Hy Lạp sẽ vỡ nợ?

30/06/2015 13:58 PM |

Theo ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới (Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch), nếu Hy Lạp không thể trả nợ cho IMF, nước này cũng không vỡ nợ.

Toàn bộ giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi liệu có phải Hy Lạp sẽ vỡ nợ trong vài giờ tới nếu không thể hoàn trả khoản nợ 1,7 tỷ USD đáo hạn vào ngày 30/6 cho Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Tuy nhiên, có một định chế tài chính chưa hề lên tiếng. Điều đáng ngạc nhiên là đây lại là cơ quan có vai trò lớn nhất đối với Hy Lạp.

NHTW châu Âu (ECB) – cơ quan đang cầm “chiếc phao cứu sinh” của hệ thống ngân hàng Hy Lạp với gần 89 tỷ euro (tương đương 100 tỷ USD) được bơm vào các ngân hàng Hy Lạp thông qua chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) – vẫn chưa hề đưa ra bất kỳ một kế hoạch rõ ràng nào để phản ứng với kịch bản Hy Lạp không thể trả nợ.

Theo ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới (Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch), nếu Hy Lạp không thể trả nợ cho IMF, nước này cũng không vỡ nợ vì từ này được dùng để chỉ các chủ nợ tư nhân và không bao gồm IMF.

Dẫu vậy, chắc chắn các nhà hoạch định chính sách ở ECB sẽ phải xem xét sự kiện Hy Lạp không thể trả nợ đúng hạn tác động như thế nào đến khả năng thanh toán của các ngân hàng Hy Lạp.

Quyết định có tiếp tục cung cấp ELA cho Hy Lạp hay không sẽ tác động lớn đến tương lai của Hy Lạp ở eurozone. Benoit Coeure, một quan chức của ECB, mới đây cho biết NHTW châu Âu vẫn sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp. Tuy nhiên, theo luật lệ của ECB, ELA chỉ được cấp cho các ngân hàng khi chúng có khả năng thanh toán và có tài sản đảm bảo đủ tiêu chuẩn.

Mặc dù Giám đốc điều hành của IMF là bà Christine Lagarde phát biểu trên CNBC vào cuối tuần trước rằng bà vẫn hi vọng Hy Lạp sẽ có thể thanh toán nợ đúng hạn, cơ hội dành cho nước này trở nên mong manh hơn bao giờ hết sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras kêu gọi trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới. Đàm phán với các chủ nợ đã sụp đổ và các ngân hàng Hy Lạp phải đóng cửa trong ít nhất 1 tuần.

Đầu tháng 6, bà Lagarde cũng đã sử dụng từ “vỡ nợ” để ám chỉ tình trạng Hy Lạp không thể trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên tuần trước Gerry Rice (người phát ngôn của IMF) khẳng định IMF sẽ không sử dụng từ này trên các kênh thông tin chính thức. IMF sẽ dùng từ “khất nợ”.

Theo Tú Anh

Cùng chuyên mục
XEM