Khoa học Việt Nam đang đứng ở đâu?

18/06/2015 15:32 PM |

Tại Việt Nam, trong 1 triệu dân mới có 700 người làm nghiên cứu khoa học, con số này nhỏ hơn 9 lần so với quốc gia phát triển nhất ASEAN là Singapore.

Nếu như nói an ninh, quốc phòng, giáo dục, văn hóa - xã hội ... là những lĩnh vực không thể thiếu cho sự ổn định và phát triển của đất nước thì khoa học - công nghệ là một lĩnh vực vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của mỗi đất nước.

Trong quá trình hội nhập hiện nay, khoa học - công nghệ sẽ làm cho đất nước ngày càng văn minh hiện đại, thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và tiếng nói của đất nước Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế.

Để cho khoa học - công nghệ phát triển mạnh trên đất nước Việt Nam thì đòi hỏi đất nước ta phải chú trọng đầu tư phát triển mạnh mẽ nền giáo dục.

Năm 2000, ở Việt Nam trong 100 người đi làm chỉ có 16 người được học nghề. Đến năm 2015, cứ 100 người đi làm có 51 người đã qua đào tạo. Nghĩa là sau 15 năm vẫn còn phân nửa số người đi làm mà chưa từng qua trường lớp nào cả.

15 năm trước, cả nước chỉ có 1,5 triệu lao động có trình độ ĐH-CĐ trong toàn bộ nền kinh tế, còn bây giờ con số này tăng lên 4,8 triệu người. Theo kế hoạch đến 2020, chúng ta kỳ vọng số lao động đã qua đào tạo sẽ chiếm 15% tổng lao động của cả nước.

Hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 450.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH-CĐ, dự báo trong một vài năm nữa con số này sẽ tăng lên khoảng 500.000 sinh viên, trong đó có khoảng 25.000 du học sinh tốt nghiệp tại nước ngoài.

Một nền kinh tế mỗi năm có nửa triệu người trình độ ĐH-CĐ bước vào thị trường lao động, được đánh giá là một lợi thế cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Tại sao nền khoa học của nước ta còn hạn chế?

Theo thống kê, Singapore là đất nước 5,5 triệu dân, trong đó cứ 1 triệu dân có 6.500 người làm nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 6.000 người/1 triệu dân, Nhật Bản 5.000 người, Mỹ là 4.000 người, Malaysia 1.600 người, Trung Quốc 900 người, còn Việt Nam chỉ có 700 người.

"Trong 1 triệu dân chỉ có 700 người làm khoa học, như vậy không thể đòi hỏi khoa học chúng ta phát triển như thế giới hay trên khu vực được. Chưa nói đến trình độ, vấn đề là phải tăng số người làm nghiên cứu khoa học lên, số lượng như vậy là quá ít", nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm tại diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia – Hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, một yếu tố nữa cần chú ý đến là số tiền chi cho khoa học.

Tại Singapore, số tiền được chi cho khoa học chiếm 2,1% GDP , Hàn Quốc là một nước có trình độ Khoa học & CNTT rất cao chi cho khoa học 4,1% GDP, Nhật Bản nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là 3,4% GDP, Malaysia là 1% GDP, còn Việt Nam chỉ là 0,87% GDP.

Số người làm khoa học không nhiều, số tiền dành cho nghiên cứu cũng hạn chế dẫn tới số công bố khoa học ít ỏi như hiện tại cũng là điều... đương nhiên.

Năm 2010 cả nước có 1.400 công bố khoa học, thì đến năm 2014 con số tăng lên là 2.600 công bố. Đây là tiến bộ rất đáng kể của Việt Nam, tuy nhiên nếu so với các nước khác thì con số này vẫn vô cùng khiêm tốn.

Trong khi ở Hoa Kỳ có 2,6 triệu công bố khoa học và 1,3 triệu người làm nghiên cứu khoa học, trung bình 1 nhà khoa học Mỹ mỗi năm có 2 công bố khoa học.

Trung Quốc có 1 triệu công bố và 1,2 triệu người làm khoa học, bình quân cứ 1 người làm khoa học Trung Quốc mỗi năm có 0,83 công bố.

Ở ASEAN, Singapore đứng đầu với 63.000 công bố, Malaysia là 47.000, Thái Lan 36.000, nước thứ 4 ở ASEAN là Việt Nam khoảng 10.000 trong 4 năm vừa qua.

Vấn đề ở chỗ, Việt Nam có chi được 2% GDP cho nghiên cứu khoa học không? "Nếu chúng ta muốn phát triển ngang bằng khu vực thì số tiền dành cho nghiên cứu không thể dưới 2%", ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Một bài toán được đặt ra là, nếu chúng ta đổi mới cơ chế giáo dục và khoa học, nếu chúng ta tăng nhân lực khoa học từ vài trăm người lên 2.000 người, tăng đầu tư cho khoa học từ 0,87% lên 2% GDP, thì Việt Nam có nằm trong top các nước đứng đầu khu vực hay không?

Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ...

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM