyên liệu cao cấp này luôn tăng trung bình khoảng 12 – 20%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng thời kỳ đó chỉ ở vào khoảng 9 – 10%/năm. Nhận thấy thị trường thuận lợi, TTF ra quyết định nhập thêm một khối lượng tương đối lớn gỗ Myanmar  - nơi có nguồn gỗ Teak với giá trị và chất lượng tốt nhất  - với kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá về sau này.

Tuy nhiên, thật không may, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 khiến thị trường của TTF bị thu hẹp. Kinh tế toàn cầu suy thoái, bất động sản tại Mỹ và Châu Âu đóng băng...Thị hiếu người tiêu dùng trở lại với các sản phẩm gỗ phân khúc bình dân. Giá gỗ Teak nguyên liệu cũng sụt giảm. Doanh thu xuất khẩu sụt giảm, và quan trọng hơn cả, TTF bị mắc kẹt với khối lượng gỗ Teak mà không biết dùng vào việc gì!

Khó khăn về dòng tiền của TTF một phần cũng bắt nguồn từ chiến lược sai lầm trong việc dự trữ gỗ Teak.

Công ty đã phải cân nhắc và ra quyết định tương đối “đau đớn” là bán cắt lỗ gỗ Teak  hoặc thế chấp toàn bộ để vay vốn ngân hàng. TTF lựa chọn phương án thứ 2 và được ngân hàng chấp thuận.

Câu chuyện gỗ Teak vẫn chưa dừng tại đó, thị trường phục hồi, giá gỗ Teak bắt đầu tiệm cận với mức giá mà công ty đã mua từ trước đó – sau khi Myanmar có cam kết bảo vệ rừng, hạn chết xuất khẩu nguyên liệu gỗ Teak. May mắn cho Gỗ Trường Thành, các ngân hàng tỏ ra khá ưu ái với công ty này khi chấp nhận mua cổ phiếu phát hành thêm của TTF để hoán nợ vay, qua đó giảm nợ và giải chấp hàng tồn kho đưa vào sản xuất.

Theo nguồn tin của chúng tôi, hiện nay công ty đã thu tiền phát hành xong 26,5 triệu cổ phiếu cho các ngân hàng và các nhà đầu tư trong nước.

Có thể nói, câu chuyện dự trữ gỗ Teak của TTF cuối cùng rồi cũng đã có một cái kết có hậu. Mặc dù là không hề suôn sẻ.

>> Tồn kho ngút trời: Hướng đi nào cho ngành mía đường VN?

Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM