Hơn 30 tỷ USD làm từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates tiêu sai mục đích?

29/12/2014 11:56 AM |

Nhiều tổ chức từ thiện như của vợ chồng tỷ phú Gates đang tập trung quá sâu vào những bệnh dịch đặc biệt mà cuối cùng không có bất kỳ sự đầu tư nào để giúp nâng cấp hệ thống cơ sở chăm sóc y tế.

Hơn 1 thập kỷ qua, các nhóm tình nguyện như tổ chức của vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates đã dành hàng tỷ USD để chiến đấu với những dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, một số chuyên gia về sức khỏe cộng đồng lại đang muốn họ dừng lại.

Các tổ chức này “đang gây thêm những điều bất lợi hơn là làm những việc tốt. Tôi muốn thế giới biết được điều này”, Salman Rawaf - giáo sư tại trường Cao đẳng Imperial London đồng thời là cố vấn cho Tổ chức Y tế thế giới nói. “Họ rất rộng lượng. Tuy nhiên thay vì tiêu tiền vào những bệnh dịch đặc biệt, họ nên dùng để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ”.

Trong khi quan điểm của While Rawaf khá gay gắt, rất nhiều quan chức cũng nói rằng ưu tiên dành hàng tỷ USD chống lại những căn bệnh như AIDS, sốt rét và bại liệt hơn là ủng hộ những dịch vụ y tế cơ bản không giúp các quốc gia có thể chuẩn bị trước cho những bệnh dịch lây truyền nguy hiểm như Ebola.

Các nhà phê bình nói rằng các nguồn lực dành cho cơ sở hạ tầng y tế như đào tạo bác sỹ, y tá, đảm bảo nguồn cung thuốc hoặc phát triển hệ thống ngăn chặn đại dịch bùng nổ là cần thiết hơn.

“Ebola là ví dụ điển hình khiến chúng ta phải tập trung nhìn lại thực tế vấn đề hệ thống chăm sóc y tế”, Kara Hanson - một giáo sư đến từ trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London nói. Nhiều tổ chức từ thiện như của vợ chồng tỷ phú Gates đang tập trung quá sâu vào những bệnh dịch đặc biệt mà cuối cùng không có bất kỳ sự đầu tư nào để giúp nâng cấp hệ thống cơ sở chăm sóc y tế.

Thậm chí, Chris Elias - chủ tịch chương trình phát triển toàn cầu của tổ chức Gates cũng thừa nhận: “Đó là một lựa chọn sai lầm. Bạn cần những gì để quản lý việc điều trị HIV? Đó là sự chăm sóc liên tục. Đây cũng là những gì cần để giúp bệnh nhân tiểu đường. HIV có thể bị xoá bỏ nếu bạn xây dựng được một hệ thống y tế lớn hơn và tốt hơn”.

Khoảng cách lương

Một mối quan tâm chính là khoảng cách lương bổng giữa các tổ chức phi chính phủ và phòng khám nhà nước. Tại Guinea - bệnh dịch Ebola bắt đầu từ hơn 1 năm trước, một vài bác sỹ được thuê bởi chính phủ được trả từ 300 - 400 USD/tháng theo tiết lộ của Mohamed Lamine Yansane - một nhà tư vấn chính sách tại Bộ Y tế của nước này. Tuy nhiên, với cùng vị trí bác sỹ như vậy có thể kiếm được 2.000 USD tại một tổ chức phi chính phủ.

Trong các cơ quan y tế nhà nước, “nhân viên được trả lương ít hơn và thiết bị thì thiếu thốn hơn”, Yansane nói. “Trong khi đó các tổ chức phi chính phủ thì có môi trường làm việc thu hút hơn”.

Kể từ năm 2002, The Global Fund (tổ chức từ thiện có trụ sở tại Geneva) hoạt động với mục đích chính là chống lại bệnh AIDS, lao (TB) và sốt rét đã đóng góp hơn 25 tỷ USD để làm chậm quá trình lây lan của những bệnh này và tuyên bố họ đã cứu được hơn 6,5 triệu mạng sống. GAVI đã ủng hộ vắc xin cho một nửa tỷ trẻ em tại các quốc gia nghèo trên thế giới, cứu được hơn 6 triệu mạng sống. Trong khi đó, Gates&Melinda Foudation đã dốc túi 31,6 tỷ USD với cùng mục đích như trên kể từ khi thành lập vào năm 2000.

Tại Liberia, theo tính toán của WHO, số tiền viện trợ từ nước ngoài cho y tế đã tăng 20 lần trong vòng 1 thập kỷ qua lên mức 110 triệu USD trong năm 2012. Cũng trong năm đó, 43% các tổ chức từ thiện hướng đến việc chiến đấu với bệnh sốt rét, HIV và TB trong khi con số tương tự vào năm 2002 chỉ là 2%. Tuy nhiên, đất nước này vốn có hệ thống y tế thiếu thốn ngày càng bị tàn phá sau 2 cuộc chiến tranh giữa năm 1989 và 2003. Vào năm 2012, họ chỉ còn 8 giường bệnh cho mỗi 10.000 người so với con số tương tự là 29 tại Mỹ và Anh.

Ngoài ra, tại Liberia chỉ có nửa dân số có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế và chỉ có 3 trung tâm y tế trong khoảng cách 1 giờ đi bộ theo nghiên cứu của đại học Harvard công bố vào năm nay.

Một nghiên cứu khác của Harvard cho thấy sự phối hợp không chặt chẽ giữa các tổ chức và nhà chức trách tại các chương trình y tế quốc gia dẫn đế sự phức tạp, bất tiện và lãng phí cho những hội thảo mang tính giáo dục. Nghiên cứu chỉ ra rằng một vài bác sỹ có thể tham dự nhiều khoá đào tạo nhằm tăng thu nhập từ các khoản phụ cấp hàng ngày và do đó cắt bớt thời gian dành cho bệnh nhân.

'Bỏ lơ' những bệnh không truyền nhiễm

Alan Brooks - giám đốc GAVI nói rằng tổ chức này cũng đang cố gắng hỗ trợ những vấn đề ưu tiên về y tế. Nỗ lực đó sẽ được thực hiện bởi những bác sỹ, y tá tại địa phương.

The Global Fund nói rằng dù phần lớn quỹ của họ tập trung vào những bệnh dịch đặc biệt nhưng cũng không hề hà tiện với những khoản chi nhằm cải thiện hệ thống y tế. Cụ thể, khoảng 10% trong số 25 tỷ USD của quỹ được dùng để ủng hộ cải tạo các hệ thống chăm sóc y tế kể từ năm 2012, Christoph Benn - giám đốc ngoại giao của quỹ nói. Ông này cũng thừa nhận các dịch vụ y tế cho các bệnh không truyền nhiễm như ung thư hay bệnh tim chưa được quỹ này quan tâm.

David Evans - giám đốc Hệ thống sức khoẻ của WHO thừa nhận rằng tiền đang được đổ vào các phòng thí nghiệm y tế, chuẩn đoán, điều trị một bệnh duy nhất chứ không phải cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản.

“Bạn sẽ được điều trị vì mắc sốt rét hay HIV nhưng nếu mắc ung thư cổ tử cung hoặc tim mạch, không có ai giúp đỡ tìm ra phương pháp chữa bệnh cả”.

Quá tập trung vào kết quả

Các nhà từ thiện đang tập trung quá sâu vào kết quả hơn là cải thiện hệ thống chăm sóc y tế. Theo bảng xếp hạng những tổ chức viện trợ của Anh, The Global Fund và GAVI xếp hạng ở mức “rất tốt” trong khi WHO - tổ chức thường hoạt động trong các dự án như hướng dẫn điều trị và tư vấn cho các Bộ y tế thì được xếp hạng là “thích đáng”.

Ngoài ra, “chính trị gia tại các quốc gia giàu có thường thích ủng hộ các tổ chức cho ra kết quả có thể đong đếm được như số người được cứu sống bởi vắc xin hơn là những mục tiêu khó định lượng như xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ chăm sóc y tế”, Nils Daulaire – đại diện Mỹ tại WHO nói.

Tiền của bạn sẽ hữu ích hơn khi đầu tư cải thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ”, Daulaire nhấn mạnh.

>> Tỷ phú Bill Gates quyên góp 50 triệu USD giúp thế giới chống Ebola

Phương Linh

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM